Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Ma hoàng thang

by Hoàng Duy Tân

Trong “Thương hàn luận” bài thuốc Ma hoàng thang điều trị thái dương thương hàn biểu thực chứng, “Trửu hậu phương” quyển 3 dùng chữa suyễn nghịch, “Ngọc cơ vi nghĩa” dùng chữa ho suyễn háo…

1. Thành phần bài thuốc

Ma hoàng 12 g bỏ mắt Quế chi 8g bỏ vỏ
Cam thảo 4g chích Hạnh nhân 12 bỏ vỏ đầu

Xuất xứ: Thương Hàn Luận

2. Công dụng của bài thuốc Ma hoàng thang

Tác dụng: Phát hãn, giải biểu, tuyên Phế, bình suyễn. Trị ngoại cảm phong hàn có biểu chứng thực: Sợ lạnh, sốt, đau đầu, không có mồ hôi mà suyễn, mạch Phù Khẩn.

Chủ trị: Trong “Thương hàn luận” Ma hoàng thang điều trị thái dương thương hàn biểu thực chứng, “Trửu hậu phương” quyển 3 dùng chữa suyễn nghịch, “Ngọc cơ vi nghĩa” dùng chữa ho suyễn háo…

Cách sắc: Bốn vị trên dùng nước 1.5 lít , sắc ma hoàng trước giảm còn 60ml, bỏ bọt, cho thuốc khác vô sắc còn 200ml. Bỏ bã uống ấm, đắp mền ra mồ hôi (vi hạn), không cần húp cháo, những điều khác như Quế chi thang.

Kiêng kỵ:

  • Không phải biểu thực chứng không dùng
  • Tự hãn, Huyết hư, tân dịch hư không dùng
  • Ngoại cảm phong nhiệt, cơ thể hư nhược, bệnh không tại biểu không dùng

3. Phân tích bài thuốc

Ma hoàng thang là tuấn tễ phát hạn. Trong phương dùng ma hoàng để khai tấu (cơ tấu) phát hạn, giải biểu tán hàn, tuyên phê bình suyễn làm quân. Quế chi và cam thảo phối hợp có tác dụng tấn cam phát tán tuyên thông dương khí trợ ma hoàng phát hãn làm thần. Hạnh nhân giáng phế khí, chỉ khái định suyễn trợ ma hoàng tăng tác dụng bình suyễn là tá. Chích cam thảo vừa điều hoà tác dụng tuyên giáng của Ma hoàng và Hạnh nhân, vừa kiềm chế bớt tác dụng ra nhiều mồ hôi quá của Ma hoàng hợp với Quế chi dể khỏi tổn thương đến chính khí làm sứ.

4. Ứng dụng lâm sàng

Ngày nay dùng phương này chữa một số bệnh sau

1/ Cảm mạo, cúm, với triệu chứng sốt ố hàn, đau nhức toàn thân, không mồ hôi, mạch phù khẩn

2/ Bệnh hệ hô hấp như viêm hô hấp trên, viêm phổi, hen phế quản, viêm mũi, viêm amiđan mà thuộc biểu chứng

3/ Viêm tiết niệu: Phù trong viêm thận và những loại phù thũng khác thuộc dương thủy. Đây là căn cứ vào phế có tác dụng thông điều thủy đạo, hạ du bàng quang mà Ma hoàng thang có tác dụng tuyên khai phế khí, cho nên được gia giảm điều trị, có thể làm tăng lượng nước tiểu gia tăng tốc độ tiêu thũng

4/ Bệnh da liễu: Như vảy nến (ngân tiết bệnh ), nổi mẩn dị ứng. Vì phế chủ bì mao, Ma hoàng thang lại có tác dụng tuyên phế tẩu (đi tới) biểu. Cần nhấn mạnh 1 điều phương này thuộc tuần hạn tễ khi ứng dụng lâm sàng cần chú ý đến thể chất của bệnh nhân. Những trường hợp âm khuy dương hư, khí huyết hư nhược, tân dịch khuy tốn nên cấm dùng hoặc thận trọng khi dùng.

5 Trích dẫn y văn

Lời bàn

Thái dương dương minh hợp bệnh, bệnh tình thiên nặng ở thái dương biểu thì vẫn dùng Ma hoàng thang. Triệu chứng của nó nên có sốt, ố hàn, đầu gáy cứng đau, đau mình đau lưng không mồ hôi, mạch phù khẩn… Nếu có kèm suyễn mà ngực đầy tức thì vẫn do phong hàn ngoại thúc, phế khí trở trệ gây ra, tất nhiên khác với dương minh phủ thực chứng là bụng đầy mà suyễn do thực tà úng trệ vị trường, trọc khí thượng nghịch gây ra, do vậy không thể dùng phương pháp hạ, tức là nếu có tiêu táo bón cũng chỉ được dùng phương pháp nhuận trường mà thôi chứ không được công hạ

Trích dẫn

– Thái dương chủ nhất thần chi biếu, do phong hàn ngoại thúc dương khí không triển khai được nên đau mỏi cả thân mình. Thái dương kinh mạch đi tới lưng cùng nên đau lưng. Thái dương chủ cân nên khi nó bệnh thì cân cốt đau nhức. Do phong hàn xâm nhập nên ố phong, bì mao bế nên không có mồ hôi. Thái dương là chủ khí dương, dương khí uất bên trong nên suyễn. Thái dương muốn khai mở thì chỉ có Ma hoàng thang, nó khai mở thì các chứng sẽ hết. Ma hoàng chủ bát chứng (nguyên văn đã đề cập) thì: đau đầu, sốt, ố phong giống Quế chi chứng, không mồ hôi, đau mình giống Đại thanh long chứng. Chứng này nặng ở phát nhiệt (sốt), đau mình, không mồ hôi mà suyễn (Kha Vận Bá “Thương hàn lại tô tập – Thương hàn luận chủ – Ma hoàng thang chứng thượng”)

– Thái dương bệnh đã hơn 10 ngày mạch phù không còn khẩn mà lại tế. Bệnh nhân không phiền thao mà lại muốn ngủ hoài. Có câu “khẩn (mạch) khứ nhân an” (nhân là bệnh nhân) tức là bệnh đã giải rồi. Hai đoạn sau nói về lúc bệnh chưa giải: Mạch phù tế không buồn ngủ mà ngực đầy sườn đau là tà đã nhập thiếu dương tức là bệnh chưa giải, nên dùng Tiểu sài hồ thang. Nếu mạch chỉ phù không tế, không buồn ngủ tức là tà vẫn tại thái dương chưa giải, vẫn dùng Ma hoàng thang chứ đâu phải biểu đã giải mà dùng hòa giải pháp, phát hạn là đúng nhất đó nghe (Vưu Tại Kinh “Thương hàn quán chân tập – Thái dương chứng trị pháp”)

– Ma hoàng tân ôn, ruột rỗng ngoại đạt, thiện hành cơ biểu vệ phần, là thuốc phát hạn chủ yếu. Quế chi tân ôn phát tán, vị thuốc có màu đỏ nên nhập dinh, cùng hợp (dẫn) ma hoàng nhập dinh giải tán hàn tà, tà theo ma hoàng xuất ra vệ biểu và chỉ cần phát hạn là biểu tà sẽ giải. Do hàn chủ ngưng liễm dẫn tới biểu bị úng át mà khí ở lý lại không thoải mái (thư thả) dẫn đến thương hàn biểu không giải được mà xuất hiện chứng suyễn thúc thượng khí. Phếchủ nhất thần chi khí, hạ hành (đi xuống) là thuận là chức năng bình thường, đi lên là nghịch. Hạnh nhân nhập phế khổ ôn có tác dụng giáng khí, tân ôn (chỉ ma hoàng, quế chi) có tác dụng tán, dùng hạnh nhân làm tá để trợ ma hoàng quế chi và làm lợi thông phế khí. Lại sợ tác dụng tuấn mãnh của ma hoàng làm phát hạn thái quá sẽ gây vong dương cho nên phải dùng cam thảo cam hoãn để phòng ngừa tà giải mà chính không hư. (Trương Bình Thành Thành phương tiện độc – Phát biểu chí tế”)

– Kha Vận Bá nói: “Đây là bài thuốc khai khiếu trục tà phát hãn mạnh. Ma hoàng ruột rỗng ngoài thẳng tựa như lỗ chân lông khớp xương, có thể đuổi phong hàn từ khớp xương theo lỗ chân lông mà ra, là vị thuốc duy nhất để phát tán phong tà ở phần vệ. Quế chi cành đám ngang giống như đường kinh biệt, tôn lạc hay vào tâm hoá dịch, thông kinh lạc mà ra mồ hôi, là vị thuốc đệ nhất để giải tán phong hàn ở phần dinh. Hạnh nhân hình quả tim, ôn, hay trợ Tâm tán hàn, đắng hay vào Tâm, hạ khí, là vị thuốc hay nhất để trục tà định suyễn. Cam thảo vị ngọt tính bình, ngoài chống phong hàn, trong hoà khí huyết, là vị thuốc hay nhất để làm yên bên trong, làm dịu bên ngoài. Uống vào dạ dày, hành khí ra lỗ chân lông, thâu tinh vào da lông, rổi da lông huyết mạch hợp tinh lại mà ra mồ hôi xàm xấp, tà ở biểu được tống ra hết, đau hết, suyễn yên, nóng sẽ giải ngay, không phải ăn cháo để mượn cốc khi cho ra mồ hôi. sở dĩ không dùng Khương, Táo, vì tính Sinh khương tán ngang ra da th|t, trở ngại cho sự bốc lén của Ma hoàng, đó là muốn đi thẳng ngay, hơi hoãn thì không kịp, tán ngang thì không mạnh được, nhưng đây là một bài thuốc thuần dương phát tán, như một ông tướng cầm gươm xông thẳng vào, cốt để đánh một trận là thành công, nếu không được thì có thể gây hoạ, cho nên chỉ có thể có một chứ không thể có hai. Nếu mồ hôi ra rồi mà bệnh không giải thì nên lấy ‘Quế chi thang’ thay vào, nếu tà còn lưu luyến ở bì mao thì có cách rất hay là dùng bài ‘Quế ma các bán’, hoặc ‘Ma hoàng nhất quế chi nhị thang’. Nếu dương thịnh ở trong mà không có mồ hôi, lại có ‘Ma hạnh thạch cam thang’, dó là lâm pháp của Trọng cảnh dùng thuốc (Danh y phương luận).

– Sách ‘Thương hàn luận viết rằng sau khi uống ‘Ma hoàng thang’ phải ‘đắp chăn cho ra dâm dấp mồ hôi thối’, sách ‘Thương hàn luận’ cũng khuyến cáo là mồ hôi ra nhiều sẽ bị vong dương. V! vậy chữ ‘lâm ly’ (ra dầm dề) trong câu ‘Thương hàn phục thử hãn lâm ly’ (Thương hàn khi uống mà mồ hôi ra đầm đìa), cần phải xem một cách linh hoạt. Không nên cho rằng đó là hiện tượng bình thường sau khi uống bài ‘Ma hoàng thang’ (Thang đầu ca quát).

– ‘Ma hoàng thang’ là bài thuốc đứng đầu nhóm tân ôn giải biểu, những bài thuốc đời sau cũng giống như thế, vị thuốc tuy có khác nhưng phần nhiều là từ bài này biến hoá mà thành, biết được ý nghĩa về thành phần của nó thì những bài thuốc khác có thể từ đó suy ra được. Vì bài này tân ôn giải biểu, cho nên đối với chứng phong nhiệt ở biểu không nên sử dụng, vì phong là dương tà, nhiệt là hoả khí, đặc điểm của nó là phát sốt, khát nước, mạch Sác, không sợ lạnh, hoặc hơi sọ’ lạnh, chỉ nên dùng thuốc tân lương giải biểu, ôn tà thường ra nhiều mồ hôi cũng rất dễ hao tổn âm dịch, nếu dùng nó để phát hãn có cái hại là đã bị thương tổn mà còn làm tổn thương thêm. Ngoài ra, trong ‘Thương hàn luận đối với những trường hợp như: Người bị nhọt lở, người bị chứng lâm, người bị chứng chảy máu cam, người bị vong huyết và chứng thương hàn biểu hư, tự đổ mồ hôi, người huyết hư mà mạch ở bộ xích Trì, bị hạ nhầm mà thấy chứng cơ thể nặng nề, tim hồi hộp, thì tuy có biểu tà cũng cấm dùng bài này.

– Tuy bài thuốc có một số cấm kỵ nhưng ý nghĩa của sự cấm kỵ thì có một, vì mồ hôi với huyết, dịch, tân, khí đểu là thứ chung nguồn, khác dòng, các chứng kể trên đểu là ở trong huyết, dich, tân, khí có chỗ thiên hư mà gây ra, nếu lại sử dụng thuốc tân ôn phát hãn thì sẽ vấp phải sự nghiêm cấm là: ‘Đã hư còn làm cho hư thêm’.

Tóm lại, bài này là vì chứng biểu thực mà đặt ra, chứng kiêm hư, kiêm nhiệt đểu không nên dùng (Thượng Hải ‘Phương tễ học).

– Theo thử nghiệm kháng khuẩn, các vị Ma hoàng, Quế chi, Cam thảo đều có tác dụng ức chế mạnh đối với virus cúm (Thượng Hải ‘Phương tễ học).

– Từ trước đến nay, ‘Ma hoàng thang’ vẫn được coi là tiêu biểu cho loại thuốc phát biểu (giải biểu), tuy nhiên, trên lâm sàng lại cho thấy tác dụng giải biểu, ra mồ hôi, giảm sốt của ‘Ma hoàng thang’ không tốt bằng thông Phế, bình suyễn, vì vậy thường dùng để trị bệnh ho mà không dùng giải biểu (380 bài thuốc hiệu nghiệm Đông y).

6. Nghiên cứu về bài thuốc Ma hoàng thang

– Kết quả nghiên cứu thực nghiệm cho thấy: Ma hoàng thang có tác dụng giải nhiệt, thúc đẩy tuyến bài tiết, chặn ho khứ đàm, giãn khí phế quản. Ma hoàng thang tác dụng giải nhiệt với thỏ (nhiệt độ hậu môn) so với Quế chi thang thì chậm và yếu hơn. Nhưng tác dụng hạ nhiệt với chuột (nhiệt độ da) thì nhanh hơn, thúc đẩy bài tiết nước bọt nhanh hơn Quế chi thang. Đối với sự ảnh hưởng bài tiết phenol từ khí phế quản chuột nêu lên Ma hoàng thang tác dụng khứ đàm rõ, Quế chi thang có tác dụng không rõ. Ma hoàng thang có tác dụng giãn phế quản, Quế chi thang không có. Nghiên cứu tác dụng phụ phát hiện Ma hoàng thang có thể gây ứ huyết tĩnh mạch hoặc xuất huyết và có khả năng gây xuất huyết hốc mắt (Điền An Dân “So sánh tác dụng dược lý của Ma hoàng thang và Quế chi thang” Tạp chí trung y 1984.

– Nghiên cứu gần đây về cơ chế tác dụng của Ma hoàng thang và ma hoàng phối ngũ cùng 1 số vị thuốc cho thấy tác dụng phát hạn giải biểu của phương này chủ yếu ở tác dụng điều tiết trung khu nhiệt, giãn mạch ngoại vi, cải thiện tuần hoàn ngoại vi (thể biểu) thúc đẩy bài tiết tuyến mồ hôi hạ nhiệt, từ đó đạt được thăng bằng tương đối về sản nhiệt và tán nhiệt trong cơ thể. Nghiên cứu dược lý còn cho thấy Ma hoàng bỏ mắt là do hàm lượng Ma hoàng tố trong đó chỉ bằng 1/3 thân ống. Nhưng hàm lượng giả ma hoàng tố trong mắt lại rất cao. (Ma hoàng tố là ephedrine)

– Trị cảm cúm (Lưu hành tinh cảm mạo): Đã dùng bài này, đa số” uống 2-3 thang, ra mồ hôi, hạ sốt và khỏi ngay (Tân y dược tư khoa 4/ 1 975).

– Trị viêm khí quản, hen Phế quản: Do cảm phong hàn gây nên. Lúc đầu cho uống ‘Tam ảo thang’, uống 3 thang không có kết quả, đổi dùng ‘Ma hoàng thang*, uống 3 thang khỏi bệnh (Cát Lâm trung y dược 1, 1981).

– Trị trẻ nhỏ sốt: Đã trị 167 ca, trong đó có viêm đường hô hấp trên, viêm amiđan. Trong đó, sốt 38-39°C: 134 ca, 39°C: 33 ca. Trẻ 1-3 tuổi, dùng bài trên, mỗi vị đều 6g, sắc 2 lần, chia 3 lần uống ấm. Trẻ 4-7 tuổi, mỗi vị 8g, sắc uống như trê. Trẻ 8 tuổi trở lên, mỗi vị tăng lên đến lOg, sắc uống như trên. Kết quả: sau khi uống 1-3 lần thì khỏi: 91 ca, sau khi uống 4 – 6 lần là khỏi, 65 ca. Còn 11 ca sau khi uống 6 lần mới khỏi. Thân nhiệt còn 38°c, các triệu chứng chính đều hết (Tân trung y 9, 1985).

– Trị viêm mũi (Tỵ viêm): Dùng bài này, thêm Hoàng kỳ, Thương nhĩ tử, Bạch thược, Tân di hoa, Bạch chỉ. Uống liên tục 6 thang, rồi dùng Hành ống, cắt khúc, nhét vào mũi bên bị nghẹt. Kết quả khỏi bệnh tốt (Phúc Kiến trung y dược 1, 1987).

– Trị viêm mũi (Tỵ viêm): Dùng bài này, thêm Từ trường noãn, Cát cánh, uống hoặc nấu để xông, đều có kết quả tốt (Cát Lâm trung y dược 1,1981).

– Trị chảy máu cam: Dùng ‘Ma hoàng thang’ trị cảm phong hàn không mồ hôi, đau đầu, toàn thân đau nhức, chảy máu cam… Trước sau uống 3 thang. Kết quả: Sau khi uống 2 thang, mồ hôi ra, khỏi bệnh (Cát Lâm trung y dược 1, 1981).

– Trị mề đay phong ngứa: Dùng ‘Ma hoàng thang’ thêm Hoàng kỳ, Bạch thược, Kinh giới, Thuyền thoái. Kết quả: Sau khi uống, mồ hôi hơi ra, uống 5 thang, khỏi bệnh, không thấy tái phát (Phúc Kiến trung y dược 1, 1987).

– Trị viêm da thần kinh: Dùng ‘Ma hoàng thang’ hợp với ‘Tứ vật thang’ gia giảm, trị 10 ca. Nếu nhiều nốt sừng hoá mà ngứa, bỏ Hạnh nhân, thêm Ô xà, Toàn yết, Đan sâm, Bạch tiên bì. Uống 4-49 thang. Kết quả: 2 ca các vết ban tiêu hết, không để lại sẹo, 5 ca cức tổn thương cơ bản (lều hết, 2 ca da bớt đến 80%, 1 ca các vết tổn thương nhạt màu hơn (Chiết Giang trung y tạp chí 2,1956).

– Trị mất tiếng (do cảm phong hàn): Dùng ‘Ma hoàng thang’ thêm Kinh giới, Tiền hồ, Cát cánh, Thuyền thoái. Uống liên tục 3 thang đều khỏi (Phúc Kiến trung y dược 1, 1987).

– Trị đống sang (nứt nẻ gây đau). Dùng ‘Ma hoàng thang’ thêm Phụ tử, Hoàng kỳ, Hồng hoa, Can khương, Tế tân. Trị bệnh phát vào mùa đông, liên tục 3 năm. Kết quả: Uống 8 thang, khỏi bệnh. Sau đó cho uổng Hoàng kỳ, Đương quy nấu với cá Diếc. Theo dõi đến mùa đông năm sau không thấy tái phát (Phúc Kiến trung ỵ dược 1, 1987).

– Trị bí tiểu (do cảm phong hàn): Dùng ‘Ma hoàng thang’ thêm Ngưu tất, Thông bạch. Kết quả: Uống 1 thang đã có thể tiểu được (Phúc Kiến trung y dược 1,1987).

– Trị thống kinh (do cảm phong hàn): Dùng ‘Ma hoàng thang’ thêm Bạch thược, Đương quy, Ngô thù du, Can khương. Kết quả: uống 1 thang, hết đau (Phúc Kiến trung y dược 1,1987).

7. Bài ca Ma Hoàng Thang

Ma hoàng thang trung dụng Quế chi

Hạnh nhân, Cam thảo, tứ ban thí

Phát nhiệt, ố hàn, đẩu hạng thống,

Thương hàn phục thử hãn lâm ly.

Bài Ma hoàng có Quê’ chi,

Hạnh nhân, Cam thảo thực thi bốn rồi,

Phát sốt, ớn lạnh, đầu, gáy đau.

Thương hàn mà uống mồ hôi đầm đìa,

Nguồn: Tổng hợp (có sử dụng tài liệu Phương tễ học – L/y Hoàng Duy Tân)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm