Kim quỹ yếu lược phương luận là phần tạp bệnh trong “Thương hàn tạp bệnh luận” do Y gia Trương Trọng Cảnh viết thời Đông Hán. Dưới đây là phân tích chú giải điều văn 06 – 07 trong Kim quỹ yếu lược phương luận.
1. Điều văn 06
Sư viết: Hấp nhi vi sác, kỳ bệnh tại trung tiêu, thực dã, đương hạ chi tức dũ; hư giả bất trị. Tại thượng tiêu giả, kỳ hấp thúc, tại hạ tiêu giả, kỳ hấp viễn, thử giai nan trị. Hô hấp động dao chấn chấn giả, bất trị. (6)
Giải thích:
– Hấp thúc: Hít vào cạn và ngắn.
– Hấp viễn: Hít sâu dài và khó khăn.
Dịch nghĩa:
Đoạn này nói về vọng hô hấp để phân biệt bệnh vị ở trên hay dưới đồng thời phán đoán dự hậu kiết hung. Hấp nhi vi sác: Là hít vô ngắn nhanh. Nếu bệnh do trung tiêu thực tà thì bệnh cơ của nó là do tà khí úng tắc trung tiêu ảnh hưởng phế khí bất giáng. Nguyên nhân gây bệnh tại trung tiêu do đó điều trị cần phải hạ kỳ thực, sau khi tà thực khứ khí cơ thông lợi hô hấp sẽ khôi phục bình thường, do đó nói: “đương hạ chi tức dũ”.
Nếu hơi thở (hít vô) đoản thúc không do trung tiêu thực tà mà thuộc hư chứng thì như cuốn Tâm điển nói “Là khí vô căn thất thủ do đó sẽ bất trị”. Giả sử trung tiêu có tà thực mà chính khí lại hư thì sao? Muốn hạ sợ sẽ tổn thương chính khí mà không hạ thì tà không có đường ra bởi vậy cũng là nan trị. Tại thượng tiêu chủ yếu là chỉ bệnh tại phế, hấp thúc là do phế khí đại suy gây ra. Tại hạ tiêu chủ yếu là chỉ bệnh tại thận. Hấp viễn là biểu hiện nguyên khí suy kiệt thận bất nạp khí gây ra. Khi hô hấp mà toàn thân dao động là hư nhược rất nặng nề, hình và khí bất tương bảo, đây là triệu chứng nguy cấp. Từ chữ hư trong điều văn mà nói thì phàm hư chứng mà thấy sự thay đổi hô hấp bất luận bệnh ở trên hay dưới đều là thuộc chứng nan trị.
2. Điều văn 07
Sư viết: Thốn khẩu mạch động giả, nhân (do) kỳ vượng thời nhi động, giả lệnh can vượng sắc thanh, tứ thời các tùy kỳ sắc. Can sắc thanh nhi phản sắc bạch, phi kỳ thời kỳ sắc mạch, giai đương bệnh. (7)
Giải thích:
– Thốn khẩu: Tên khác là khí khẩu, là nơi bắt mạch.
– Tứ thời các kỳ tùy sắc: Chỉ xuân thanh, hạ xích, thu bạch, đông hắc.
Dịch nghĩa
Đoạn này nói về phương pháp chẩn bệnh dựa vào sự kết hợp mạch tượng và tứ thời ngũ sắc. Sự cải biến khí hậu tứ thời cũng đồng thuận với sự cải biến mạch tượng và sắc trạch tùy mùa. Mùa Xuân can vượng mạch huyền sắc xanh là bình thường, nếu ở mùa này mà sắc lại trắng mạch lại nhỏ (thu mạch) tức là sắc mạch không hợp thời là hiện tượng bất thường.
Lời bàn
Đây là nói về biến hóa của khí hậu tứ thời có thể ảnh hưởng tới chức năng sinh lý con người biểu hiện ở sắc mạch, người học cần lĩnh hội tinh thần này không nên câu nệ. Phàm là sự cải biến sắc mạch không phù hợp với biến hóa khí hậu tứ thời đều cần được chú ý. Ngoài ra đoạn này còn nêu lên sắc và mạch là dựa vào Nội Kinh. Ngũ tạng sinh thành thiên có nói “Năng hợp mạch sắc, khả dĩ vạn toàn” điều này nhắc nhở người thầy thuốc trong ứng dụng lâm sàng phải: Sắc mạch tương tham, vọng thiết kết hợp.