Vị trí huyệt Địa ngũ hội – Ở trong khoảng gian đốt xương bàn chân thứ 4 và 5, chỗ lõm trước gân cơ duỗi ngón út và cơ duỗi chung các ngón chân, cách huyệt Túc Lâm Khấp 0,5 thốn.
Mục Lục
1. Đại cương
Tên Huyệt : Huyệt có tác dụng trị ngón chân thứ 5 không thể chạm đất được, vì vậy gọi là Địa Ngũ Hội (Trung Y Cương Mục).
Xuất Xứ : Giáp Ất Kinh.
Tên Khác : Địa Ngũ.
Đặc Tính : Huyệt thứ 42 của kinh Đởm.
2. Vị trí huyệt Địa ngũ hội
Xưa: Nơi chỗ hõm của đốt thứ 1 của ngón chân thứ 4, cách Hiệp Khê 1 th.
Nay: Ở trong khoảng gian đốt xương bàn chân thứ 4 và 5, chỗ lõm trước gân cơ duỗi ngón út và cơ duỗi chung các ngón chân, cách huyệt Túc Lâm Khấp 0,5 thốn.
Giải Phẫu : Dưới da là khe giữa gân duỗi ngón 4 và 5 của cơ duỗi dài các ngón chân, cơ gian cốt mu chân, khe giữa các đầu trước của xương bàn chân 4 và 5.
Thần kinh vận động cơ là các nhánh của dây thần kinh chầy trước và nhánh của dây thần kinh chầy sau.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh S1.
3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt
Chủ Trị: Trị tuyến vú viêm, vùng nách đau, tai ù.
Phối Huyệt:
- Phối Dương Phụ (Đ.38) + Lâm Khấp (Đ.41) + Thân Mạch (Bq.62) + Thiên Trì (Tb.1) + Uỷ Trung (Bq.40) trị dưới nách sưng (Thiên Kim Phương).
- Phối Túc Tam Lý (Vi.36) trị tai ù, lưng đau như gãy (Tịch Hoằng Phú).
- Phối Quang Minh (Đ.37) trị mắt ngứa, đau (Tiêu U Phú).
- Phối Nhĩ Môn (Ttu.21) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị tai ù, lưng đau (Thiên Tinh Bí Quyết).
- Phối Tình Minh trị mắt ngứa, mắt đau .
- Phối Dương Phụ (Đ.38) + Khâu Khư (Đ.40) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị dưới nách sưng (Châm Cứu Học Giản Biên).
- Phối Chiên Trung (Nh.17) + Nhũ Căn (Vi.18) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị vú sưng đau (Châm Cứu Học Giản Biên).
Châm Cứu: Châm thẳng 0,3 – 0,5 thốn. Cứu 1-3 tráng – Ôn cứu 3-5 phút.
Xem thêm: