Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Chứng huyết hư trong Đông y đừng coi nhẹ

by Dieu Quang

Chứng Huyết hư là tên gọi chung của huyết dịch trong cơ thể bất túc, tạng phủ tứ chi v.v…mất sự nuôi dưỡng mà dấn đến suy nhược toàn thân.

1. Huyết là gì?

Huyết là chất lỏng màu đỏ chảy trong mạch, tuần hoàn đến mọi chỗ trong cơ thể. Huyết có tác dụng dinh dưỡng và tư nhuận và là một trong những vật chất cơ bản cấu thành cơ thể và duy trì hoạt động sống. Mạch là đường để huyết dịch vận hành còn gọi là “Huyết phủ”.

Nguồn hóa sinh huyết trong Đông y chủ yếu từ chất tinh hoa của đồ ăn uống do Tỳ vị vận hóa.

2. Chứng huyết hư trong đông y

Khái niệm:

Chứng Huyết hư là tên gọi chung của huyết dịch trong cơ thể bất túc, tạng phủ tứ chi v.v…mất sự nuôi dưỡng mà dấn đến suy nhược toàn thân.

Cần chú ý rằng Huyết hư trong Đông y không chỉ có thiếu máu theo Tây y, mà còn là công năng của huyết bị giảm sút. Ví dụ xét nghiệm Tây y số lượng máu vẫn đủ, nhưng chất lượng máu kém, thì vẫn thuộc phạm vị Huyết hư

Nguyên nhân 

+ Nội thương mệt mỏi, làm việc lo nghĩ quá độ, bệnh lâu ngày

+ Tỳ Vị hư yếu, nên không hóa sinh được huyết 

+ Bị mất huyết quá nhiều gây nên. 

Chứng trạng lâm sàng

Sắc mặt trắng nhợt hoặc vàng bủng, môi và niêm mạc nhợt, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp,mất ngủ, chân tay tê, phụ nữ hành kinh lượng ít thậm chí bế kinh; Chất lưỡi nhạt, mạch trầm tế vô lực v.v.

Một số bệnh do huyết hư

Tâm quý, Hư lao, Huyễn vâng, Đầu thống, Kinh nguyệt không đều, Bế kinh, Không thụ thai v.v.

Cần phân biệt với các “chứng Âm hư”, “chứng Huyết thoát”.

3. Huyết hư ảnh hưởng đến tạng phủ

Huyết hư nhìn chung có thể ảnh hưởng tới tất cả các tạng phủ, nhưng hai tạng phủ bị ảnh hưởng trực tiếp nhất là Tâm và Can

Tâm huyết hư

Tâm chủ huyết mạch, một mặt có tác dụng hành huyết đưa dinh dưỡng đến toàn thân, mặt khác thủy cốc tinh vi thông qua tác dụng của Tỳ và Phế lại đưa về tâm mạch mà hóa thành huyết, nhờ tâm biến huyết thành màu đỏ nên hay nói “Tâm chủ huyết”. 

Chứng Tâm huyết hư là chỉ chứng bệnh gây nên Tâm huyết bất túc

Nguyên nhân do mắc bệnh lâu ngày, sự sinh hoá kém, hoặc do thiếu máu hay lao lực quá độ làm tổn thương Tâm huyết… –         

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là hồi hộp, trống ngực, khó ngủ hoặc mất ngủ hay mê, chóng quên, hoa mắt chóng mặt, sắc mặt nhợt nhạt, niêm mạc, môi lưỡi nhợt nhạt, mạch tế nhược.

Chứng Huyết hư có thể gây ra nhiều loại tật bệnh, biểu hiện lâm sàng và  phép điều trị không giống nhau. Một số bệnh thường gặp như Tâm quý, Chính xung, Bất mị, Hư lao. 

Can huyết hư

Nói Can tàng huyết là can có chức năng trữ tàng huyết dịch, điều tiết lưu lượng huyết và đề phòng xuất huyết. Chức năng điều tiết huyết của can là lấy tàng trữ  huyết dịch làm chủ, chỉ khi lượng huyết trù bị sung túc thì mới có thể điều tiết một cách hiệu quả.

Chứng Can huyết hư là nói những chứng trạng là do Can huyết bất túc gây ra. Nguyên nhân do mất huyết quá nhiều hoặc nguồn sinh hóa huyết bất túc và ốm lâu bị hao thương Can huyết gây nên.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là sắc mặt xanh nhợt hoặc vàng bủng, thể trạng gầy còm, hai mắt khô hoặc quáng gà hoặc nhìn mờ, hoa mắt ù tai, tay chân tê hoặc gân mạch co rút, móng tay chân không tươi. Phụ nữ hành kinh lượng ít hoặc bế kinh, miệng môi và chất lưỡi trắng nhợt, mạch huyền tế.

Chứng Can huyết hư có thể gây nhiều bệnh tật như Hư lao, Huyễn vậng, Tước manh, Kinh nguyệt không đều, Thống kinh, Mất ngủ v.v…

4. Những người hay bị huyết hư

Trên lâm sàng sẽ có nhiều nguyên nhân gây huyết hư, dưới đây là một số nguyên nhân chủ yếu

a) Phụ nữ

Chứng Huyết hư phần lớn gặp ở phụ nữ, bởi vì phụ nữ lấy huyết làm chủ, kinh nguyệt, thụ thai, tất cả đều lấy huyết làm gốc; Biểu hiện lâm sàng là rối loạn kinh nguyệt như chậm kinh, thống kinh, lượng kinh ít, kinh sắc nhợt loãng. Thậm chí bế kinh, không thụ thai hoặc hoạt thai. 

b) Người cao tuổi

Người tuổi cao thể lực yếu cũng thường gặp chứng huyết hư. Chủ yếu do tuổi cao tinh suy huyết thiếu. Tất nhiên tuổi cao thì khí huyết âm dương đều suy giảm nên lâm sàng ngoài biểu hiện chứng huyết hư còn có các chứng khác xen kẽ.

c) Người khí hư

Huyết là âm, khí là dương. Huyết là mẹ của khí, khí là soái của huyết. Cả hai dựa vào nhau mà tồn tại và phát huy tác dụng. Ngoài ra khí huyết còn có thể chuyển hóa lẫn nhau, khí có thể sinh huyết, huyết thăng hoa có thể hóa khí. Giống như hơi nước tu lại thành giọt nước, giọt nước được nhiệt hóa thăng hoa thành hơi nước. 

Cho nên trong quá trình diễn biến bệnh ở huyết dễ lụy đến khí và ngược lại. Cho nên những người mắc chứng khí hư dễ bị khí huyết đều hư. 

Chứng trạng sắc mặt trắng xanh, hồi hộp mất ngủ, thiếu hơi biếng nói, toàn thân mỏi mệt, tự ra mồ hôi, lưỡi nhợt bệu, niêm mạc nhợt, rối loạn kinh nguyệt, mạch tế nhược. 

d) Người ăn uống kém

Tỳ vị là nguồn hóa sinh huyết, ăn uống kém, chán ăn, hoặc đầy bụng chậm tiêu, đại tiện thất thường, ăn đồ sống lạnh hay đồ lạ dễ bị đi ngoài, chất lưỡi bệu rêu nhạt, v.v… Đều là biểu hiện của tỳ vị vận hóa kém. Tỳ mất kiện vận dẫn đến không hấp thu được chất tinh hoa của đồ ăn, dẫn đến nguồn hóa sinh huyết bị hảo tổn, gây chứng huyết hư.

5. Chẩn đoán phân biệt

Chứng Âm hư với chứng Huyết hư

Cả hai đều là Hư chứng. Tuy nhiên huyết hư nhẹ hơn Âm hư, huyết hư lâu ngày sẽ dẫn đến âm hư. Chứng của Âm hư là sinh nội nhiệt, hư nhiệt quấy rối nên ngũ tâm phiền nhiệt, triều nhiệt, ra mồ hôi trộm, mạch thường sác có lực. Nếu sâm hư sinh hỏa vượng thì gây bốc hở, hay cáu giận, mặt nóng bừng, mắt đỏ, mạch huyền v.v…

Chứng huyết thoát với chứng huyết hư

Chứng huyết thoát là thực chứng nặng hơn chứng huyết hư là hư chứng. Chứng huyết thoát có thể từ chứng huyết hư phát triển thêm một bước; cũng có thể do ngoại nhân gây đột ngột mất quá nhiều máu gây nên. Huyết thoát thì khí thoát, nên sắc mặt trắng xanh, chân tay lạnh, tự ra mồ hôi, hơi thở yếu, mạch vi tế hoặc khâu, nặng hơn thì thành vậng quyết.

6. Điều trị chứng huyết hư bằng Đông y

Chứng huyết hư Pháp trị lấy Bổ huyết là chủ

Phương thang

Tứ vật thang

Thục địa 24g (quân) Đương quy 12g (thần)
Bạch thược 12g (tá) Xuyên khung (6g)

Cách dùng: Sắc uống.

Tác dụng: Bổ huyết, hoạt huyết, điều kinh.

Quy Tỳ thang

Nhân sâm 12g Long nhãn nhục 8g
Hoàng kỳ (sao, bỏ cuống) 12g Bạch truật 12g
Phục linh 12g Toan táo nhân (sao, bỏ vỏ) 12g
Viễn chí  4g Mộc hương 2g
Đương quy 8 Chích cam thảo 2g
Táo đỏ 4 quả Gừng sống 3 lát

Cách dùng: Sắc uống

Chủ trị: Tâm Tỳ khí huyết lưỡng hư, Tỳ bất thống huyết

Đương quy bổ huyết thang

Hoàng kỳ 20-40g (quân) Đương quy 12-16g (thần)

Cách dùng: sắc uống uống ấm lúc đói bụng trước khi ăn

Tác dụng: Bổ khí sinh huyết.

Bát trân thang

Đương quy (tẩm rượu) 12g Bạch thược 12g
Bạch linh 12g Đẳng sâm 12g
Bạch truật (sao)  12g Thục địa (tẩm rượu) 12g
Xuyên khung 6g Chích thảo 4g
Đại táo 3 trái Sình khương 3 lát

Cách dùng: Sắc uống.

Tác dụng : Bổ ích khí huyết. 

Phương huyệt châm cứu xoa bóp

+ Thiếu thương; Khúc Trạch trị huyết hư miệng khát

+ Cách du + Can Du (Bq.18) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thái Xung (C.3) + Thận Du (Bq.23) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị huyết hư (Trung Hoa Châm Cứu Học) Can du + Túc Tam Lý (Vi.36) trị huyết hư, mắt mờ (Ngọc Long Ca).

+ Tín hội + Chi Câu, Huyết Hải, Tam Âm giao trị huyết hư gây chóng mặt

Chủ yếu là châm bấm Tam âm giao và Cách du. Cách du: trị bệnh huyết ở Tâm, Can, Phế, thiên về chữa huyệt ở nửa phần trên cơ thể, các bệnh xuất huyết mạn tính; Tam Âm Giao: trị bệnh huyết ở toàn thân , thường dùng trị phụ nữ huyết hư

7. Trích dẫn y văn

+ Chính xung là do huyết hư, chính xung không giờ giấc nhất định phần nhiều là huyết ít (Kinh quý chính xung – Đan Khê tâm pháp).

+ Chứng nhiệt ở huyết phận thì ban ngày yên tĩnh, ban đêm phát nhiệt. Môi khô miệng ráo không muốn uống nước, “ra mồ hôi trộm, đó là chứng phát nhiệt ở huyết phận vây. Nguyên nhân huyết phận có nhiệt, hoặc là sau khi mắc bệnh nhiệt, nhiệt ẩn náu ở trong huyết; hoặc là âm huyết vôn suy kém, huyết hư hỏa vượng, cả hai đều có thể gây nên nhiệt ở huyết phận (Chứng nhân mạch trị – quyển 1).

+ Huyết phối hợp với khí, khí được thông sướng là nhờ huyết giúp đỡ. Các loại thổ huyết (nôn ra máu); nục huyết (chảy máu mũi); băng lậu (hành kinh ra máu dầm dề) sau khi đã bị vong âm là do Can không cố nhiếp được Vinh khí, làm cho con đường của huyết đi càn, cho nên chứng huyễn vựng là do huyết hư (Thượng khiếu môn – Chứng trị vậng bổ).

+ Chứng huyết hư có chứng trạng sáng mát tối nóng, lòng bàn tay bàn chân  nóng, da dẻ khô  tróc vẩy, môi trắng bạch, phụ nữ thì hành kinh không đều, mạch tế vô lực, nên dùng phép Bổ điều trị (Huyết chứng – Chứng trị vậng bổ).

Có tham khảo tài liệu của Lương Y Nguyễn Thiên Quyến

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ