Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Tứ nghịch tán [phân tích, gia giảm, ứng dụng, y văn]

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Tứ nghịch tán – Xuất xứ: Thương hàn luận – Chủ trị: Dương uất quyết nghịch chứng

1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị

Sài hồ (quân) 6g Chích thảo (tá sứ) 4g
Chỉ thực (tá) 6g Thược dược (thần) 6g

Cách dùng: Tán bột, mỗi lần uống 12-16g với nước sôi để nguội. Có thể làm thuốc thang uống liều lượng có gia giảm

Tác dụng: Sơ can lý khí, hoà Vinh tán uất. 

Chủ trị: Trị chứng dương khí nội uất do nhiệt nhập vào lý không thông đạt đến tứ chi gây nên chứng quyết nghịch (vì vậy gọi là ‘Tứ nghịch tán’).

Chú ý lúc sử dụng : Chứng chân tay quyết nghịch do nhiều nguyên nhân khác nhau. Bài thuốc này chỉ có thể dùng trị chứng nhiệt quyết do dương khí nội uất, những trường hợp khác không dùng dược.

2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng

Phân tích bài thuốc:

Sài hồ, sơ giải uất kết làm cho dương khí thấu đạt ra ngoài, là chủ dược; Chỉ thực phối hợp với Sài hồ để thăng thanh giáng trọc; Thược dược ích âm hoà lý, phối hợp với Chỉ thực có tác dụng sơ thông khí trệ; Chích thảo điều hoà trung khí, cùng dùng với Thược dược có tác dụng thư cân hoà Can. Vì Sài hồ, Chỉ thực có tác dụng sơ thông Can Tỳ (Vị) khí trệ; Thược dược, Cam thảo sơ Can lý Tỳ, chỉ thống, cho nên đây là bài thuốc căn bản trị chứng Can Tỳ bất hoà, khí trệ.

Ứng dụng lâm sàng:

+ Bài thuốc Tứ nghịch tán trong “Thương hàn luận” dùng trong can vị khí trệ dương uất bên trong mà gây ra tứ chi nghịch lạnh, can vị bất hoà và quản phúc đau, tiết lợi hạ trọng. Hậu thế từ phương này đã gia giảm thành nhiều phương tễ. Như “Hoà tễ cục phương” với Tiêu dao tán, “Cảnh Nhạc toàn thư” với Sài hồ sơ can tán… do Tứ nghịch tán có thể sơ can hoà vị tuyên đạt uất trệ, hoãn cách chỉ thống nên lâm sàng vận dụng rất rộng như chữa viêm dạ dày, viêm loét hệ tiêu hóa, bệnh can đởm, phụ nữ kinh nguyệt không đều, viêm khung chậu, căng đau bầu vú, sưng hạch lâm ba cố. Phàm lâm sàng biện chứng thuộc thể can uất khí trệ đều có thể dùng phương này làm cơ sở gia giảm điều

+ Bài này trên lâm sàng dùng trị chứng Can uất, chân tay quyết nghịch, hoặc Can Tỳ bất hoà gây nên bụng sườn đau hoặc nôn mửa hoặc bụng đầy, ợ hơi, mạch Huyền có lực.

Gia giảm: 

+ Nếu có thực tích, thêm Mạch nha, Kê nội kim, để tiêu thực.

+ Nếu có huyết ứ, thêm Đan sâm, Bồ hoàng, Ngũ linh chi để tán ứ, chỉ thống.

+ Nếu cố vàng da, thêm Nhân trần cao, Uất kim để thanh nhiệt, lợi thấp, thoái hoàng.

+ Khi trệ nặng, thêm Hương phụ, Uất kim để hành khí giải uất.

+ Trường hợp đau dạ dày thuộc chứng Can Vị bất hoà dùng bài ‘Tứ nghịch tán’

+ Nếu vùng thượng vị đau, đầy trướng, miệng đắng, ợ chua, thêm ‘Tả kim hoàn’ để hạ khí giáng nghịch, tả nhiệt khai uất.

+ Trên lâm sàng thường dùng trị các chứng đau thần kinh liên sườn, đau dạ dày cơ năng, thuộc chứng Can Tỳ bất hoà, có thể thêm những vị thuốc như Hương phụ, Diên hồ sách, uất kim để giải uất, chỉ thống. Trường hợp tả lỵ, mót rặn, có thể thêm Phỉ bạch để thông tả khí trệ ờ dại trường.

Trên lâm sàng có tác giả báo cáo dùng bài ‘Tứ nghịch tán gia vị’ (Sài hồ, Chỉ thực, Uất kim mỗi thứ 8g, Bạch thược, Qua lâu bì mỗi thứ 16g, Phỉ bạch 12g, Cam thảo 4g), trị đau thần kinh liên sườn kết quả tốt.

3. Điều văn Tứ nghịch tán trong Thương Hàn Luận

Điều 318 Thương hàn luận viết: “Thiếu âm bệnh, tứ nghịch, kỳ nhân hoặc khái, hoặc quý, hoặc tiểu tiện bất lợi, hoặc phúc trung thống, hoặc tiết lợi hạ trọng giả, Tứ nghịch tán chủ chi”.

Cam thảo chích, chỉ thực đập nhỏ ngâm nước, sao khô, sài hồ, thược dược. Các vị trên mỗi vị 10 phân tán nhỏ rây mịn, uống với nước trắng mỗi lần một muỗng (Phương thốn chùy) ngày 3 lần. Ho gia ngũ vị tử, can khương, mỗi loại 5 phân, đồng thời có thể chỉ hạ lợi. Tâm quí gia quế chi 5 phân. Tiểu không thông gia phục linh 5 phân. Bụng đau gia phụ tử 1 củ, bào, xẻ. Tiết lợi hạ trọng dùng nước 5 thăng sắc thông bạch 3 thăng còn 3 thăng bỏ bã, dùng 3 thìa thuốc bột cho vào thang thuốc, sắc còn 1,5 thăng chia ra uống. 

Dịch nghĩa

Đoạn này bàn về chứng trị của khí quyết. Tứ nghịch trong chứng này do can khí uất kết khí cơ không thông, dương khí nội uất không thể đạt đến tứ chi gây ra. Mức độ lạnh của tay chân tương đối nhẹ, phạm vi nhỏ và không có kèm nhiều triệu chứng nghiêm trọng hư hàn khác. So với mấy đoạn trên thiếu âm bệnh dương hư âm thịnh tứ chi quyết lãnh có tính chất khác nhau. Do nó có chứng “tứ nghịch” nên luận nó vô thiếu âm bệnh để dễ phân biệt. Chữa chứng từ nghịch ở đây dùng Tứ nghịch tán để sơ can hòa vị, thấu đạt uất dương. Phương gồm: sài hồ, thược dược, chỉ thực, chích cam thảo 4 vị hợp thành. Sài hồ sơ can giải uất, thấu đạt dương khí. Chỉ thực lý khí tán kết để lợi tỳ vị. Hai thuốc phối hợp một tháng một giáng, giải uất khai kết sơ đạt dương khí. Thược dược, cam thảo toan cam hoá âm mà nhu can hoãn cấp hợp sài hồ sơ can, chỉ thực lợi tỳ vị có tác dụng điều lý can tỳ. Sài hồ, chỉ thực nhập khí phần, thược dược nhập huyết phần lại có khả năng điều hoà khí huyết. Tóm lại phương là phương cơ bản dùng để điều lý khí cơ. Bốn thuốc hợp dùng làm cho dương khí thông đạt, can tỳ hoà thuận, khí huyết điều thông thì huyết nghịch tự khỏi. Chứng này có rất nhiều những triệu chứng hoặc nhiên (có hoặc không có) như phế hàn khí nghịch gây ho, tâm dương bất chấn gây quý, khí hóa thất tư gây tiểu không thông. Can mộc vũ thổ, khí cơ trở trệ gây đau bụng, tiết lợi hạ trọng. Lúc này có thể tùy chứng gia giảm, ho gia ngũ vị tử, can khương để ôn phế tán hàn, tâm quý gia quế chi ôn thông tâm dương, tiểu không thông gia phục linh đạm thấm lợi thuỷ, tiết lợi hạ trong gia thông bạch để thông dương hành khí. Nếu đau bụng do hư hàn có thể gia thêm phụ tử ôn dương tán hàn chỉ thống. Những chứng hoặc nhiên kể trên thường gặp nhất là đau bụng tiết lợi hạ trọng. 

4. Trích dẫn y văn

> Chủ chứng của bài này là chân tay quyết nghịch, cho nên tôn bải gọi là ‘Tứ nghịch” . Chứng quyết nghịch có phân ra hàn nhiệt. Phương này trị chứng nhiệt quyết, vì nhiệt tà truyền kinh hãm vào phần lý, dương khí uất lại ở trong, không thấu đạt ra chân tay được cho nên chân tay quyết lạnh. Dụng ý của bài này là ở chỗ hoà giải biểu lý, sơ thông phần dương để không uất lại ở trong thì dương khí dược thông đạt mà quyết nghịch khỏi. Nếu là chứng quyết âm cần dùng thuốc ôn lý hồi dương thì bài này không thích hợp.

Nếu Can Tỳ mất điều hoà, khí trệ không hoà, vùng bụng đau, tiêu chảy, lỵ mót rặn, cũng có thể dùng bài này. Bài này dùng trị chứng thiếu âm chân tay quyết nghịch. Đơn Ba Nguyên Giản chú thích rằng: “ Bài này tuy nói là trị thiếu âm, nhưng thực là thuốc của Dương minh và Thiếu dương”. Cách lập phương và phạm vi sử dụng cửa bài này đời sau được triển khai thêm , như bài ‘Tiêu dao tán ’ của ‘Hòa tễ cục phương’, dựa theo phép này gia giảm mà thành. Trên lâm sàng , chứng can uất, thấy các chứng chân tay quyết nghịch, can vị không hoà gây ra đau bụng và quyết, đều có thể dùng, không hoàn toàn chỉ trong phạm vi thương hàn (Thượng Hải phương tễ học).

> Bài thuốc Tứ nghịch tán’ (Thương hàn luận’) tuy gọi là Tứ nghịch nhưng không dùng trị chứng hàn quyết… Tứ nghịch tán’ trị thương hàn truyền kinh nhiệt vào lý, dương khí uất bế bên trong, không đạt ra bốn bên, khí âm dương không giao nhau sinh chứng quyết.

Triệu chứng là chỉ có đầu ngón chân tay lạnh, khống sợ lạnh, bụng đầy đau, hoặc tiêu chảy, mạch Huyền, thuộc chứng nhiệt quyết. Bài thuốc điều trị là dùng thuốc thấu giải uất nhiệt sơ can lý Tỳ, dùng Tứ nghịch tán’. Tứ nghịch tán’ trong Thương hàn luận, trị Thiếu âm nhiệt bịnh quyết nghịch. Tuy nhiên hậu thế trên cơ sở Tứ nghịch tán’ phát triển trị nhiều chứng bệnh khác, như Can uất khí trệ, tay chân quyết nghịch, Can Tỳ bất hòa, sườn bụng đau, tiêu chảy mót rặn… Hiện nay trị viêm gan mạn tính, giun chui ống mật, viêm túi mật, sỏi mật, viêm tụy, viêm trường vị cấp tính, viêm ruột thừa cấp, viêm màng ngực, chứng chức năng thần kinh, viêm tuyến vú, đau thần kinh gian sườn, trên cơ sở bài trên gia giảm điều trị đạt hiệu quả (Trung y vấn đối).

> Chứng này tuy gọi là Tứ nghịch nhưng tất nhiên sẽ không lạnh lắm (tứ chi), hoặc đầu ngón tay hơi ấm, hoặc mạch không trầm vi, vẫn là chứng âm trung hàm dương, chỉ duy nhất do khí không tuyên thông nên gây nghịch lạnh (Lý Trung Tử “Thương hàn khoát yếu – Bách hợp hồ hoặc mục xích âm độc dương độc tổng luận”).

> Phàm Thiếu âm tứ nghịch tuy thuộc âm thịnh không thể làm ấm bên ngoài do dương khí bị âm uất không tuyển đạt nên tứ chi nghịch lạnh,… Tứ chi nghịch lạnh mà không kèm theo hàn nhiệt chứng, tức không thể dùng ôn hàn lại không thể công hạ nhiệt, duy nhất chỉ thích hợp với sở thông dương do đó dùng Tứ nghịch tán điều trị (Y tông kim giám).

Nguồn: Tổng hợp 

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm