Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Ngọc nữ tiễn

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Ngọc nữ tiễn – Xuất xứ Cảnh nhạc toàn thư – Công dụng: Thanh nhiệt, tư Thận âm.

1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị

Thạch cao (quân) 20-40g Thục địa (thần) 12-20g
Mạch môn 8~12g Ngưu tất 6-8g
Tri mẫu 6-8g

Cách dùng: sắc uống.

Tác dụng: Thanh Vị, tư âm.

Chủ trị: Trị âm hư Vị nhiệt, phiền nhiệt, miệng khát, đau đầu, đau răng hoặc thổ huyết, chảy máu cam, lưỡi khô đỏ, rêu trắng hoặc vàng khô, mạch Phù Hoạt hoặc Hồng Đại, ấn vô lực.

Kiêng kỵ: Tiêu chảy không nên dùng.

2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng

Phân tích bài thuốc:

Chứng của bài này là hoả của Dương minh hữu dư, tinh của thiếu âm bất túc gây ra. Thạch cao thanh Vị nhiệt là  chủ dược; Thục địa tư thận thuỷ. Hai vị hợp lại vừa có tác dụng thanh nhiệt và tán thuỷ; Tri mẫu khổ nhuận, hợp với Thạch cao để tả Vị nhiệt; Mạch môn hợp với Thục địa có tác dụng dưỡng âm tăng tân dịch; Ngưu tất dẫn thuốc, giáng hoả xuống dưới.

Gia giảm:
+ Nếu nhiệt thịnh, bỏ Thục địa, dùng Sinh địa, thêm Đơn bì, Mao căn, Hạn liên thảo để lương huyết, chỉ huyết, thêm Chi tử, Địa cốt bì để thanh nhiệt.
+ Nếu nhiều mồ hôi, khát nước, thêm Ngũ vị tử.
+ Đại tiện khó, thêm Trạch tả, Phục linh.
+ Vị nhiệt thịnh mà thận âm hư không rõ, trái lại sốt cao, lưỡi đỏ sẫm, miệng khô, khát nước, thay Thục địa bằng Sinh địa, Ngưu tất bằng Huyền sâm để sinh tân, lương huyết, thanh nhiệt.
+ Khí âm hư, thêm Nhân sâm. Âm hư rõ, tăng lượng Thục địa làm chủ dược.
+ Vj nhiệt thịnh mà nôn ra máu, tăng lượng Thạch cao, Ngưu  tất để tăng tác dụng thanh Vị nhiệt dẫn huyết đi xuống và thêm Đại giả thạch, Ngưu tiết để lương giáng chỉ huyết. Thiên về âm dịch bất túc nên uống ấm. Thiên về vị hoả mạnh nên uống lạnh.
+ Nếu viêm miệng, viêm lưỡi cấp, đều có thể dùng bài thuốc này điều trị.
+ Nếu chất lưỡi khô, đỏ sẫm hoặc trơn, không có rêu, đó là dấu hiệu Vị âm bất túc, cần thêm Sa sâm, Thạch hộc để dưỡng âm, sinh tân.

3. Trích dẫn y văn

+ Nguyên ý của Trương cảnh Nhạc chế ra bài này là lấy Thạch cao, Tri mẫu trong ‘Bạch hổ thang’ để thanh hoả hữu dư của dựơng minh; Thục địa góp phẩn dưỡng âm bất túc của thiếu âm; Mạch đông dưỡng âm thanh Phế, dùng chung với Thục địa là lấy ý nghĩa kim thuỷ tương sinh; Ngưu tất dẫn nhiệt di xuống. Bài này dùng chung cả thuốc tư âm và thanh hoả, để tráng thuỷ chế hoả.

Sách ‘Ôn bệnh điều biện’ dùng bài này bỏ Ngưu tất, thêm Huyền sâm, Thục địa đổi thành Sinh địa, dùng trị ôn bệnh vào Thái âm, khí huyết đều bị nung đốt, có các chứng như miệng khát, lưỡi đỏ, mạch Sác (Thượng Hải phương tễ học).

+ Thanh vị tán’ và ‘Ngọc nữ tiễn* (Cảnh Nhạc toàn thư), đều trị Vị hỏa đau răng. Tuy nhiên ‘Ngọc nữ tiễn’ tác dụng thanh Vị tư âm, trị chứng Dương minh hữu dư, Thiếu âm bất túc sinh đau đầu, đau răng, răng lung lay, răng chảy máu, phiền nhiệt, khát nước, lưỡi đỏ khô, rêu lưỡi khô vàng, mạch Phù Hổng Hoạt Đại, ấn vào thì yếu. Thanh vị tán’ thanh Vị lương huyết, trị Vị tích nhiệt, hỏa cồng lên trên gây đau răng lở lợi, hôi miệng, lưỡi rêu vàng, mạch Hoạt, Đại, Sác. ‘Ngọc nữ tiễn’ chủ yếu tư âm giáng hoả, ‘Thanh vị tán’ chủ yếu tán hỏa giải độc, đó là điểm khác nhau của hai bài thuốc (Trung y vấn đối).

Nguồn: L/y Hoàng Duy Tân

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ