Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Biến chứng Quế chi thang sau dùng lầm thuốc

by Văn Phú

Quế chi thang chứng mà dùng lầm thuốc thì không tránh được biến chứng. Dưới đây là tổng hợp các điều văn 15, 21, 22, 24, 25, 26 nói về biến chứng Quế chi thang.

Biến chứng Điều văn 15

Nguyên văn

Thái dương bệnh, hạ chi hậu, kỳ khí thượng xung giả, khả dữ Quế chi thang, phương dụng tiền pháp. Nhược bất thượng xung giả, bất đắc dữ chi. (15)

Giải thích từ

– Phương dụng tiền pháp: Chỉ về quy định cách sắc uống của Quế chi thang trong điều 12.

– Khí thượng xung: Bệnh nhân có cảm giác khí thượng nghịch

Dịch nghĩa

Vị thuốc quế chi

Vị thuốc quế chi

Đoạn này nói lên trị pháp thái dương bệnh sau khi ngộ hạ xuất hiện khí thượng nghịch. Thái dương bệnh thuộc biểu nên dùng hạn pháp, nếu ngộ dùng hạ pháp thì thường bệnh tà sẽ không giải mà sẽ tổn thương chính khí. Nếu biểu tà chưa giải mà bệnh nhân có cảm giác khí thượng nghịch đây là thuộc chính và tà đang đấu với nhau, đang có cơ hội ngoại giải, dùng Quế chi thang một mặt có thể giải tán cơ biểu chi tà một mặt có bình giáng xung nghịch chi khí. Nếu sau khi dùng hạ pháp mà không có cảm giác khí thượng xung đồng thời biểu chứng cũng mất nói lên chính khí đã tổn thương sau khi hạ tà thừa cơ hư mà đột nhập, nội hãm gây bệnh, tất sẽ có các biến chứng khác xuất hiện, lúc này không nên dùng Quế chi thang nữa vì nếu dùng sẽ tổn thương vệ biểu chỉ có hại chứ không có lợi. Trong Quế chi thang, quế chi có tác dụng bình xung, giáng nghịch, thược dược, cam thảo có tác dụng hoãn cấp đối với chứng khí thượng xung điều trị có kết quả tốt.

Trích lược y văn

– Khí thượng xung là do dương khí hữu dư nên ngoại tuy chưa giải cũng không hãm nội được nên vẫn dùng Quế chi thang phát hạn thì khí thượng xung theo đó mà ngoại giải… Dùng theo phương pháp trước là húp cháo loãng ẩm, (Kha Vận Bá – “Thương hàn lại tô tập – Thương hàn luận chủ Quế chi thang chứng thượng”).

Biến chứng Điều văn 21, 22

Nguyên văn

– Điều văn 21: Thái dương bệnh, hạ chi hậu, mạch thúc hung mãn giả, Quế chi khứ thược dược thang chủ chi. (21)

Quế chi 3 lượng khứ bì (bỏ vỏ) Cam thảo 2 lượng chích
Sinh khương 3 lượng
Đại táo 12 trái xẻ

Bốn vị trên dùng 7 thăng nước, sắc còn 3 thăng, bỏ bã, uống lúc ấm 1 thăng, đắp nhẹ lấy mồ hôi

– Điều văn 22: Nhược vi hàn giả, Quế chi khứ thược dược gia phụ tử thang chủ chi. (22)

Phương trên gia Phụ tử 1 củ, nướng bỏ vỏ, xắt thành 8 miếng. Dùng nước 7 thăng sắc còn 3 thăng bỏ bã uống ấm 1 thăng. Giải thích từ

– Mạch thúc: Mạch nhanh thúc hoặc có khoảng nghỉ.

– Vi hàn: Hơi ố hàn.

Dịch nghĩa

Vị thuốc Bạch thược

Vị thuốc Bạch thược

Đoạn văn này chỉ rõ thái dương bệnh ngộ hạ dẫn tới hung dương bất chấn hoặc kiêm biểu chứng và mạch chứng điều trị. Biểu chứng nếu sai lầm dùng phương pháp hạ thường thường dẫn đến kết cục ngoại tà nội hãm, biểu hiện lâm sàng của nó không giống nhau. Mạch chứng chủ yếu của chứng này là mạch thúc, ngực đầy tức. Mạch thúc là do biểu tà nội hãm uất mà không xuất đi đâu được, đây là hiện tượng chính tà tương tranh. Nếu mạch có khoảng nghỉ chứng tỏ hung dương bất chấn. Ngực đầy là do tà hãm trong ngực gây tổn hại dương khí tại đó mà dẫn đến hung dương bất chấn. Nếu trên cơ sở những chứng trên mà lại tăng thêm cảm giác vi ố hàn thì đây là biểu hiện dương khí bất túc.

Quế chi khứ thược dược thang phương tức là Quế chi thang nguyên phương bỏ thược dược. Quế chi và cam thảo tân cam có tác dụng thông dương kiêm giải biểu. Sinh khương, đại táo điều trung. Bỏ thược dược vì sợ tính toan khổ âm nhu của nó sẽ gây hung mãn, phương này có thể tuyến thông dương khí mà giải biểu nhưng lại khác với Quế chi thang về tác dụng điều hoà dinh vệ. Nếu kiêm ố hàn là dương hư hơi nhiều nên phải gia phụ tử để ôn kinh phục dương.

Hai phương trên đều dùng chữa hung dương thọ thương, thái dương biểu hư kiếm hung mãn chứng. Phương sau vì có phụ tử ôn kinh trợ dương nên được dùng trong dương hư tương đối trầm trọng.

Ứng dụng lâm sàng

Ngày nay Quế chi khứ thược dược gia phụ tử thang thường dùng trong âm hàn tà thịnh, tức ngực, đầy ngực (muộn) do hung dương bất chấn, tâm quý, khái nghịch… Bệnh chứng cụ thể gồm: hung tý với triệu chứng ngực đầy khí đoản, thậm chí đau ngực, chi lạnh, tiểu tiện trong dài. Khái suyễn với triệu chứng họ suyễn, khí đoản, hình hàn, miệng lạt hay tái phát vào mùa đông. Vị quản thống kèm uý hàn ăn vô đau nhiều nhưng không có biểu hiện đau do thực trệ.

Trích lược y văn

– Quế chi thang, dương trung hữu âm bỏ thược dược hàn toan thì âm khí lưu hành mà tà sẽ không bị kết tụ tức là phương tễ phò dương vậy. Nếu thấy vi ố hàn tức là âm khí đã ngưng tụ và e rằng gừng, quế không đủ sức tán tà nên gia phụ tử tân nhiệt trở thành tễ thuần dương. Trương Trọng Cảnh dùng Quế chi thang một cái giảm, một cái tăng đều trở thành ôn tễ nhưng lại phân biệt bệnh tà nông sâu, đấy là một cái đặc thù của ông. (Kha Vận Bá “Thương hàn lại tô tập – Thương hàn phụ dực – Thương hàn phương tổng luận”)

Biến chứng điều văn số 24

Nguyên văn

Thái dương bệnh, sơ phục Quế chi thang, phản phiền bất giải giả, tiên thích phong trì, phong phủ, khước dữ Quế chi thang tắc dũ. (24)

Giải thích từ

– Phong trì là huyệt của Túc dương minh đởm kinh

– Phong phủ là huyệt của Đốc mạch.

Dịch nghĩa

Vị thuốc Cam thảo

Vị thuốc Cam thảo

Đoạn này nói về thái dương trúng phong khi tà khí tương đối nặng thì phải phối hợp thuốc uống và châm cứu. Thái dương bệnh sơ khởi dùng Quế chi thang bệnh không khỏi thì sau khi dùng châm cứu cần uống lần hai. Thái dương trúng phong chứng uống Quế chi thang là đúng, sau uống lẽ ra toàn thân rịn mồ hôi mà bịnh giải nhưng nay lại xuất hiện phiền muộn bực bội mà không kèm theo bất kỳ sự biến đổi nào của mạch và chứng, duy nhất chỉ có phiền chứ không thao có nghĩa là vẫn chưa phát sinh hoá nhiệt truyền lý. Lúc này vẫn do tà khí hơi mạnh chính khí muốn đuổi tà ngoại xuất. Uống lần đầu Quế chi thang, được sự trợ giúp của thuốc nên chính tà đánh nhau gây ra phiền muộn không thoải mái. Phương pháp xử lý là dùng kim châm phong trì, phong phủ trước làm thông kinh mạch để dễ tiết phong tà sau đó uống Quế chi thang lần nữa để giải cơ khu phong, điều hoà dinh vệ và sức khứ là sẽ tăng gấp bội bệnh sẽ mau khỏi.

Trích lược y văn

– Đây là phương pháp điều trị biến chứng của trúng phong (thái dương trúng phong). Quế chi thang sắc lấy 3 thăng uống trước 1 thặng, chưa hết bệnh uống tiếp 2 thăng còn lại. Nhiệt uất tại tâm hung gọi là phiền muộn, phát tại bì nhục gọi là nhiệt, Ma hoàng chứng chữa sốt không mồ hôi, nhiệt tại biểu, Quế chi chứng chữa sốt ra mồ hôi, uống thuốc xong lại cảm thấy phiền mà ngoại nhiệt không giải là vì ngoại cảm phong tà mạnh, dương khí bên trong cũng mạnh. Phục tà vốn xâm nhập từ vùng cổ do đó phải châm cứu phong trì, phong phủ để sơ thông lạc mạch, khứ tà, hợp với Quế chi thang để hoà dinh vệ: “Nội kinh” có nói châm cứu kết hợp dùng thuốc là phương pháp tốt nhất để khử tà trong trường hợp này. (Kha Vận Bá “Thương hàn lại tô tập – Thương hàn luận chủ – Quế chi thang chứng thượng”)

Biến chứng điều văn số 25

Nguyên văn

Phục Quế chi thang, đại hạn xuất, mạch hồng đại giả, dữ (với, cùng) Quế chi thang như tiền pháp… (25)

Dịch nghĩa

Đoạn này chỉ ra phương pháp xử lý trường hợp sau khi uống thuốc mạch biến thành hồng đại mà các chứng khác không thay đổi. Uống Quế chi thang mà ra mồ hôi nhiều (đại hạn) là “hạn bất như pháp” (uống Quế chi thang chỉ nên vi hạn) là do không tuân thủ phương pháp uống thuốc và như vậy mồ hôi dầm dề (nhất thời đại hạn) mà bệnh tà không giải, biểu chứng vẫn còn. Mạch hồng đại vẫn do khi đại hạn xuất thì dương thịnh tại ngoại, mạch ứng theo đó mà hồng, đại nhưng mạch đến thì thịnh mạnh mẽ, mạch đi lại rất hư nhược. Loại mạch này không bao giờ gặp cùng với sốt cao, phiền khát, đồng thời cũng không phải hiện tượng của lý nhiệt chứng. Lúc này vẫn nên luận trị ở thái dương nên vẫn phải dùng Quế chi thang, uống đúng phương pháp.

Lời bàn

Đoạn này nên phân biệt với điều 20 thái dương bệnh sau khi phát hạn lậu hạn bất chỉ. Lậu hạn thuộc biểu dương bất cố thường kèm theo ổ phong, tứ chi co quắp, tiểu khó, mạch dứt khoát không hồng, đại. Đoạn này lại thuộc “hạn bất đắc pháp”, ố phong, đau đầu… biểu chứng chưa giải, đặc trưng của nó là đồng thời với đại hạn xuất thì mạch hồng, đại hữu lực.

Trích lược y văn

– Uống Quế chi thang hạn tuy đại xuất nhưng tà vẫn bất khứ mà mồ hôi vã ra như tắm (lâm li) bệnh tất không giải trừ được. Nếu mạch hồng, đại tức là tà đã thịnh cho nên càng nên dùng Quế chi thang để làm ra mồ hôi. “Như tiền pháp” tức là uống xong phải húp cháo nóng loãng, trùm mền cho ra mồ hôi. (Vưu Tại Kinh “Quế chi thang quán châu tập – Thái dương thiên thượng”) 

Biến chứng điều văn số 26

Nguyên văn

Phục Quế chi thang, đại hạn xuất hậu, đại phiền khát bất giải, mạch hồng đại giả, Bạch hổ gia nhân sâm thang chủ chi. (26)

Tri mẫu 6 lượng, thạch cao 1 lượng đập nhỏ gói vải riêng, cam thảo 2 lượng chích, cánh mễ 6 hợp, nhân sâm 3 lượng.

Năm vị trên dùng nước một đấu, nấu gạo chín bỏ bã lấy nước một thăng uống lúc ấm, ngày 3 lần.

Giải thích từ

– Bất giải: Chỉ phát nhiệt không thoái. Dịch nghĩa

Dịch nghĩa

vị thuốc sinh khương

Vị thuốc sinh khương

Đoạn này nói về chứng trị của sau khi uống Quế chi thang xảy ra hiện tượng hoá nhiệt thương tân, chuyển thuộc dương minh chứng. Uống Quế chi thang đại hạn xuất là phát hạn không đúng pháp. Hạn vi âm dịch lại phải nhờ vào dương khí để chưng hoá, sau khi đại hạn sẽ dẫn đến tân thương nhiệt thịnh, khí âm lưỡng hư nên đại phiền khát. Lý nhiệt chưng đằng khí huyết dũng thịnh nên mạch hồng đại. Nhưng do lý nhiệt thịnh mà khí dịch bất túc nên mạch tuy hồng đại nhưng án cảm giác hơi mềm. Lúc này biểu chứng đã không còn nhưng sốt không lui, toàn thân nóng sốt (chước nhiệt). Không ố hàn mà lại ố nhiệt, rêu vàng khô… một loạt lý nhiệt chứng đồng thời cùng xuất hiện. Trị nghi thanh nhiệt ích khí sinh tân, phương dùng Bạch hổ gia nhân sâm thang.

Lời bàn

Đoạn này so với đoạn 25 trên đều là phát hạn không đúng phương pháp, đại hạn xuất lại thấy mạch hồng đại. Đoạn 25 mạch tuy hồng đại nhưng biểu chứng không thay đổi, nghĩa là bệnh vẫn còn tại biểu cho nên dùng Quế chi thang để giải cơ điều hòa dinh vệ. Đoạn này mạch hồng đại nhưng lại kiêm có “phiền khát bất giải”, mạch và chứng đều có sự cải biến, tức là cho biết tà đã hoá nhiệt, qui thuộc dương minh cho nên chọn dùng Bạch hổ gia nhân sâm thang để thanh nhiệt, ích khí sinh tân. Điểm chính để phân biệt hai chứng là còn hay không còn biểu chứng (Bạch hổ gia nhân sâm thang phương giải xem ở điều 168).

Trích lược y văn

– Khí thái dương thông với dương minh qua cơ tấu, uống Quế chi thang ra mồ hôi rịn rịn là tốt. Nay do bức bách thái quá nên sau khi đại hạn xuất thì tân dịch của dương minh cũng theo đó mà vong. Vị lạc (kinh lạc của vị) lên trên thông với tâm nên xuất hiện đại phiền (bứt rứt, bực bội). Phía trên dương minh thuộc về táo khí chủ cho nên đại khát bất giải. Dương khí thịnh thì chẩn mạch sẽ thấy hồng đại mà không trật tự nữa do đó phải dùng Bạch hổ gia nhân sâm chữa nó. (Trần Tu Viên “Thương hàn luận Thiển chủ – Biện Thương hàn bệnh mạch chứng thiên”).

Xem thêm: Quế chi thang trong Thương Hàn Luận 

Bạn có thể quan tâm