Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị trí huyệt Xích Trạch 尺泽

by Lê Quý Ngưu

Vị trí huyệt Xích Trạch – Huyệt ở chỗ trũng (giống cái ao = trạch) cách lằn chỉ cổ tay 1 xích (đơn vị đo ngày xưa, (coi từ cổ tay đến xương trụ là 1 xích)), vì vậy gọi là Xích Trạch (Trung Y Cương Mục).

1. Đại cương

Tên Huyệt:

Huyệt ở chỗ trũng (giống cái ao = trạch) cách lằn chỉ cổ tay 1 xích (đơn vị đo ngày xưa, (coi từ cổ tay đến xương trụ là 1 xích)), vì vậy gọi là Xích Trạch (Trung Y Cương Mục).

– Người Trung Quốc ngày xưa, xem chiều dài từ nếp gấp xương trụ tới nếp gấp cổ tay gọi là 1 xích (có nghĩa là một thước, khác với một thước mét như hiện nay, một trong những đơn vị đo chiều dài trong hệ thống đo lường cũ). Phần trước cẳng tay gọi là “Xích”).

– “Trạch” có nghĩa là đầm lầy hay ao cạn. Huyệt này là “Hợp huyệt” của Thủ thái âm Phế, thuộc Thủy, được tượng trưng bởi khái niệm nước tập trung trong một đầm lầy hay ao cạn. Do đó mà có tên “Xích trạch”.

Tên Hán Việt khác Quỷ thọ, Quỷ đường.

Xuất Xứ: Thiên ‘Bản Du’ (L.Khu 2).

Tên Khác: Quỷ Đường, Quỷ Thọ,

Đặc Tính:

+ Huyệt Hợp, thuộc hành Thuỷ.

+ Huyệt tả của kinh thủ thái âm Phế.

2. Vị trí huyệt Xích Trạch

Xưa: Trên đường lằn chỉ ngang phía trước khủyu tay, nơi có động mạch.

Nay: Gấp nếp khủy tay lại, huyệt ở chỗ lõm bờ ngoài gân cơ nhị đầu cánh tay, bờ trong phần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước.

Vị trí huyệt xích trạch

Vị trí huyệt xích trạch

Giải Phẫu:

Dưới da là bờ ngoài gân cơ 2 đầu cánh tay, rãnh 2 đầu ngoài, bờ trong gần trên cơ ngửa dài, cơ cánh tay trước và khớp khủy.

Thần kinh vận động cơ là các nhánh của thần kinh cơ-da và thần kinh quay. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt

Công năng: Thanh nhiệt thượng tiêu, giáng nghịch khí, tiêu trừ độc trong máu, tiết Phế viêm.

Chủ Trị:

Tại chỗ: Sưng đau khuỷu tay.

Theo kinh: Ho, suyễn, viêm khí quản, viêm phổi, viêm màng ngực, ho ra máu.

Toàn thân: Đơn độc, sưng họng thanh quản.

Phối Huyệt:

  1. Phối Thiếu Trạch (Ttr.1) trị hụt hơi, hông đau, tâm phiền, bôn đồn. (Thiên Kim Phương).
  2. Phối Cách Du (Bq.17) + Kinh Môn (Đ.25) + Y Hy (Bq.45) trị vai lưng lạnh, trong bả vai đau do hư (Thiên Kim Phương).
  3. Phối Âm Giao (Nh.7) + Hành Gian (C.2) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Trì (Đtr.11) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thủ Tam Lý (Đtr.10) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị lưng đau do chấn thương, hông sườn đau (Châm Cứu Tụ Anh).
  1. Phối Thần Môn (Tm.7) trị tay tê (Châm Cứu Đại Thành).
  2. Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Trì (Đtr.11) trị khủy tay sưng đau không giơ lên được (Châm Cứu Đại Thành).
  3. Phối Đại Lăng (Tb.7) + Gian Sử (Tb.5) + Tiểu Hải (Ttr.8) trị khủy tay sưng đau (Châm Cứu Đại Thành).
  4. Phối Chi Câu (Ttu.6) + Côn Lôn (Bq.60) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Nhân Trung (Đc.26) + Thúc Cốt (Bq.65) + Ủy Trung (Bq.40) trị lưng đau do chấn thương (Châm Cứu Đại Thành).
  5. Phối Khúc Trì (Đtr.11) trị khủy tay co rút (Ngọc Long Ca).
  6. Phối Côn Lôn (Bq.60) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Hạ Liêu (Bq.34) + Nhân Trung (Đc.26) + Thúc Cốt (Bq.65) + Ủy Trung (Bq.40) trị lưng đau do tổn thương, khí thống (Y Học Cương Mục).
  7. Phối Đản Trung (Nh.17) + Phế Du (Bq.13) + Thái Khê (Th.3) trị ho nhiệt (Thần Cứu Kinh Luân).
  8. Phối Âm Giao (Nh.7) + Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Hành Gian (C.2) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Khúc Trì (Đtr.11) + Thủ Tam Lý (Đtr.10) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị lưng và hông sườn đau do chấn thương (Thần Cứu Kinh Luân).
  9. Phối Đại Chùy (Đc.14) thấu Kết Hạch Huyệt + Hoa Cái (Nh.20) thấu Toàn Cơ (Nh.21) trị lao phổi (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  10. Phối Uỷ Trung (Bq.40) [xuất huyết], trị đơn độc, tà độc của thời khí (dịch) (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  11. Phối Bách Hội (Đc.20) có tác dụng thanh não, khai khiếu (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  12. Phối Thiếu Xung (Tm.9) + Trung Xung (Tb.9) có tác dụng định tâm, an thần (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  13. Phối Thiên Khu (Vi.25) + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vi.36) có tác dụng tăng lực cho Vị khí (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  14. Phối Thiếu Thương (P.11) + Thương Dương (Đtr.1) có tác dụng thanh nhiệt ở Phế, điều lý Trường Vị (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  15. Phối Kim Tân + Ngọc Dịch có tác dụng sinh tân dịch (Phối Huyệt Kinh Lạc Giảng Nghĩa).
  16. Phối Cao Hoang (Bq.43) + Đại Chùy (Đc.14) + Phế Du (Bq.13) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thái Khê (Th.3) trị lao phổi (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

Châm Cứu: Châm Thẳng, sâu 0,5 – 1 thốn, tại chỗ có cảm giác căng tức, có khi như điện giật lan xuống

– Ôn cứu 5 – 10 phút.

Ghi Chú (Nếu cứu, không được cứu bỏng thành sẹo sẽ làm hạn chế cử động.

4. Tham Khảo

1. <<Giáp ấp> quyển thứ 7 ghi rằng: “Tay không duỗi, ho khạc ra đờm trọc, muốn nôn ọe, đánh hàm không mồ hôi, đầy tức bồn chồn, vì thế mà làm cho chảy máu mũi, dùng huyệt Xích trạch làm chủ.
2. <<Giáp ấp> quyển thứ 10 ghi rằng: “Đau khuỷu tay, dùng huyệt Xích trạch làm chủ”.
3. <<Thiên kim>> quyển thứ 10 ghi rằng: “Tất cả các bệnh sốt rét của ngũ tạng, cứu huyệt Xích trạch 7 lửa”.
4. <<Thiên kim>> quyển thứ 17 ghi rằng: “Khí ngược lên làm nôn mửa, cứu Xích trạch 3 hoặc 7 lửa”.
5. <<Đại thành>> quyển thứ 6 ghi rằng: “Xích trạch chủ trị đau vai cánh tay, trúng phong toát mồ hôi, tiểu nhiều, hay hắt hơi, buồn khóc, sốt lạnh, phong thấp tý, co khuỷu tay, cử động cánh tay khó, sưng tắc họng, nôn mửa, khô miệng, ho ra đàm trọc, sốt rét, tứ chi bụng sưng húp, đau tim, lạnh cánh tay, khí ngắn, phế căng đầy, bứt rút bồn chồn trong tim, thiếu khí, lao nhiệt, suyễn tức khó thở, trẻ con động kinh”.
6. <<Trửu hậu ca>> ghi rằng: “Đầu gối sưng đau như chân con hạc, đẻ khó khăn, huyệt Xích trạch có thể giảm đau xương thư thái gân cốt” (Hạc tất thủng thống nan di bộ, Xích trạch năng thư cân cốt thống).
7. <<Linh quang phú>> ghi rằng: “Nôn ra máu, định suyễn nên bổ huyệt Xích trạch” (Thổ huyết định suyễn bổ Xích trạch).
8. <<Tố vấn – Cấm thích luận>> ghi rằng: “Không kích thích nhiều, không cứu bỏng làm hạn chế vận động khớp khuỷu”.
9. Sách “Thiên kim phương” còn gọi Xích trạch với tên Quy thọ, “Thiên kim dực” gọi với tên Quy đường.
10. Nơi huyệt Xích trạch có động mạch, người xưa căn cứ vào nơi nhảy của động mạch này để quyết đoán sự sống chết. Huyệt này là huyệt trị có hiệu quả, hay dùng trong bệnh thuộc khuỷu tay và bệnh thuộc gần mạch ở cánh tay khuỷu tay. Huyệt này đối với trẻ con mắt chứng đái dầm có hiệu quả tốt.
11. Căn cứ theo “Linh khu – Bản du” thì huyệt Xích trạch là “Hợp huyệt” của Thủ thái âm kinh.
12. <<Phối huyệt khái luận giảng nghĩa>> Thường kết hợp huyệt Xích trạch và Ủy trung vì Xích trạch là hợp huyệt của Thủ thái âm Phế kinh, thuộc thủy, lạc thông với Tâm, có tác dụng tiêu trừ độc trong máu – Ủy trung là hợp huyệt của Túc thái dương Bàng quang kinh, thuộc Thổ. Tà khí thuộc thử nhiệt đầu tiên phạm vào Thái dương, châm xuất huyết có thể trị được tà độc của thời dịch. Vị trí của hai huyệt này, một huyệt ở tại khớp khuỷu, một huyệt ở tại nhượng chân, đây là những nơi hội tụ của huyết mạch lớn vì thế nên châm xuất huyết. Khí lục dâm gây bệnh là những tà khí gây thành dịch lệ, trước hết trúng vào Thái dương rồi truyền vào Thái âm, vì thế châm xuất huyết hai huyệt để cho ra huyết độc. Kết hợp với Kim tân, Ngọc dịch để sinh tân dịch dứt được chứng ẩu. Kết hợp Thiếu thương, Thương dương, Hợp cốc để làm thanh nhiệt của Phế, điều lý trường vị làm cho khí trung tiêu được thông sướng không bị nghẽn tắc. Kết hợp với Thiếu xung, Trung xung để định tâm an thần kết hợp với Bách hội để thanh não khai khiếu. Kết hợp với Trung quản, Túc Tam-lý, Thiên khu để phò trợ cho vị khí. Khi Tỳ vị được kiện vận, dương khí ở Trung thổ phấn chấn thì khí được sinh hóa từ nguồn, sẽ chuyển nguy thành an.
13. “Phế tả Xích Trạch bổ Thái Uyên”. Phế thực chứng, châm tả huyệt Xích Trạch, vì Phế thuộc Kim. Bản huyệt (Xích Trạch) thuộc hành Thủy, Kim sinh Thủy, Thủy là ‘tử’ (con) của Kim. Xích Trạch là ‘tử’ huyệt của Phế Kinh. Thực thì tả ‘tử’. Tả Xích Trạch để tả Phế Thực…” (Thập Nhị Kinh Tử Mẫu Bổ Tả Ca).

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ