Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị trí huyệt Ế phong 翳风

by Lê Quý Ngưu

Vị trí huyệt Ế phong – 2 tai giống như 2 cái quạt là ế, 2 dái tai có thể gập ra vào như để quạt gió là phong, vì vậy gọi là Ế Phong

1. Đại cương

Tên Huyệt : 2 tai giống như 2 cái quạt là ế, 2 dái tai có thể gập ra vào như để quạt gió là phong, vì vậy gọi là Ế Phong (Trung Y Cương Mục).

Cách giải thích khác:

– “Ế” có nghĩa là cái quạt làm bằng lông gà, người ta tượng trưng giống hình của loa tai.

– “Phong” có nghĩa là gió. Ở đây hàm ý tiếng ồn được gây ra bởi gió. Huyệt nằm ở chỗ hõm sau tai, một nơi được che chở khỏi gió, chủ yếu trị được chứng ù tai, lùng bùng tại như gió thổi vào tai. Do đó mà có tên là Ế phong. 

Theo “Kinh huyệt thích nghĩa hội giải” ghi rằng: “Huyệt ở chỗ hõm sau tai, lấy tai đè vào thì lan vào trong tai. Ế là che chở bởi ví như che gió của tai, đồng thời huyệt có khả năng khu phong tà nên được gọi là Ế phong”.

Xuất Xứ : Giáp Ất Kinh.

Đặc Tính :

+ Huyệt thứ 17 của kinh Tam Tiêu.

+ Huyệt giao hội với kinh Túc Thiếu Dương Đởm.

2. Vị trí huyệt Ế phong

Xưa: Chỗ hõm sau tai, đè vào thấy có cảm giác trong tai (Đồng nhân, Phát huy, Đại thành)

Nay: Chỗ hõm khi há mồm sau dái tai, ấn vào thấy đau. Phía sau trái tai, nơi chỗ lõm giữa góc hàm dưới và gai xương chũm, sau mỏm nhọn cao nhất của trái tai, sát bờ trước cơ ức đòn chũm.

huyệt Ế phong

Huyệt Ế phong

Giải Phẫu : Dưới da là phía trước bờ trước cơ ức-đòn-chũm, cơ trâm hầu, trâm móng, trâm lưỡi và cơ 2 thân, trên các cơ bậc thang.

Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI và XII, nhánh của dây cổ số 3,4,5.

Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C2.

3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt

Tác Dụng: Điều khí cơ của tam tiêu, thông khiếu, thông nhĩ, minh mục, khu phong tiết nhiệt, sơ phong thông lạc

Chủ Trị : Trị điếc, tai ù, tai lãng, tuyến mang tai viêm, thần kinh mặt liệt.

Phối Huyệt :

  1. Phối Hạ Quan (Vi.7) + Hội Tông (Ttu.7) trị tai điếc, khớp hàm dưới đau (Giáp Ất Kinh).
  2. Phối Thông Lý (Tm.5) trị mất tiếng đột ngột (Tư Sinh Kinh).
  3. Phối Thính Cung (Ttr.16) + Thính Hội (Đ.2) trị tai điếc do khí bế (Châm Cứu Đại Thành).
  4. Phối Thính Hội ((Đ.2) trị tai ù (Bách Chứng Phú).
  5. Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Nhĩ Môn (Ttu.21) + Thính Cung (Ttr.16) + Thính Hội (Đ.2) + Trung Chử (Ttu.3) trị tai ù điếc, tai chảy máu (Châm Cứu Học Giản Biên).
  6. Phối Địa Thương (Vi.4) + Giáp Xa (Vi.6) + Hạ Quan (Vi.7) + Hợp Cốc (Đtr.4)+ Nghinh Hương (Đtr.20) + Tứ Bạch (Vi.2) trị liệt mặt (Châm Cứu Học Giản Biên).
  1. Phối Giáp Xa (Vi.6) + Hợp Cốc (Đtr.4) trị tuyến mang tai viêm cấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  2. Phối Hợp Cốc, Đại Nghênh trị đau nhức trong họng, thanh quản
  3. Phối Địa Thương (Vi.4) + Khiên Chính + Nghênh Hương (Đtr.20) trị liệt mặt (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  4. Phối Thính Cung (Ttr.16) + Thính Huyệt + Thính Thông trị tai ù (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  5. Phối Thiên Tỉnh (Ttu.10) + Túc Lâm Khấp (Đ.41) trị lao hạch (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).

Châm Cứu :

Châm xiên

– Trong trường hợp câm điếc, sâu 15. – 2 thốn, tại chỗ có cảm giác căng tức, có khi lan tới vùng họng, hoặc vùng họng có cảm giác căng nóng lên

– Trong trường hợp trị liệt mặt và viêm tuyến mang tai, mũi kim hướng về phía mắt đối diện, sâu 0,5 – 1 thốn. Tại chỗ có cảm giác căng đau có khi lan như điện xuống vùng trước lưỡi.

 Cứu 1 – 3 tráng – Ôn cứu 5 – 10 phút.

4. Tham khảo

+ <<Giáp Ất>> quyển thứ 7 ghi rằng: “Không nói được dùng Ế phong làm chủ”. 

+ <<Giáp Ất>> quyển thứ 12 ghi rằng: “Miệng lệch không ngay thẳng, cấm khẩu không mở được, dùng Ế phong làm chủ”. 

+ <Bách chứng phú>> ghi rằng: “Khi bế gây điếc, dùng Thính hội, Ê phong ” 

+ <<Đại thành>> quyển thứ 7 ghi rằng: “Ế phong chủ trị điếc tai, ù tai, miệng méo, mắt xếch, sưng má lệch hàm, cấm khẩu, không nói được”.

+ <<Đồng nhân>> ghi rằng: “Ế phong trị điếc, miệng méo mắt xếch, cấm khẩu, câm không nói, đau quai hàm, châm vào 7 phân, có thể cứu 7 lửa”. 

+ <<Đồ dực>> ghi rằng: “Ế phong chủ trị tại sưng đỏ đau, thận hư ù tai thì bổ phong, huyệt này thường bổ nhiều hơn tả”. 

+ Căn cứ theo “Giáp ất” huyệt phong là nơi hội của Thủ, Túc Thiếu-dương. 

+ Vị trí Huyệt phong là nơi hội của Thủ Thiếu Dương, Thủ Thái-dương, là huyệt thường dùng để – bệnh ở vùng tai, viêm tuyến mang tai, viêm Amidan. Nguyên nhân gây ra của bệnh này là do Can đởm hỏa vượng, Đàm hỏa nhiễu lên, phong nhiệt cộng lên hoặc âm hư hỏa vượng, dùng huyệt này cấm dùng ngải cứu để tránh nóng làm tổn thương nhĩ khiếu, trợ thêm hỏa làm tổn thương lạc mạch, tăng thêm bệnh. – “Thánh tế” ghi rằng: “Chỗ hõm sau tại không thể để cho tổn thương, khi tổn thương sẽ làm cho người bệnh miệng méo” có nghĩa sách nói đến lở nhọt, hoặc dùng kim lớn làm tổn thương tới cân mạch tại đó, nên khi dùng kim nên dùng loại nhỏ để không tổn thương tới gần mạch, không làm miệng méo – Huyệt này là nơi hội của Thủ Túc Thiếu-dương, châm vào huyệt này việc biện chứng rất quan trọng, bệnh tật gây ra do Can đởm hỏa vượng thì dùng phép tả, kết hợp đắng miệng, ù tai, miệng mắt mèo là chứng khó trị cần phải dùng phép tả. Kết hợp với Nhĩ môn, Phong trì mới mong thu lượm hiệu quá sớm.

Nguồn: tổng hợp ( có sử dụng tài liệu của L/Y Lê Quý Ngưu)

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ