Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Chứng khí hư trong Đông y

by Dieu Quang

Chứng khí hư trong Đông y là tên gọi chung để chỉ công năng Tạng Phủ trong cơ thể bị giảm sút, nguyên khí bất túc dẫn đến xuất hiện những trạng hư yếu toàn thân.

1. Khí trong Đông y là gì ?

Khí là vật vô hình, nên nhiều người không tin sự tồn tại của khí trong Đông y. Thực ra khí chiểu theo Tây y thì nó chính là năng lượng của cơ thể. 

Khí trong Đông y có 2 nguồn từ hậu thiên và tiên thiên. Khí là vật chất cơ bản cấu tạo nên cơ thể, là cơ sở của sự sống, và là vật chất tối cơ bản để duy trì hoạt động sống.  

Sự hoạt động của khí có liên quan mật thiết tới 3 tạng phủ chính là Phế, Tỳ và Thận. Phế chủ khí, chủ hô hấp, không ngừng hấp thu khí trời, duy trì sự sống. Khí trời được Phế đưa vào còn phải được Thận nạp lại, có câu “ Phế chủ hô, Thận chủ hấp”. Thận chủ nạp khí, Thận có tác dụng giúp phế hít khí vô sâu. Ngoài ra Thận tàng tinh, hóa sinh khí. Ngoài ra khí còn được bổ sung không ngừng từ vật chất dinh dưỡng từ đồ ăn uống được Tỳ vị vận hóa mà sinh ra gọi là tinh khí hậu thiên. 

2. Tổng quan Chứng khí hư

 Khái niệm

Chứng khí hư là tên gọi chung để chỉ công năng Tạng Phủ trong cơ thể bị giảm sút, nguyên khí bất túc dẫn đến xuất hiện những trạng hư yếu toàn thân

Nguyên nhân 

+ Tuổi cao, 

+ Sau khi mắc bệnh nặng

+ Ăn uống làm việc 

+ Bẩm phú bất túc

Chứng trạng

Tinh thần mệt mỏi; cơ thể yếu; đoản hơi, hụt hơi; tiếng nói nhỏ, ăn kém, sắc mặt trắng bệch; hoa mắt chóng mặt; hồi hộp tự hãn, chất lưỡi nhợt, mạch hư tế vô lực.

3. Khí hư và tạng phủ

Vì khí là năng lượng thúc đẩy hoạt động của các tạng phủ, nên khí hư thì tất cả các tạng phủ đều bị ảnh hưởng.

–  Phế khí hư

Phế chủ khí, khi công năng bị suy giảm ảnh hưởng đến sự tuyên phát túc giáng. Xuất hiện các chứng trạng chủ yếu như đoản hơi; tinh thần mỏi mệt biếng nói; tiếng ho khó khăn; khạc đàm yếu; sợ gió; tự ra mồ hôi; rất dễ cảm mạo.

Pháp: Bổ ích Phế khí

Phương: Bổ phế thang (Vĩnh loại kiềm phương) gia giảm

Phế khí con liên quan chặt chẽ tới vệ khí. Phế khí hư cũng dễ dẫn đến vệ khí hư, gây chứng vệ khí không bền, tấu lý sơ hở, ngoại tà dễ bị xâm nhập. Xuất hiện các chứng trạng sợ gió; tự hãn, dễ  cảm mạo; lông tóc dựng đứng … 

Pháp: Ích khí làm bền phần biểu

Phương: Ngọc bình phong tán

– Tỳ khí hư

Tỳ chủ vận hóa, công năng bị suy yếu nên chất tính vi của thủy cốc không phân bố được, nguồn sinh hóa bị kém. Xuất hiện các chứng trạng chủ yếu như ăn kém không thấy ngon; tinh thần mỏi mệt yếu sức; bụng chướng đầy; đại tiện lỏng nhão.

Pháp: Tỳ ích khí

Phương: Sâm linh bạch truật tán (hòa tễ cục phương) gia giảm

– Can khí hư

Can chủ sơ tiết, công năng bị suy giảm ảnh hưởng tới sự sinh phát của Can khí. Xuất hiện các chứng trạng chủ yếu như đoản hơi; tâm phiền hồi hộp không yên. Đởm khiếp miệng đắng; điều trị nên bổ khí 

Pháp: Ích trí làm mạnh can đởm

Phương: An thần định trí hoàn

– Thận khí hư

Thận tàng tinh, nạp khí. Khi công năng nạp khí bị suy yếu, thận tinh không hóa khí để nuôi thân hình. Xuất hiện các chứng trạng chủ yếu như lưng gối yếu; chóng mặt ù tai; hễ lao động là làm thở gấp; di tinh đái dầm; tiểu tiện trong dài…

Pháp: Bổ ích thận khí

Phương: 

+ Đại bổ nguyên tiễn 

+ Sâm cáp tán

– Tâm khí hư

Chứng trạng lâm sàng: Hồi hộp sợ sệt, đoản hơi thiếu sức, vùng ngực khó chịu, tinh thần mệt mỏi, tự hãn, sắc mặt trắng nhợt, lưỡi nhạt rêu mỏng, mạch tế nhược.

Pháp: Bổ ích tâm khí

Phương: Quy tỳ thang

Chứng khí hư trên lâm sàng, ngoài những đặc trưng thường gặp, còn tùy theo bộ vị tạng phủ phát bệnh khác nhau mà có những biểu hiện khác nhau:

Trên lâm sàng vì tạng phủ có mối quan hệ với nhau, nên bệnh biến của năm tạng cũng có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Thấy xuất hiện các chứng của nhiều tạng phủ cùng lúc như: Tâm tỳ khí hư; Phế tỳ khí hư; Phế thận khí đều hư.

– Các chứng khác

Ngoài ra trên lâm sàng còn gặp các chứng như sau

+ Do khí có tác dụng thúc đẩy huyết, nên khí hư dễ làm huyết ngưng trệ gây chứng khí hư huyết ứ.

+ Do khí có tác dụng làm ấm cơ thể, đây là chỉ về tác dụng dương khí khí hóa sinh nhiệt, làm ấm áp cơ thể. Nếu khí và dương cùng hư dẫn đến cơ thể không được sưởi ấm, mà gây các chứng lạnh.

+ Do Khí có tác dụng cố nhiếp, cố nhiếp huyết, tân dịch, tinh dịch. Nếu khí hư không cố nhiếp dẫn đến các chứng xuất huyết tự hãn, tiểu nhiều, chảy nước dãi, tiêu chảy hoạt thoát, di tinh, hoạt tinh, tảo tiết. Khí hư suy sẽ xảy ra xung nhâm mạch bất cố và xuất hiện sinh non, hoặc hư thai. 

3. Chẩn đoán phân biệt

Chứng Dương hư với chứng Khí hư

Hai chứng này có mối liên hệ nhân quả lẫn nhau

+ Dương hư thì có đủ các đặc trưng Hư hàn làm yếu điểm chẩn đoán phân biệt.

+ Chứng khí hư có thể lấy các chứng như cơ thể suy ngược, đoản hơi, ngại nói, hồi hộp, tự hãn .… nhưng không bao gồm các chứng lạnh từ bên trong

Chứng Khí hãm với chứng Khí hư 

Chứng khí hãm là một biến chứng của khí hư trên lâm sàng, khí không thể thăng lên được. Cho nên chứng khí hãm không vừa có biểu hiện khí hư, mà còn có chứng của trung khí hạ hãm như: bụng dưới nặng trệ; hạ lợi thoát giang; sa dạ con; băng lậu v.v

4. Điều trị chứng khí hư

– Phương thuốc

Chúng ta có thể sử dụng một số phương thuốc như đã nếu trên. Ngoài ra có một số phương thuốc khác, tùy theo chứng mà dùng

+ Tứ quân tử thang

Nhân sâm (bỏ cuống)  8-12g Bạch truật 8-12g
Phục linh (bỏ vỏ) 12g Chích cam thảo 4g

Công dụng: Ích khí kiện Tỳ

Chủ trị: Vị khí hư chứng

+ Sâm tô ẩm

Đảng sâm (quân) 30g Tô diệp (thần) 30g
Cát căn (thần) 30g Tiền hồ (thần) 30g
Bán hạ (tẩm Gừng sao) (thần) 30g Bạch linh (thần) 30g
Trần bì (thần) 20g Chỉ xác (mạch sao) (tá)
Mộc hương (tá) 20g Cát cánh (sứ)20g
Cam thảo (sứ) 20g

Tác dụng: Ích khí giải biểu hoa đàm

Chủ trị: Trị bệnh nhân khí hư, ngoại cảm phong hàn, bên trong có đờm thấp có triệu chứng sốt, sợ lạnh, đau đầu, mũi nghẹt, ho nhiều đờm, ngực sườn đầy tức, rêu lưỡi trắng, mạch Nhược.

– Châm cứu xoa bóp

+ Cứu một mình huyệt Túc tam lý hoặc phối cứu Khí Hải (Nh.6) + Trung Quản (Nh.12) trị Tỳ Vị khí hư (Vệ Sinh Bảo Giám).

+ Túc tam lý + Bách hội + Trung Quản trị khí hư hạ hãm

+ Vân Môn + Trung Quản (Nh.12) + Khí Hải (Nh.6) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị khí hư, lo sợ (Trung Hoa Châm Cứu Học).

+ Nhĩ môn + Chiên Trung (Nh.17) + Khí Hải (Nh.6) + Thính Hội (Đ.2) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị tai ù do khí hư (Trung Hoa Châm Cứu Học).

+ Quan nguyên + Mệnh Quan [Thực Độc – Ty.17] mỗi huyệt 200 tráng trị trị tiêu chảy không tự chủ do Tỳ Thận khí hư (Biển Thước Tâm Thư ).

+ Khí hải + Ủy Trung, Bách Hội trị khí hư

4. Y văn trích dẫn

– Tà khí thịnh thì thực, nguyên khí đoạt thì hư (Thông bình hư thực luận – Tố Vấn).

– Hậu về đoản hơi: Người thể trạng Thực là không có hiện tượng hàn nhiệt, hơi thở đoản khí bất túc. Thực thì khi thịnh. Thực thì khi nghịch không thông cho nên đoản khí. Có trường hợp Phế hư thì thiếu khi bất túc, cũng khiến cho đoản khí, người đó thở nhẹ, như không đủ hơi để thở (khi bệnh chư hậu – chư bệnh nguyên hậu luận).

– Can mắc bệnh… hư thì mắt mờ không tỏ, tai nghe kém, hay sợ có người sắp đến bắt. – Tâm mắc bệnh… hư thì ngực bụng to, đau xuyên suốt từ hạ sườn ra đau lưng. – Tỳ mắc bệnh… hư thì bụng đầy mà sôi, đại tiện lỏng ra đồ ăn không tiêu. – Phế mắc bệnh… hư thì khí không đủ thở, tại điếc họng khô. – Thận mắc bệnh… hư thì đau vùng ngực, cả bụng trướng to, tâm tình kém vui (Tạng khí pháp thời luận – Tố Vân).

– Khí hư nên bổ ở phần trên như dùng các vị Nhân sâm, Hoàng Kỳ. Tinh hư nên bổ ở phần dưới như dùng các vị Thục địa, Câu kỷ. Dương hư nên bổ và làm ấm  dùng các vị Quế, Phụ can khương. Âm hư nên bố và làm cho mát như dùng các vị Mạch động, Thược dược, Sinh địa (Tân phương bát trận-Cảnh Nhạc toàn thư).

5. Bảng tóm tắt chứng Khí hư trong Đông y

Chứng Biểu hiện lâm sàng Chứng phụ và Bài thuốc
Khí hư Tinh thần mệt mỏi yếu sức, đoản hơi, tiếng nói nhỏ, hụt hơi biếng nói, kém ăn hoặc sắc mặt trắng bệch, hoa mắt chóng mặt, hồi hộp tự ra mồ hôi, chất lưỡi nhợt, mạch Hư Tế vô

lực.

Tỳ khí hư: ăn kém không thấy ngon, tinh thần mỏi mệt yếu sức, bụng chướng đầy, đại tiện lỏng nhão. Sâm linh bạch truật tán, Quy tỳ thang

 

Can khí hư: Đoản hơi, tâm phiền hồi hộp không yên. Đởm khiếp đắng miệng. An thần định trí hoàn

 

Phế khí hư: Đoản hơi, tinh thần mỏi mệt biếng nói, tiếng ho khó khăn, khạc đàm yếu, sợ gió, tự ra mồ hôi, rất dễ cảm mạo. Bổ phế thang, Ngọc bình phong tán

 

Thận khí hư: lưng gối mềm yếu, chóng mặt ù tai, hễ động là làm thở gấp, di tinh đái dầm, tiểu tiện trong dài. ại bổ nguyên tiễn hoặc Sâm cáp tán.

Tâm khí hư: Chứng trạng lâm sàng: Hồi hộp sợ sệt, đoản hơi thiếu sức, vùng ngực khó chịu, tinh thần mệt mỏi, tự hãn, sắc mặt trắng nhợt, lưỡi nhạt rêu mỏng, mạch tế nhược. Dùng Quy tỳ thang

Có tham khảo tài liệu của Lương Y Nguyễn Thiên Quyến

Xem thêm: 

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ