Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Quế chi thang (Tổng hợp chuyên sâu )

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Quế chi thang được hậu thế tôn vinh là “Quần phương chi quan” (cái mũ của các phương), ý nói là phương đứng đầu trong các phương.

1. Thành phần bài thuốc

Quế chi 12g bỏ vỏ Thược dược 12g
Cam thảo chích chích 6 g  Sinh khương 12g
Đại táo 4 trái xẻ

Chú ý: trên lâm sàng liều lượng thuốc có thể thay đổi, nhưng hãy cố gắng giữ đúng tỷ lệ vị thuốc, và tỷ lệ giữa nước và thuốc khi sắc.

Xem thêm:

2. Công dụng của bài thuốc Quế chi thang

Công dụng chủ trị: Phát tán phong hàn, giải biểu, điều hòa dinh vệ

Cách sắc:

Cách sắc và cách uống của quế chi thang nhất là phương pháp hộ lý sau uống thuốc rất quan trọng. Dùng 7 thăng nước sắc lửa nhỏ  còn 3 thăng, bỏ bã, uống ấm 1 thăng. Nếu 1 lần uống mà có mồ hôi và sốt hạ thì không uống nữa. Nếu đã uống 1 lần mà không mồ hôi thì có thể uống lần 2 lần 3 (sớm hơn 1 chút). Thậm chí 1 ngày đêm có thể uống liên tục từ 6 – 9 lần. 

Sau khi uống thuốc yêu cầu húp cháo loãng đồng thời đắp mền làm cho ra mồ hôi (vi hãn) mà khứ tà ngoại xuất, dứt khoát không được để mồ hôi ra dầm dề sẽ biến thành nhiều chứng khác, đồng thời cũng nêu rõ cấm kỳ sau uống thuốc, đây là vấn đề có tính khoa học cao, có ý nghĩa chỉ đạo quan trọng trên lâm sàng.

Kiêng kỵ: 

  • Biểu thực nhiệt không dùng
  • Biểu thực hàn, không có mồ hôi không dùng
  • Bệnh không ở biểu không dùng
  • Người ra mồ hôi quá nhiều không dùng
  • Người âm hư thấp nhiệt không dùng

3. Phân tích bài thuốc

Quế chi thang được hậu thế tôn vinh là “Quần phương chi quan” (cái mũ của các phương), ý nói là phương đứng đầu trong các phương. Trong phương dùng quế chi tân ôn phát hạn giải biểu. Thược dược toan hơi hàn hòa dinh liễm âm. quế thược phối hợp có tác dụng điều hòa dinh vệ. Ngoài ra phương này lại do hai phương nhỏ kết hợp đó là quế chi cam thảo thang – tân cam thông dương và Thược dược cam thảo thang – toan cam hóa âm kết hợp. quế chi cam tháo tân cam thông dương cổ vũ vệ khí làm tuyên thông vệ khí bị át. Thược dược cam thảo toan cam hóa âm hòa dinh ích âm hồi phục chức năng nội thủ của dinh khí. Sinh khương tân tán trợ quế chi giả biểu. Đại táo cam bình giúp thược dược hòa dinh. Công hiệu của phương là điều hòa dinh vệ khứ phong giải cơ. Sau khi dinh vệ được điều hòa sẽ thông qua sự phát hạn đe khứ tà ngoại xuất. Ngoài ra phương này còn có tác dụng điều hòa khí huyết và điều hòa âm dương.

4. Ứng dụng lâm sàng

Bài thuốc này ngoài việc dùng chữa biểu chứng ngoại cảm phong hàn, biểu hư còn có thể dùng trong những trường hợp sau :

– Nếu bệnh nhân kèm ho suyễn, Hậu phác, Hạnh nhân để bình suyễn, chỉ khái gọi là bài ‘Quế chi gia hậu phác hạnh nhân thang’ (Thương hàn luận).

– Những trường hợp sau khi mắc bệnh, sau khi sinh mà có hơi hàn có lúc hơi nhiệt, mạch hoãn, ra mồ hôi, có thể dùng ‘Quế chi thang’ để điều trị.

– Trường hợp phụ nữ có thai, nôn nặng, khí huyết không điều hoà có thể dùng điều trị có kết quả tốt.

– Trường hợp cảm phong hàn, hàn thấp, đau nhức cơ thể có thể thêm các vị Uy linh tiên, Tục đoạn, Phòng phong, Khương hoạt, Ngũ gia bì, có tác dụng tăng cường tác dụng trừ phong thấp, giảm đau.

– Trường hợp biểu chứng đã dùng ‘Quế chi thang’, có thêm chứng cứng gáy, đau lưng, thêm Cát căn gọi là bài ‘Quế chi gia cát căn thang‘ (Thương hàn luận).

– Trường hợp di tinh, chóng mặt, đạo hãn, tự hãn, thêm Long cốt, Mẫu lệ để vừa điều hoà âm dương vừa cố sáp gọi là bài ‘Quế chi mẫu lệ long cốt thang’ (Kim quỹ yếu lược).

– Cận đại theo đà thâm nhập nghiên cứu quế chi thang đã khuếch đại phạm vi ứng dụng trên lâm sàng. Cho rằng quế chi thang có tác dụng giải nhiệt, tiêu viêm, giải kinh, trấn thống, trấn tĩnh, kháng dị ứng, cải thiện tuần hoàn tim mạch, thường dùng trong những bệnh chứng sau đây: phổ thông cảm mạo, lưu hành tính cảm mạo (cúm), chỉ cần có biểu hiện là thái dương trúng phong chứng dùng phương này rất có hiệu quả. 

– Đối với những cơ thể hư nhược dễ cảm mạo thường thêm vào hoàng kỳ, người già thêm phụ tử. Điều trị bệnh nhân tự hãn thường gia hoàng kỳ để ích khí cố biểu. 

– Sốt thấp là 1 hiện tượng thường gặp trên lâm sàng dùng quế chi thang diều tri kết quả tốt. quế chi thang còn dùng chữa những bệnh da liễu như nổi mẩn dị ứng, đông sang (phỏng lạnh), chỉ cần có biểu hiện dinh vệ bất hoà hiện tượng hàn rõ là dùng tốt. Biện chứng yếu điểm của chúng vẫn dựa vào luận thuật của “Thương hàn luận”

5. Trích lược y văn 

– Thái dương trúng phong chứng do dương thụ phong (dương là thể biểu, là vệ) mà chưa ảnh hưởng âm (âm là lý, là dinh) nên mạch “dương phù mà âm nhược”. Dương phù thì không chờ tới lúc bế uất mà sốt tự phát, âm nhược không cần công phạt mà hãn tự xuất. Vì sao vậy? Vì phong là dương tà mà thượng hành, vệ là dương khí mà chủ ngoại (bên ngoài), dĩ dương tùng dương (dương cộng dương) nên khí tất phù nên nhiệt tự phát. Dương được phong giúp nên mạnh lên, âm không bị tà ngược lại sẽ yếu đi, dĩ nhược tùng cường nên khí của nó tất phái yếu nên hãn tự xuất. Co ro ố hàn ố phong là vệ khí bất hài hòa

(Vưu Tại Kinh “Thương hàn quán châu tập – Thái dương thiên”)

– Phương này là khôi tinh (4 sao tạo nên sao bắc đẩu) trong quần phương (rừng phương) của Trọng Cánh, là phương chính (tổng phương) của tư âm hòa dương, điều hòa dinh vệ, giải cơ phát hãn. Phàm đau đầu, sốt, ố phong, ố hàn, mạch phù nhược, hãn tự xuất, bất kể bệnh tại kinh nào, bất luận là trúng phong, thương hàn, tạp bệnh đều dùng phương này để phát hãn tốt. Nếu vọng hãn vọng hạ (dùng lầm hãn hạ) mà biếu không giải vẫn dùng phương này để giải cơ. Các triệu chứng đã nhắc tới nhu đau đầu, sốt, ố hàn, ố phong, tỳ minh, nôn khan… chỉ cần 1 triệu chứng là đủ chứ không cần phải có hết, duy chỉ cần mạch nhược tự hãn là đủ vì nó là chủ chứng.

(Kha Vận Bá “Thương hàn lại tô tập – Thương hàn phụ dược – Thái dương phương tổng luận”)

– Kha Vận Bá nói: “Đây là bài thuốc đầu tiên trong các bài thuốc của Trọng cảnh, là bài thuốc hay nhất về tư âm hòa dương, giải cơ phát hãn, điều hoà dinh vệ. Phàm trúng phong, thương hàn, tạp chứng, mạch phù nhược, mồ hôi ra mà biểu không giải, đều dùng được; ngoài ra chỉ cần thấy một vài chứng của nó là có thể dùng, không cần phải đợi đầy đủ chứng mới dùng.

Quế chi có màu đỏ thông với Tâm, tính ôn, hay tán hàn, vị ngọt hay ích khí sinh huyết, vị cay hay phát tán ngoại tà, trong giúp quân chủ (Tâm), phát dương khí mà sinh ra mồ hôi, cho nên hễ là bài thuốc phát hãn đều dùng đến, chỉ có điều là trong bài ‘Quế chi thang’ thì có thể không dùng Ma hoàng, mà trong bài ‘Ma hoàng thang’ thì không thể không dùng Quế chi. Dược vật của bài này đều cay ngọt, phát tán, riêng vị Thược dược tính chua hàn, ích âm kiện huyết, hóa dính khí ở trong cho nên giỏi cầm được mồ hôi. Người xưa bảo không cổ mồ hôi là không được dùng ‘Quế chi thang’ chính là vì trong bài có Thược dược giỏi cầm mồ hôi. Công hiệu của Thược dược là ở chỗ làm hết phiền, phiền hết thì mổ hôi cũng hết, cho nên chứng phiền và chứng tâm phiền đều nhờ đến nó. Nếu tăng vị Thược dược thì đó là bài thuốc để kiện trung chứ không phải là bài dùng để phát hãn nữa. 

Bài này dùng Quế chi phát hãn; Thược dược chỉ hãn; Sinh khương vị cay giúp Quế chi để giải cơ; Đại táo vị ngọt giúp Thược dược để hoà lý; Quế, Thược hoà hợp nhau, Khương, Táo tương đắc nhau, dương biểu âm lý cùng đi mà không trái nhau, là cương nhu giúp đỡ nhau để điều hoà vậy. Cam thảo ngọt bình, có tác dụng làm yên bên trong, chống đỡ bên ngoài, dùng để điều hoà khí huyết, tức là điều hoà biểu lý, đồng thời điều hoà các vị thuốc. Mà lại hay là ở chỗ ăn cháo loãng nóng để hỗ trợ tác dụng của thuốc, vì cốc khí đầy đủ ở trong thì tà khí không phạm trở lại, mà ăn cháo sau khi uống thuốc thì tà khí không lưu lại, tài tình của phức phương là như thế. Cần biết rằng bài này chuyên chữa biểu hư, giỏi về giải cơ phát hãn trong phần dinh, mà không có khả năng khai thông lỗ chân lông để phát tán tà khí ở phần vệ. Cho nên, không ra mồ hôi là chứng của ‘Ma hoàng thang’, thì không được dùng ‘Quế chi thang’. 

Nhưng bệnh mới phát không có mồ hôi nên dùng ‘Ma hoàng thang’ để phát hãn, nếu ra mồ hôi, tà giải rồi, lại sinh phiển thì dù mạch Phù Sác cũng không thể dùng ‘Ma hoàng thang’ nữa, mà dùng ‘Quế chỉ thang’. Nếu hạ rồi mạch vẫn phù, khí xung lên, và hết tiêu chảy rồi mà cơ thể vẫn đau nhức không thôi đểu dùng bài này để giải, tại sao vậy ? Vì lúc đó biểu tuy không giải mà tấu lý đã sơ hở, tà không ở bì mao mà ở cơ nhục, cho nên mạch không tuy giống chứng ‘Ma hoàng thang’ mà chủ trị lại thuộc về ‘Quế chi thang’. Thầy thuốc dở nói rằng ‘Quế chi thang’ chuyên chữa trúng phong, không được chữa thương hàn, làm cho người ta nghi ngờ mà không dùng. Không biết rằng bài này chuyên dùng chữa chứng tự đổ mồ hôi, đổ mồ hôi trộm, hư ngược, hư lỵ, hễ dùng là khỏi. Do đó, biết rằng bài thuốc của Trọng cảnh chữa được mọi bệnh, người sau gặp một chứng lại đặt ra trăm phương để mê hoặc người, làm cho mọi người không có chỗ chen tay vào, thật quá nông cạn

(Danh ỵ phương luận).

– Sự khác biệt chủ yếu trong điều trị giữa 2 bài ‘Ma hoàng thang’ và ‘Quế chi thang’ là người bệnh có mồ hôi hoặc không có mồ hôi. Người xưa từng nói: Có mồ hôi không được dùng Ma hoàng, không có mồ hôi không được dùng Quế chi, tức là nói về 2 bài thuốc ‘Ma hoàng thang’ và ‘Quế chi thang’. Tuy nhiên, cũng có khi phải kết hợp 2 bài ‘Ma hoàng thang’ và ‘Quế chi thang’, thành bài thuốc có tên là ‘Quế chi ma hoàng các bán thang’

(Thang đầu ca quát).

– Theo một số báo cáo lâm sàng bài ‘Quế chi thang gia giảm’ như sau: Cát căn 20 – 40g, Ma hoàng 6g, Bạch thược 12g, Phòng phong 12g, Sài hồ 6g, Cam thảo 4g, Đại táo 6 quả. sắc uống, chữa chứng cứng gáy (vẹo cổ) có kết quả tốt. Theo tài liệu, Cát căn có tác dụng giãn mạch tăng cường lưu lượng máu chống co thắt, làm giảm đau.

(Thượng Hải – Phương tễ học).

– ‘Quế chi thang’ tuy là thuốc giải biểu nhưng phối hợp với Thược dược là thuốc hoà âm; Sinh khương, Đại táo lại hoà được lý, nó khác với phương thuốc chuyên về phát hãn. Cho nên bài này, ngoài việc dùng vào biểu chứng ngoại cảm phong tà, đối với những người sau khi bệnh khỏi, sau khi sinh đẻ, do Vinh Vệ không hoà mà có các chứng lúc thì hơi lạnh, lúc thì hơi nóng, mạch Hoãn, có mồ hôi, đểu có thể linh hoạt mà sử dụng. Nhưng đối với phong biểu thực không có mồ hôi, ở biểu bị uất, ở lý có nhiệt, mồ hôi không ra mà phiền táo và mới bị ôn bệnh, xuất hiện ngay những chứng lý nhiệt, miệng khát, mạch Sác thì không nên sử dụng.

– Trong cách uống có nêu ra, sau khi uống thuốc thì ăn cháo loãng, nóng, là mượn cốc khí để giúp cho sức thuốc, và kiêm bổ ích vị khí để thúc tà khí giải ra ngoài. ‘Đắp ấm’ là để giúp cho sự ra mồ hôi nhưng mồ hôi ra không nên quá nhiều, vì ra nhiều mồ hôi sẽ hại đến dương khí.

(Trung y học khái yếu).

6. Kết quả nghiên cứu

– Những nghiên cứu trước mắt cho rằng quế chi thang có tác dụng kép điều tiết chức năng ca the. Ví dụ nhiệt độ cơ thể cao hoặc thấp hơn bình thường thì quế chi thang có tác dụng giải nhiệt với trường hợp sốt và đối với nhiệt độ thấp trong hư hàn chứng thì lại có tác dụng ôn kinh từ đó nhiệt độ cơ thể sẽ hồi phục bình thường. Hay nhu biểu hư chứng với sốt và hãn xuất dùng quế chi thang phát biểu hãn thì bệnh sẽ khỏi. Trường hợp tự hãn lâu ngày uống quế chi thang cũng cái thiện được triệu chứng.

– Trị cảm: Thêm Hoàng kỳ trị 95 ca kết quả:  Sau khi uống 2 thang, khỏi 20, uống 3 thang khỏi 43, uống 4 thang khỏi 27, uống 5 thang, khỏi 5( Hồ Bắc trung y tạp chí 5 /1981).

– Trị tự ra mó hồi: Trị 2 ca, trước tiên, uống ‘Quế chi thang’ để điều hòa vinh vệ để cầm mồ hôi lại. Sau đó, thêm Hoàng kỳ để ích khí, cố biểu, củng cố hiệu quả điều trị, phòng tái phát. Kết quả đều khỏi (Phúc Kiến trung y dược 5, 1964).

– Trị táo bón do hư yếu (5-7 ngày mới đại tiện 1 lần): Dùng ‘Quế chi thang’ thêm Hoàng kỳ, Chỉ xác. Kết quả: sau khi uống 3 thang, đã đại tiện được 2 lần. Sau đó, dùng bài trên, thêm Đẳng sâm. Sau khi uống 1 thang, từ đó, mỗi ngày đại tiện được 1 lần (Tứ Xuyên trung y 4, 1986).

– Trị bụng đau do giun đũa: Dùng ‘Quế chi thang’ tăng Thược dược, thêm Xuyên tiêu, Đường. Kết quả: Uống 1 thang, hết đau (Giang Tây y dược 4, 1964).

– Trị liệt mặt: Dùng ‘Quế chi thang’ thêm Bạch phụ tử, Cương tằm, Ngô công. Kết quả: Sau khi uống 5 thang, vùng mặt đã có chuyển biến, uống thêm 5 thang, khỏi bệnh. (Nghiệm phương ứng dụng – Nxb Ninh Hạ).

– Trị dị ứng da: Dùng ‘Quế chi thang’ thêm Đan sâm, Xích thược. Uống 1 thang, hơi ra mồ hôi, hạ sốt, bớt đau bụng. Dùng bài trên, giảm liều Quế chi, Thược dược, uống tiếp 2 thang, các vết xuất huyết đều tan. Cho uống thêm 3 thang ‘Bát trân’ (Hà Nam trung y, 5, 1984).

– Trị viêm mũi dị ứng: Dùng Đình lịch tử và Thuyền thoái tán nhuyễn. Dùng ‘Quế chi thang’ sắc lấy nước uống với thuốc bột. Đã trị 20 ca. Kết quả: khỏi 18, không khỏi 2, trong đó có 4 ca tái phát (Tân trung y 1/1978).

– Trị đau nửa đầu: Dùng ‘Quế chi thang’ gia giảm trị 30 ca. Trong đó, có 24 bệnh nhân bị đã 4 năm, 6 ca bị 1-3 năm. Kèm âm hư, thêm Sinh địa, Xuyên khung, Nam tinh, Quế chi giảm còn 5g. Kèm dương hư, tăng lượng Quế chi, thêm Xuyên khung, Nam tinh, Toàn yết. Kết quả: Khỏi hoàn toàn, hơn 2 năm không thấy tái phát: 13 ca. Có khỏi nhưng ngưng thuốc bị tái phát là 17 ca (Hồ Bắc trung y tạp chí 5, 1987).

– Trị bại liệt (liệt nửa người): Dùng ‘Quế chi thang’ thêm Hồng hoa, Phòng phong. Trị 24 ca. Nếu mồ hôi ra nhiều, tăng Bạch thược lên 30g. Huyết ứ nặng, thay Bạch thược bằng Xích thược. Ra mồ hôi, chân tay lạnh, mạch Vi, thêm Phụ tử. Chân mỏi yếu, không có sức, thêm Toàn yết. Kết quả: khỏi 15 ca, có kết quá 6, có chuyển biến 3. Uống ít nhất 14 thang, nhiều nhất 103 thang (Hà Nam trung y 2, 1986).

– Trị chứng ‘Vô mạch’: Dùng ‘Quế chi thang’ thêm Sinh khương, Hoàng kỳ, Phòng phong, Bạch truật, Mộc qua, Ý dĩ. Kết quả: Uống 7 thang, các chứng giảm nhẹ. Dùng bài trên, thêm Tần giao, Địa long, uống 8 thang, mạch hơi bắt được. Đổi dùng ‘Hoàng kỳ kiến trung thang’ để ích khí bổ huyết. Theo dõi 2 năm, mạch trở lại như thường (Liêu Ninh trung y tạp chí 12, 1982).

– Trị nôn mửa lúc có thai: Dùng ‘Quế chi thang’ thêm Bán hạ, Phục linh, Xích thạch chi. Trị gần 100 ca. Kết quả: Đã số uống 3 thang thấy bớt nôn mửa, uống 7 thang là khỏi hẳn. Nếu nôn ra nước chua hoặc nước đắng, tâm phiền, nôn khan, có một số không dùng bài này được (Tứ Xuyên trung y 11, 1986).

– Trị chứng ‘bôn đồn’: Kết quả: Sau khi uống 1 thang, bệnh bớt, uống 2 thang không phát bệnh nữa. uống liền 6 thang. Sau đó dùng ‘Linh quế khương táo thang’ chế thành hoàn để uống, uống 2 tháng, khỏi bệnh (Thiểm Tây trung y 7, 1986).

7. Bài ca Quế chi thang

Quế chi thang trị Thái dương phong,

Thược dược, Cam thảo, Khương, Táo đồng,

Quế, Ma tương hợp danh Các Bán,

Thái dương như ngược thử vi công.

Quế chi thang trị Thái dương phong,

Thược dược, Cam thảo, Khương Táo cùng,

Ma, Quế hợp lại tên ‘Các Bán’,

Bệnh Thái dương giống như sốt rét có nhiều công.

Nguồn: Tổng hợp / Có sử dụng tài liệu Ly Hoàng Duy Tân

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm