Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Tiểu thanh long thang

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Tiểu thanh long thang được dùng nhiều để trị viêm Phế quản mạn tính, chứng ho khó thở, hen phế quản. Có các triệu chứng khó thở, đờm loãng trắng, rêu lưỡi trắng, hoạt. 

1. Thành phần bài thuốc

Ma hoàng 12g bỏ mắt Bạch thược 12g
Bán hạ chế 12g  Quế chi 8g cạo vỏ
Chích thảo 12g Can  khương 12g
Tế tân 6g Ngũ vị tử 6g

2. Công dụng của bài thuốc Tiểu thanh long thang

Tác dụng: Giải biểu, tán hàn, ôn Phế, hóa ẩm. 

Chủ trị: Trị các chứng ngoại cảm phong hàn, bên trong có thuỷ thấp, đàm ẩm ứ trệ, có triệu chứng sợ lạnh, sốt, không ra mồ hôi, ho suyễn, đờm trắng lỏng, nặng thì khó thở không nằm được hoặc chân, mặt phù, miệng không khát, rêu lưỡi trắng, nhuận, mạch Phù, Khẩn.

Kiêng kỵ: Âm hư, ho khan không đờm, ho suyễn do Phế hư yếu, thận khí suy kém không nạp được khí: Kiêng dùng.

Cách sắc: Ma hoàng nấu trước với 1.5 lít nước, còn 600ml, vớt bỏ bọt, cho sáu vị kia vào sắc còn 200ml, lọc bỏ bã, chia 3 lần uống ấm.

3. Phân tích bài thuốc

Ma hoàng, Quế chi có tác dụng phát hãn, giải biểu, tuyên Phế, bình suyễn làm quân; Can khương, Tế tân vừa có tác dụng phát tán phong hàn vừa ôn hoá đờm ẩm là thần; Bán hạ táo thấp, hóa đờm, cùng với Bạch thược hợp với Quế chi để điều hòa Vinh Vệ; Ngũ vị tử liễm Phế, chỉ khái làm tá; Cam thảo làm giảm bớt tính cay nóng của Ma hoàng, Quế chi và Can khương. Ích khí hòa trung, điều hòa vị thuốc làm sứ.

4. Ứng dụng lâm sàng

Bài này được dùng nhiều để trị viêm Phế quản mạn tính, chứng ho khó thở, hen phế quản. Có các triệu chứng khó thở, đờm loãng trắng, rêu lưỡi trắng, hoạt. Trường hợp có thêm chứng nhiệt, bệnh nhân bứt rứt, thêm Thạch cao, gọi là bài ‘Tiểu thanh long gia thạch cao thang’ (Kim quỹ yếu lược). Bệnh nhân khát, nhiệt, bỏ Bán hạ, thêm Thiên hoa phấn, Sinh địa để thanh nhiệt sinh tân.

Gia giảm :

Sợ lạnh, không mồ hôi, tăng lượng Ma hoàng và Quế chi.

Hoặc thêm Sinh khương, Đại táo.

Đờm ẩm nhiều, tăng Bán hạ, Can khương, Tế tân. Hoặc thêm

Trần bì, Phục linh.

Ho, suyễn, thêm Hạnh nhân, Lai phục tử.

Ngực đầy trướng, tức trướng, thêm Trần bì, Chỉ xác.

Phù thũng: thêm Bạch truật, Phục linh.

Kèm có nhiệt ở phần lý, thêm Thạch cao.

5. Nghiên cứu về Tiểu thanh long thang

  • Trị chi khí quản háo suyễn: Dùng ‘Tiểu thanh long thang’ gia giảm trị 24 ca. Kết quả: Có 20 ca, sau khi uống 1 thang đã bớt suyễn ngay, còn lại 4 ca, uống 6-10 thang là có kết quả (Trung thành dược nghiên cứu 12, 1983).
  • Trị ho gà (bách nhật khái): Thêm Nam sa sâm, Ô mai, Thiên hoa phân, Phục linh, trị 102 ca. Kết quả: Khỏi 98, đỡ 4 (Sơn Đông y san 9, 1962).
  • Trị lớn tuổi bị tiểu nhiều (Lão niên tính di niệu): Trị 7 ca. Kết quả; Khỏi 4, đỡ 2, không khỏi 1 {Tứ Xuyên trung y 4, 1983).

6. Trích dẫn y văn

–  Kha Vận Bá nhận xét: “Nóng rét không giải mà ho, biết đó là thuỷ khí xâm phạm vào Phế; nôn khan, biết thuỷ khí chưa vào Vị mà ở dưới tâm. Dưới tâm là vị trí của hoả, thuỷ hoả xung đột nhau thì biến hoá của thuỷ khí không lường, nếu đi xuống mà không lên thì sẽ khát hoặc tiêu chảy, đi lốn mà không xuống thì nghẹn hoặc suyễn, lưu lại nơi trường vị thì tiểu tiện không thông lợi, bụng dưới sẽ bị đầy. Chỉ có sốt mà ho là đúng chứng, cho nền trong bài ‘Quế chi thang’ bỏ Đại táo vì nê trệ, thêm Ma hoàng để khai thông tấu lý, Tế tân để trục thuỷ khỉ, Bán họ để trừ nôn, Ngũ vị, Can khương để trị ho. Nếu khát là Tâm hỏa thịnh, bỏ Bán hạ (do có) táo nhiệt, thêm Qua lâu căn để sinh tân dịch. Nếu hơi tiêu lỏng và nghẹn, tiểu tiện không thông, là bệnh có xu thế chuyển vào phần lý, cho nên bỏ Ma hoàng (phát biểu), thêm Phụ tử để trừ nghẹn, Nguyên hoa, Phục linh để lợi thuỷ, Hạnh nhân để định suyễn. Hai bài Thanh long thang’ đểu trị chứng biểu và lý, đều dùng phép giải cả biểu lẫn lý, nhưng ‘Đại thanh long’ là lý nhiệt, ‘Tiểu thanh long’ là lý hàn, cho nên thuốc dùng để phát biểu thì giống nhau nhưng thuốc trị phần lý lại khác. Bài này so với bài ‘Ngũ linh tán’ là bài trị thuỷ tà kết đọng không thông, cho nên lợi thuỷ mạnh mà phát hãn nhẹ, đó là phép trừ thuỷ uất (thuỷ uất chiết chi – thuỷ tà tích tụ không thông thì dùng thuốc lợi thuỷ để tả đi). Bài Tiểu thanh long thang’ trị thuỷ khí biến hoá không nhất định, cho nên dùng các vị tân ôn để tán thuỷ khí, đồng thời dùng vị toan khổ để làm yên Phế, bổi đắp hoá nguyên. Nghiên cứu kỹ các phép phát biểu lợi thuỷ của Trương Trọng cảnh, sẽ hiểu được nghĩa tinh thâm của nó vậy (Danh y phương luận).

– Bài ‘Tiểu thanh long thang’ không những trị được chứng ở biểu do ngoại cảm phong hàn mà còn trị cả chứng ở lý, do nước uống vào đình trệ ở vùng dưới tim. Đây là bài thuốc hay trừ thuỷ ẩm, giải biểu (Thang đầu ca quát).

–  Chứng của bài này so sánh với chứng của ‘Đại thanh long thang’ thì chứng của ‘Đại thanh long thang’ là ngoài hàn mà trong có nhiệt, còn chứng của bài này là ngoài hàn mà trong có ẩm, cho nên hai bài ấy về thuốc giải biểu thì giống nhau mà thuốc chữa ở lý thì khác nhau. ‘Tiểu thanh long thang’ trị lý là ôn tán thuỷ ẩm. Nếu là ngoài hàn trong ẩm mà kiêm có hiện tượng nhiệt xuất hiện các chứng ưu phiền vật vã, thì dùng Tiểu thanh long thang’ thêm Thạch cao, tức là Tiểu thanh long thang gia thạch cao thang’, đó là cùng dùng cả hàn ôn để làm cho thuỷ và nhiệt đểu hết (Thượng Hải phương tễ học).

– Kim quỹ yếu lược có đoạn viết “Khái nghịch ỷ tức (dựa ghế thở) bất đắc ngọa, Tiểu thanh long thang chủ chi”. Đoạn này nói về chứng trị của chi ẩm do ngoại hàn dẫn động nội ẩm.

Khái nghịch ỷ tức, bất đắc ngọa là chủ chứng của chi ẩm. Do thượng tiêu vốn có sẵn đình ẩm nay lại cảm ngoại tà tức là nội ẩm ngoại hàn hỗ tương bác kích mà phát chứng này, do đó dùng Tiểu thanh long thang ngoại giải hàn mà trừ nội ẩm.

Đoạn khác viết: “Bệnh dật ẩm giả, đương phát kỳ hạn, Đại thanh long thang chủ chi; Tiểu thanh long thang diệc chủ chi” Đây là nói về chứng trị của dật ẩm. Dật ẩm là ẩm tà dật (tràn ra) cơ biểu đúng ra là phải dùng hạn xuất mà không dùng thì ẩm tà sẽ đình lưu mà xuất hiện triệu chứng đau đớn toàn thân. Ẩm tà khi đã tràn ra thể biểu thì điều trị đại pháp là dùng hạn giải hoặc cũng có thể tùy theo thế bệnh mà dùng lợi đạo. Nhưng khi phân tích cụ thể thì trường hợp dật ẩm có tà thịnh tại biểu mà lại kèm có uất nhiệt thì dứt khoát mạch sẽ phù khẩn, sốt, ố hàn, thân thể đau hạn không xuất mà suyễn phiền thao, cũng có trường hợp biểu hàn lý ẩm đều thịnh với triệu chứng ố hàn sốt ngực tức (bĩ) nôn khan ho suyễn. Phương pháp điều trị thì trường hợp đầu dùng Đại thanh long thang phát hạn kiêm thanh uất nhiệt, trường hợp sau dùng Tiểu thanh long thang phát hạn kiêm ôn hóa lý ẩm.

7. Y án về Tiểu thanh long thang

Y án dưới đây được trích trong cuốn Kim quỹ yếu lược … 

a) Bệnh họ Vương… nam 54 tuổi nông dân. Ngày 5/8/1961 đi khám bệnh. Bệnh nhân ho suyễn đã hơn 10 năm, hễ mùa đông là phát bệnh. Năm nay từ xuân tới hè phát liên tục. Hiện tại đang là mùa hè mà vẫn mặc áo ấm đêm ngủ đắp mền dày (mền bông), sắc sắc ố hàn, đặc biệt là lạnh vùng lưng nhiều, ho khạc đờm loãng rất nhiều, khí suyễn không nằm được, rêu mỏng trắng, mạch huyền khẩn. Đây là do phong hàn ngoại thúc, ẩm tà nội đình, trở át dương khí, phế khí thất tuyên.

Trị pháp: Ôn phế hóa ẩm, giải biểu thông dương dùng Tiểu thanh long thang: Chích ma hoàng 1 chỉ, quế chi 3 chỉ, khương bán hạ 3 chỉ, ngũ vị tử 1 chỉ, can khương 1,5 chỉ, bạch thược 3 chỉ, tế tân 5 phân, bạch truật 3 chỉ, chích cam thảo 1 chỉ.

Ngày 13/8 tái khám: Sau khi dùng phương trên đã bớt ho, bỏ áo ấm, ố hàn đã giảm. Tiếp tục phương trên gia can khương đủ 2 chỉ, tế tân đủ 1 chỉ.

Ngày 29/8 Sau khi dùng 6 thang hết suyễn khái, đã dám mặc áo mỏng, đêm ngủ ngon. Tiếp tục uống thêm 3 thang nữa.

Ngày 9/9 các chứng đều giảm duy chỉ có động tắc khí suyễn, nghĩ là bệnh sơ khởi tại phế lâu ngày ảnh hưởng thận do đó dùng Đô khí hoàn điều trị để trừ căn.

b) Bệnh nhân họ Trương… Mùa hè nóng nực tắm nhiều, cảm gây ho đã uống nhiều thuốc không hiệu quả, gặp lạnh (đang là tháng 10) ho tăng. Đây là tâm hạ hữu thủy khí Tiểu thanh long thang chủ chi. Ma hoàng 1,5 chỉ, quế chi 1,5 chỉ, bạch thược 2 chỉ, sinh cam thảo 1 chỉ, tế tân 1,5 chỉ, ngũ vị tử 1,5 chỉ, can khương 1,5 chỉ, khương bán hạ 3 chỉ.

Sau 2 tháng tái khám đã hết ho nhưng cảm giác hơi suyễn tức là dư tà vẫn còn nên thích hợp dùng khinh tễ Tam ao thang. Ma hoàng 6 phân, hạnh nhân 3 chỉ, cam thảo 8 phân.

c) Bệnh nhân họ Lý… nam 44 tuổi, nông dân. Lúc nhỏ mắc háo suyễn, trời lạnh, gặp nước, lao động mệt là suyễn càng nhiều. 1962 do cảm mạo mà lại phát háo suyễn, ho liên tục, đau ngực, đau mình, khạc nhiều bọt trắng, ngủ ngồi vì không nằm được, khạc được đàm thì dễ chịu, ăn uống giảm, đại tiện táo bón, tiểu trong dài, rêu trắng hoạt, mạch phù khẩn… Trị nghi ôn trung trừ đàm ẩm, tuyên phế nạp thận. Ma hoàng 1,5 chỉ, nhục quế 3 phân, trầm hương 5 phân, bạch thược 2 chỉ, tế tân 7 phân, can khương 1 chỉ, ngũ vị 1 chỉ, bán hạ 2 chỉ, chích cam thảo 2 chỉ, qua lâu nhân 5 chỉ, lại phục tử 4 chỉ. Sau uống thì suyễn ngưng ho giảm, bớt khạc đàm nằm được.

Nguồn: Tổng hợp (có sử dụng tài liệu của – L/y Hoàng Duy Tân)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm