Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị trí huyệt Dương phụ 阳辅

by Lê Quý Ngưu

Vị trí huyệt Dương phụ – Phần ngoài thuộc Dương; Ngày xưa gọi xương ống chân là Phụ Cốt. Huyệt ở phần ngoài cẳng chân thuộc dương, lại ở chỗ phụ cốt, vì vậy gọi là Dương Phụ.

1. Đại cương

Tên Huyệt:

Phần ngoài thuộc Dương; Ngày xưa gọi xương ống chân là Phụ Cốt. Huyệt ở phần ngoài cẳng chân thuộc dương, lại ở chỗ phụ cốt, vì vậy gọi là Dương Phụ (Trung Y Cương Mục).

Tên Khác: Dương Phò, Dương Phù, Phân Gian, Phân Nhục.

Xuất Xứ : Thiên ‘Bản Du’ (LKhu.2).

Đặc Tính :

+ Huyệt thứ 38 của kinh Đởm.

+ Huyệt Kinh, thuộc hành Hoả .

+ Huyệt Tả của kinh Đởm.

2. Vị trí huyệt Dương phụ

Xưa: Trên mắt cá ngoài chân 4 th, ở trước xương mác 3 phân

Nay: Trên đỉnh mắt cá ngoài 4 thốn, ở sát bờ trước xương mác.

huyệt Dương phụ

Giải Phẫu : Dưới da là khe giữa cơ mác bên ngắn với bờ trước xương mác. Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh cơ – da.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh L5.

3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt

Chủ Trị: Trị khớp gối viêm, lưng đau, toàn thân bồn chồn, mỏi mệt.

Phối Huyệt:

  1. Phối Dương Giao (Đ.35) + Dương Lăng Tuyền (Đ.34) trị vùng mông và xương ống chân tê, mất cảm giác (Thiên Kim Phương).
  2. Cứu Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Dương Phụ (Đ.38) + Huyền Chung (Đ.39) + Phong Thị (Đ.31) trị cước khí (Ngoại Đài Bí Yếu).
  3. Phối Dương Quan (Đ.33) trị phong tê thấp (Tư Sinh Kinh).
  4. Phối Chi Câu (Ttu.6) + Chương Môn (C.13) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị loa lịch (Tư Sinh Kinh).
  5. Phối Chương Môn (C.13) + Lâm Khấp (Đ.41) trị quyết nghịch (Châm Cứu Đại Thành).
  6. Phối Khâu Khư (Đ.40) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị dưới nách sưng (Châm Cứu Đại Thành).
  7. Phối Thái Xung (C.3) trị nách sưng, cổ có nhọt (Châm Cứu Đại Thành).
  8. Phối Dương Giao (Đ.35) + Hành Gian (C.2) + Tuyệt Cốt (Đ.39) trị 2 chân tê (Châm Cứu ĐạiThành).
  9. Phối Cách Du (Bq.17) + Nội Quan (Tb.6) + Thương Khâu (Ty.5) + Tỳ Du (Bq.20) + Vị Du (Bq.21) trị dạ dầy đau (Thần Cứu Kinh Luân).
  10. Cứu Dương Phụ 21 tráng, phối cứu Khí Hải (Nh.6) 100 tráng + Tam Âm Giao (Ty.6) 21 tráng + T úc Tam Lý (Vi.36) 21 tráng trị khí nhược, tiêu chảy phân sống, rốn lạnh, bụng đau (Vệ Sinh Bảo Giám).
  11. Phối Dương Lăng Tuyền (Đ.34) + Hiệp Khê (Đ.43) + Túc Khiếu Âm (Đ.44) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị mụn nhọt mọc ở 1 bên đầu (Ngoại Khoa Lý Lệ).
  12. Phối Thái Xung, Phong Trì trị đau nửa đầu
  13. Phối Cách Du (Bq.17) + Can Du (Bq.18) + Chi Câu (Ttu.6) + Nội Quan (Tb.6)+ Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị ngực và sườn đau (Châm Cứu Học Gỉan Biên) + Dương Lăng Tuyền
  14. Phối Hoàn Khiêu, Dương Lăng Tuyền trị đau phía ngoài chi dưới
  15. Phối Dương Lăng Tuyền, Đại Trường Du trị táo bón

Châm Cứu: Châm thẳng 1 – 1,5 thốn, Cứu 3-5 tráng, Ôn cứu 5 – 10 phút.

Tham Khảo :

(” Chứng Nhiệt Quyết nên thủ huyệt ở kinh túc Thái Âm và túc Thiếu Dương (huyệt Dương Phụ), tất cả đều nên lưu kim lâu” (LKhu.21,28).

(“Mã đao thủng lủ dưới nách, họng sưng tắc : dùng Dương Phụ để trị” (Giáp Ất Kinh).

( “Trị các chứng phong : cứu huyệt Dương Phụ 7 tráng” (Thiên Kim Phương).

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ