Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị thuốc Tục đoạn còn gọi: Sâm nam, đầu vú (Mèo), rễ kế (miền Nam), djaou pa en (Mèo Xiêng khoảng) long đầu, thuộc triết (Bản kinh). Tiếp cốt, nam thảo (Biệt lục). Tiếp cốt thảo (Vệ sinh dị giản phương). Xuyên đoạn (Lâm chứng chỉ nam). – Tên khoa học: Dipsacus asper wall. Thuộc họ Tục đoạn (Dipsacaceae)

1. Bộ phận dùng, thu hái và bào chế

– Bộ phận dùng: Đây là rễ phơi khô của của cây tục đoạn (Radix Dipaci). Tục đoạn chữ nho nghĩa là nối chỗ đứt, vì người xưa cho rằng rễ cây này nối được gân xương bị đứt nên gọi (tục là nối, đoạn là đứt).

–  Hình thái

Cây  thảo, cao 1,5 – 2m, rễ củ không phân nhánh, thân đứng, có dọc, có gai thưa suốt chiều dọc. Cành mọc choãi ra, lá mọc đối không có lá kèm, không cuống. Lá ở phía gốc chẻ hình lông chim, lá ở phía ngọn nguyên hoặc khía răng không đều. Mép và gân lá có

gai, lá lồi ở mặt dưới. Hoa mọc thành những đầu hình cầu ở ngọn hoặc ở nách lá. Cuống của đầu có nhiều gai ngắn, lá bắc của tổng bao mềm, nhọn, có lông. Hoa lưỡng tính, không đều, không ngọn, không cuống, bao bọc trong một tiểu bao 4 góc có răng nhỏ và có lông ở ngọn. Mỗi hoa lại còn kèm theo một lá bắc biến đổi thành vảy móng, có lông ở mép. Đài 4, hàn liền nhau ở gốc. Tràng 4 không đều

(2 cái sau lớn hơn) hàn liền nhau thành hình phễu ở phía gốc, tự do ở phía trên, có lông ở cả trong và ngoài. Nhị 4, rời nhau, xen kẽ với các cánh hoa, thò ra ngoài tràng, đính vào giữa ống tràng. Bao phấn 5 ô, đính lưng, hướng trong. Bầu hạ 1 ô, đựng 1 noãn. Vòi hình sợi chỉ, đầu nhụy xiên. Quả bế, gần như 4 góc, bao bọc trong tiểu bao, phía trên mạng đài tồn tại. Có hoa và quả vào tháng 12. Rất phổ biến ở  Sapa Lào Cai.

Rễ được dùng làm thuốc. Ở Trung Quốc loại cây này kỳ hoa tháng 8-9, kỳ quả là tháng 9 – 10. Về chiều cao tục đoạn Trung Quốc chỉ cao 60 – 90cm mà ở ta mô tả cao 1,5 – 2m, về lá thì tục đoạn Trung Quốc lá mọc từ gốc cây có cuống dài ở ta không thấy mô tả có cuống dài. Đó là những điều cần phân biệt.

– Theo sách Cây cỏ thường thấy ở Việt Nam có nói loại Dipsacus. asper wall rất phổ biến ở Sapa Lào Cai.

Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam nói loại: Dipsacus japonicus Miq có nhiều ở Sapa, Bình Lư (Lào Cai), Hà Giang. Như vậy là nước ta có cả 2 loại tục đoạn kể trên.

2. Tác dụng dược lý

Chưa thấy nghiên cứu, nghiên cứu một cây cùng chi khác loài với tục đoạn dipsacus pilosus thì thấy:

Liều 0,2 – 0,3 gam cao đối với 1kg thân thể chó và mèo thấy huyết áp cao lên, nhịp tim nhanh, đồng thời biên độ mạch cũng tăng, hơi thở mau và sâu. Thứ trên tủy sống của ếch thấy cao dipsacus pilosus có tác dụng gây mê mạnh.

Vị thuốc Tục đoạn

Vị thuốc Tục đoạn

3. Vị thuốc Tục đoạn theo Đông y

– Tính vị: Đắng cay, hơi ấm, không độc.

– Vào kinh: Can, thận.

– Công dụng chủ trị: Bổ can thận, nối gân cố, điều huyết mạch, trị eo lưng, lưng nhức đau, chân gối vô lực, thai rò rỉ, băng lậu, khí hư, di tinh, đánh đập vấp ngã tổn thương, đâm chém, trĩ rò, mụn nhọt lở sưng.

+ Bản kinh: Chủ thương hàn, bổ không đủ, vết đâm chém, nhọt lở, dập gãy, nối gân cốt, đàn bà khó sữa, uống lâu ích khí lực.

+ Biệt lục: Chủ trong băng huyết lại máu, vết đâm chém máu rò ở trong, ngừng đau, sinh cơ nhục, máu xấu, eo lưng đau, khớp đốt căng trùng.

+ Dược tính luận: Chủ vết thương bị đứt, bỏ mọi độc ôn, có thể tuyên thông kinh mạch.

+ Nhật Hoa tử bản thảo:

Giúp khí điều huyết mạch, bổ ngũ lao thất thương, phá trưng kết máu ứ, mặt vàng. thũng hư, ngắn tiểu tiện, ngừng tiết tinh. đái máu, lậu thai, tử cung lạnh.

+ Điền Nam bản thảo:

Bổ gan, mạnh gân cốt, chạy đến kinh lạc, ngừng trong kinh (gần cốt) nhức đau, an thai, tri đàn bà khí hư, sinh huyết mới, phá máu ứ, ra thai chết, ngừng ho, ho ra máu, trị đái đục, trắng đỏ.

+ Điền Nam bản thảo đồ thuyết: Trị các loại vô danh thũng độc, mọi lở loét dương mai, thiên bào.

* Cách dùng lượng dùng:

Uống trong: Sắc uống 6g – 12g/ngày: Hoặc hoàn tán.

Dùng ngoài: Giã đắp.

* Kiêng kỵ: Không dùng cho người âm hư hoả vượng

4. Phương thuốc chọn lọc

1) Trị eo lưng đau, kiêm trị chân nhức đùi yếu:

Tục đoạn 2 lạng; Phá cố chỉ 1 lạng; Ngưu tất 1 lạng; Mộc qua 1 lạng; Tỳ giải 1 lạng; Đỗ trọng 1 lạng. Nghiền nhỏ, viên với mặt bằng hạt ngô đồng, lúc đói rượu ngon điều uống 50 – 60 viên.

(“Phù thọ tinh phương” Tục đoạn hoàn)

2) Trị người già bị phong lạnh, chuyển gân sưng đau:

Tục đoạn; ngưu tất (bỏ bẹ. ngâm tấm rượu) cùng nghiền nhỏ. Rượu ấm điều uống 2 đ.cân trước bữa ăn. (“Ngụy thị gia tăng phương” Tục đoạn tán)

3) Trị có mang thai động. 2 – 3 tháng xảy:

Xuyên tục đoạn (tẩm rượu); Đỗ trọng (nước gừng sao bỏ tơ) đều 2 lạng; Thịt táo nấu nhừ làm viên bằng hạt ngô, mỗi lần uống 30 viên, nước cơm điều uống.

(Cương mục)

4) Trị hoạt (trơn) thai:

Thỏ ty tử 4 lạng (sao, hầm); Tang ký sinh 2 lạng; Xuyên tục đoạn 2 lạng ;Chân a giao 2 lạng.

Đem 3 vị trên nghiền nhỏ, sau khi dung hóa a giao làm viên, khi khô nặng đủ 1 phân (ước 0,3 – 0,5g) mỗi lần uống 20 viên, nước sôi điều uống ngày 2 lần.  (“Y học chung trung tham tây lục” Thọ thai hoàn),

5) Trị vấp ngã đánh đập tổn thương: Tiếp cốt thảo giã nhừ đắp. (Vệ sinh dị gián phương)

6) Trị sau đẻ huyết vậng, tâm bụng cứng, chợt lạnh chợt nóng:

Tục đoạn 3 lạng, giã thô, mỗi lần uống 2g dùng nước 1 chén sắc còn 7/10 bỏ bã uống ấm. (“Thánh Lễ tông lục” Tục đoạn thang)

7) Trị nước sữa không thông hành:

Xuyên tục đoạn 5 đ.cân; Xuyên khung 1,5 đ.cân; Ma hoàng 2 đ.cân; Xuyên sơn giáp (nung) 2 đ.cân; Thiên hoa phấn 3 đ.cân. Nước 2 bát ô tô sắc còn 8/10. chia uống sau bữa ăn. (Bản thảo dựng ngôn)

8) Trị ung vú mới bị có thể tiêu, mắc lâu có thể khỏi:

Xuyên tục đoạn 8 lạng (tẩm rượu sao). Bồ công anh 4 lạng (phơi. sao). Đều nghiền nhỏ mỗi sớm chiều đều uống 3 đồng cân, nước sôi điều uống.

(Bản thảo đựng ngôn)

9) Trị thủy thũng: Rễ tục đoạn hầm cật lợn ăn. (Hồ Nam dược vật chí)

5. Các nhà bàn luận

1) Bản thảo vựng ngôn:

Tục đoạn, là thuốc bổ nối huyết mạch vậy, đại khái huyết mạch đứt không có nó không nối được, gân cốt bị tổn thương không có nó không nuôi, khớp đốt bị trợ đọng không có nó không thông lợi, thai bị tổn hại không có nó không yên, uống lâu thường xuyên có thể ích khí lực có công hiệu bổ tổn hại sinh máu, bổ mà không trệ, thông hành mà không tiết, cho nên ngoại khoa nữ khoa dùng nhiều.

2) Dược phẩm hóa nghĩa:

Tục đoạn, đắng nuôi huyết mạch, cay nuôi da lông, giỏi trị huyết mạch thương tổn, tiếp nối gân xương bị đứt, cho nên gọi tục đoạn.

Ngoài tiêu ung vú, loa lịch, trong thanh trĩ dò, ruột đỏ, vì khí hòa vị, thanh thai sản điều kinh rất là thỏa đáng.

Vả lại đắng có thế bền thận, cay có thể nhuận thận, có thể chữa tiểu tiện luôn, mộng di, eo lưng đau, chân gối vô lực, đó đều là chứng kinh thận vậy. Nếu cùng tử uyển dùng, điều huyết nhuận táo, trị huyết khô tiện bế, rất có công tuyên thông khí huyết mà không tẩu tiết vậy.

Nguồn: L/Y Hy Lãn

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ