Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Đại thanh long thang

by Hoàng Duy Tân

Chủ trị của bài thuốc Đại thanh long thang này là biểu hàn bó ở ngoài, uất nhiệt không tuyên thông cho nên buồn phiền vật vã ở trong. Tuy là  hiện tượng nhiệt nhưng có quan hệ mật thiết với chứng không đổ mồ hôi.

1. Thành phần bài thuốc

Ma hoàng 16g bỏ mắt Thạch cao 32g đập dập
Hạnh nhân 8g bỏ đầu và vỏ Quế chi 8g cạo vỏ
Chích thảo 8g Sinh khương 8g cắt lát
Đại táo 4 quả xé

2. Công dụng của bài thuốc

Tác dụng: Phát hãn, giải biểu, thanh nhiệt, trừ phiền. 

Chủ trị: Trị các chứng ngoại cảm phong hàn biểu thực kiêm lý nhiệt chứng thường thấy sốt sợ lạnh đầu nặng, cơ thể đau, không ra mồ hôi, khó chịu, rêu lưỡi trắng hoặc hơi vàng, mạch Phù Khẩn có lực.

Cách sắc: 

Ma hoàng nấu trước với 1.5 lít nước, còn 600ml, vớt bỏ bọt, cho sáu vị kia vào sắc còn 200ml, lọc bỏ bã, uống nóng cho ra ít mồ hôi. Nếu mồ hôi ra nhiều thì lấy ‘ôn phấn’ xoa vào. Uống một lần mồ hôi ra rồi thì không uống nữa, mồ hôi ra nhiều thì dương khí mất, trở thành hư mà sinh ra các chứng phiền táo, sợ gió, không ngủ được.

Kiêng kỵ:

  • Không phải biểu thực hàn không dùng
  • Bệnh nhân cơ thể yếu nhược, huyết hư không dùng

3. Phân tích bài thuốc

Bài thuốc được tạo thành dựa vào bài ‘Ma hoàng thang’, tăng lượng Ma hoàng và Cam thảo, có thêm Thạch cao, gừng và Táo. Tăng lượng Ma hoàng để tăng tác dụng phát hãn và giải biểu; Thạch cao thanh nhiệt trừ phiền; tăng lượng  cam thảo để điều hòa trung khí. Thêm Khương, Táo để điều hòa vinh vệ.

Chủ trị của bài này là biểu hàn bó ở ngoài, uất nhiệt không tuyên thông cho nên buồn phiền vật vã ở trong. Tuy là  hiện tượng nhiệt nhưng có quan hệ mật thiết với chứng không đổ mồ hôi. Trong bài dùng Ma hoàng liều cao, phối hợp với Quế chi để phát hãn làm chủ yếu, thêm Thạch cao đế’ thanh nhiệt trừ phiền làm phụ tá, làm cho mồ hôi ra một lần là nhiệt tà đều trừ hết.

4. Ứng dụng lâm sàng

Bài này được dùng chủ yếu đối với chứng sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, bứt rứt khó chịu mà mạch Phù Khẩn có lực. Bài thuốc cũng có thể dùng trong các trường hợp có đờm ẩm, ho suyễn do cảm ngoại tà gây nên, chân tay phù, sốt, sợ lạnh, không ra mồ hôi, bứt rứt khó chịu.

Hiện nay ‘Đại thanh long thang’ còn được dùng trị cảm, viêm Phế quản, viêm não dịch tễ, viêm não Nhật Bản, da bị ngứa (bì phu tao dưỡng).

5. Trích dẫn y văn

– Kha Vận Bá nói: “Đây là chứng nặng của ‘Ma hoàng thang’, vì vậy dùng ‘Ma hoàng thang gia vị’ để trị. Mọi chứng đều là chứng của ‘Ma hoàng thang’ chỉ có khác là suyễn và buồn phiền bứt rứt. Suyễn là hàn tà làm khí uất, thăng giáng không bình thường cho nên dùng nhiều Hạnh nhân có vậy vị đắng để tiết khi. Buồn phiền, vật vã là nhiệt làm tổn thương phần khí, thiếu tân dịch không thể sinh được mồ hôi cho nên đặc biệt thêm Thạch cao vị ngọt để sinh tân dịch, nhưng tính của nó chìm mà rất hàn, sợ rằng nóng ở trong hết ngay mà biểu tà không giải sẽ biến thành chứng hàn ở trung tiêu sinh ra tiêu chảy kèm nhiệt, cho nên tăng Ma hoàng để phát biểu, lại tăng Cam thảo để điều hoà trung tiêu, dùng thêm Khương, Táo để điều hoà Vinh Vệ. Ra được mồ hôi mà biểu lý đều giải, phong nhiệt đểu trừ, đó là công hiệu thanh trong chống ngoài, cho nên giúp được chỗ bất cập của hai bài ‘Ma hoàng thang’ và ‘Quế chi thang’. Bệnh thiếu âm cũng có chứng phát sốt sợ lạnh, không ra mồ hôi, buồn phiền, vật vã, giống như chứng của ‘Đại thanh long thang’ nhưng khác ở chỗ mạch không phù, đầu không đau. Khi chữa, nên ôn bổ. Nếu mạch Phù, Nhược, tự ra mồ hôi là chứng ‘Quế chi thang’, nếu dùng ‘Ma họàng thạch cao thang’ thì chân dương mất hết ngay. Vị khí không đến được tay chân, cho nên tay chân buốt lạnh, kinh khí Thái dương không lưu hành được khắp toàn thân cho nên gân thịt máy giật, điếu này Trương Trọng Cảnh đã dặn rất kỹ. Trước hết phải xét chứng rối dùng thì mới không sai. Phải biết rằng chứng ‘Ma hoàng thang’ là hàn hoàn toàn ở biểu, chứng tự đổ mồ hôi của ‘Quế chi thang’, chứng buồn phiền vật vã của ‘Đại thanh long thang’ đều kiêm lý nhiệt. Trong bài thuốc trị biểu, Trương Trọng cảnh cho thêm thuốc hàn để thanh lý. Tự đổ mồ hôi là triệu chứng báo trước của buồn phiền, vật vã là triệu chứng của buồn phiền, mồ hôi ra thi buồn phiền cũng tiết ra được, vì thế, không vật vã thì không nên dùng vị thuốc hơi hàn, đắng để điều hoà. Mồ hôi không ra thì buồn phiền không tiết được, vì vậy đối với chứng vật vã, nén dùng vị thuốc đại hàn, cúng chắc để thanh đi. Thược được với Thạch cao vốn là thuốc trị phần lý, nay mọi người thấy Trương Trọng Cảnh cho vào thuốc trị biểu, thì còn nghi ngờ nên không dám dùng, đến nỗi nhiệt kết ở Dương minh tạo thành các chứng phát ban, hoàng đản, cuồng loạn. Trong kinh thái dương, Trương Trọng Cảnh dùng Thạch cao để thanh hoả ở Vị, là để phòng nhiệt kết ở Duơng minh, thêm Khương, Táo để bồi bổ khí trung tiêu, để phòng bệnh tà chuyển vào Thái âm, thật là phép hay như vậy đó (Danh y phương luận).

– Đặc điểm của bài thuốc này là dùng liều cao Ma hoàng, phối hợp với Thạch cao, vì phong hàn quá nhiều, phần cơ biểu bị bó lại, lỗ chân lông bị bí tắc, nếu không dùng liều thuốc mạnh thì không thể phát hãn giải biểu được mà uất nhiệt vẫn còn ở phần tý, gây nên phiền táo. Nếu chỉ đơn thuần dùng vị thuốc tân ôn để phát hãn thì gây nên ra mồ hỏi nhiều quá, làm tổn thương chính khí hoặc có tác dụng phụ như sốt cao mà mồ hôi vẫn không ra được, cho nên mới cùng dùng Ma hoàng, Quế chi, lại phối hợp với Thạch cao, Nếu đã ra mồ hôi, thì dù thấy phiền táo cũng không được dùng lầm lẫn’ (Thang đầu ca quát).

‘Đại thanh long thang’ ngoài việc dùng vào chứng thương hàn biểu thực nặng, trong đó có hiện tượng nhiệt ra còn có thể bốc được thuỷ khí ra, cho nôn trong sách ‘Kim quỹ yếu lược\ dùng trị chứng giật ẩm kèm có chứng nhiệt ồ phần lý.

– ‘Đại thanh long thang’ có tác dụng phát hãn thanh nhiệt tương đối mạnh, ra mồ hôi nhiều quá dễ tổn thương dương khí, cho nên đối với chứng trúng phong biểu hư và chứng có mồ hôi mà phiền đểu cấm dùng. Sách ‘Thương hàn luận viết: “Nếu mạch Vi nhược, đổ mồ hôi mà sợ gió thì không được cho uống, uống vào thl quyết nghịch, gân run, thịt giật, đó là trái nghịch”. Chứng gân run thịt giật đây tức là chứng dương vong dịch thoát, gân thịt mát sự ấm áp, nhu nhuận mà gây nên, cũng là kết quả của việc dùng lầm thuốc.

– Còn về ‘ôn phần’, trong sách ‘Thiên kim phương’ có bài thuốc ‘ôn phần’, dùng Long cốt nướng, Mẫu lệ nướng, sinh hoàng kỳ, mỗi vị 12g, bột gạo tẻ 2g, đếu tàn thành bột mịn, hoà dán, dùng vải lụa thưa bọc lại, từ tử xoa lên trên da để đạt được mục đích làm hết ra mồ hôi là một phương pháp dùng chữa ngoài khi gặp bệnh (Thượng Hài phương tễ  học).

6. Y án Đại thanh long thang

Y án dưới đây được trích trong cuốn Kim quỹ yếu lược … dùng  Đại thanh long thang chữa chứng Dật ẩm

 Bệnh nhân họ Hàn… nam 28 tuổi. Sốt 39,50C tuy đang lúc tiết trời viêm thử nhưng quấn mền mặc ấm mà vẫn ố hàn, da khô ít mồi hôi, phiền thao không ngủ được tay chân vật vã, luôn miệng kêu la: “toàn thân đau nhức, trong ngực khó chịu quá”. Nhức đầu dữ dội vùng đỉnh, không dám xoay trở, sắc mặt đỏ ho khạc đờm trắng mà đặc dính, miệng lạt, rêu lưỡi trắng đầu lưỡi vàng mỏng gốc lưỡi, mạch phù sác hữu lực, đã 3 ngày nay
chưa đại tiện.

Phương dùng: Sinh ma hoàng 6 chỉ, quế chi 2 chỉ, hạnh nhân 3 chỉ, cam thảo 2 chỉ, sinh thạch cao 1 lượng (sắc trước), sinh khương 2 chỉ, đại táo 12 trái,1 thang sắc uống. Buổi sáng 10 giờ uống nước 1, chiều 2h uống nước 2, sau uống 1h hạn xuất từ ít tới nhiều, hơi nóng bốc lên đầu như chưng hơi nước, áo mền đều ướt. Sau khi thay áo, bỏ mền thì hạn xuất giảm dần, đêm ngủ ngon. Sáng hôm sau khỏe hoàn toàn, nghỉ 1 ngày hôm sau
tiếp tục đi làm bình thường.

8. Bài ca Đại thanh long thang

Đại thanh long thang Quế, Ma hoàng,

Hạnh, Thảo, Thạch cao, Khương, Táo tàng,

Thái dương vô hán kiêm phiên táo,

Phong hàn lương giải thử vi lương.

Ma hoàng, Quế: ‘Đại thanh long’,

Hạnh, Cam, Khương, Táo đi cùng Thạch cao,

Thái dương vô hãn nôn nao trong người,

Phong hàn cùng giải được cả hai.

Nguồn: Tổng hợp (có sử dụng tài liệu Phương tễ học – L/y Hoàng Duy Tân)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm