Vị trí huyệt Quan nguyên – Huyệt được coi là cửa (quan) của nguyên khí (nguyên) vì vậy gọi là Quan Nguyên.
Mục Lục
1. Đại cương
Tên Huyệt: Huyệt được coi là cửa (quan) của nguyên khí (nguyên) vì vậy gọi là Quan Nguyên (Trung Y Cương Mục).
Tên Khác: Đại Trung Cực, Đan Điền, Đơn Điền, Hạ Kỷ, Tam Kết Giao, Thứ Môn.
Xuất Xứ: Thiên ‘Hàn Nhiệt Bệnh’ (Linh Khu.21).
Đặc Tính:
+ Huyệt thứ 4 của mạch Nhâm.
+ Huyệt Hội của mạch Nhâm với 3 kinh âm ở chân.
+ Huyệt Mộ (chẩn đoán) của Tiểu trường.
+ Huyệt Hội của các kinh cân – cơ của Tỳ, Thận và Can.
+ Nơi phân chia (tách ra) của mạch Xung và Nhâm (Tố Vấn.34).
+ 1 trong nhóm 4 Huyệt Hội của khí Âm Dương gồm: Quan Nguyên (Nh.4) + Trung Quản (Nh.12) + Thiên Đột (Nh.22) và Chí Dương (Đốc.9) (Thiên ‘Kinh Mạch Biệt Luận’ – Tố Vấn.21).
- Xem thêm: Đả thông Nhâm Đốc khí huyết thư sướng
2. Vị trí huyệt Quan nguyên
Xưa: Thẳng dưới rốn 3 thốn
Nay: Xác đinh đoạn rốn và bờ trên xương mu, huyệt ở điểm tỷ lệ 3/5 trên và 2/5 dưới
Giải Phẫu:
Huyệt ở trên đường trắng, sau đường trắng là mạc ngang, phúc mạc. Vào sâu có ruột non khi bàng quang bình thường và không có thai, có bàng quang khi bí tiểu tiện, có tử cung khi có thai.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D11 hoặc D12.
3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt
Tác Dụng:
Bồi Thận, cố bản , bổ khí, hồi dương, ôn điều huyết thất, tinh cung, khử hàn thấp, âm lãnh, phân thanh biệt trọc, điều nguyên tán tà, tăng sức, phòng bệnh.
Chủ Trị:
Trị bệnh về kinh nguyệt, đới hạ, vô sinh, di mộng tinh, liệt dương, bụng dưới đau, tiêu chảy, kiết l, tiểu gắt, buốt, tiểu bí, choáng, ngất, nâng cao sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, bổ các chứng hư tổn, suy nhược toàn thân.
Phối Huyệt:
- Phối Âm Lăng Tuyền (Ty.9) trị khí bế, tiểu vàng (Giáp Ất Kinh).
- Phối Khí Hải (Nh.6) + Mệnh Quan [Thực Độc – Ty.17] + Trung Quản (Nh.12) trị dương khí suy, hạ nguyên hư suy (Biển Thước Tâm Thư).
- Phối cứu Trung Quản (Nh.12) 50 tráng trị hoắc loạn, Vị khí đại tổn, 6 mạch Trầm Tế, tay chân quyết lãnh là chân dương muốn thoát (Biển Thước Tâm Thư).
- Phối cứu Mệnh Quan [Thực Độc – Ty.17] mỗi huyệt 200 tráng trị trị tiêu chảy không tự chủ do Tỳ Thận khí hư (Biển Thước Tâm Thư ).
- Phối Âm Lăng Tuyền (Ty.9) trị thận suy, khó cúi ngửa (Tư Sinh Kinh).
- Phối Thái Khê (Th.3) trị l, tiêu chảy không cầm (Tư Sinh Kinh).
- Phối Dũng Tuyền (Th.1) trị bọng đái sưng tức (Tư Sinh Kinh).
- Phối Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Đại Đôn (C.1) + Hành Gian (C.2) + Khí Hải (Nh.6) trị di niệu [tiểu nhiều] (Loại Kinh Đồ Dực).
- Phối Bạch Hoàn Du (Bàng quang.30) + Chiếu Hải (Th.6) + Tam Âm Giao (Ty.6)+ Thái Khê (Th.3) trị di tinh, bạch trọc, tiểu buốt, gắt (Châm Cứu Đại Toàn).
- Phối Đại Đôn (C.1) trị dịch hoàn sưng đau xuyên tới bụng dưới (Châm Cứu Đại Thành).
- Phối Liệt Khuyết (P.7) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thiên Xu (Vi.25) + Trung Quản (Nh.12) trị bụng đau do hàn, tiêu chảy không cầm (Châm Cứu Đại Thành).
- Phối Tam Âm Giao (Ty.6) + Tâm Du (Bàng quang.15) + Thận Du (Bàng quang.23) trị di tinh, bạch trọc (Châm Cứu Đại Thành).
- Phối Bạch Hoàn Du (Bàng quang.30) + Tâm Du (Bàng quang.15) + Trung Cực (Nh.3) trị di tinh, mộng tinh, tiết tinh (Y Học cương Mục).
- Phối Khí Xung (Vi.30) trị nhiệt lâm (Đông Viên Thập Thư), có thể xổ giun
- Phối Âm Cốc (Th.10) + Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Tam Âm Giao (Ty.6) trị lâm chứng (Loại Kinh Đồ Dực).
- Phối Bá Hội (Đốc.20)+ Hoàn Khiêu (Đ.30) + Hợp Cốc (Đại trường.4) + Khúc Trì (Đại trường.11) + Kiên Ngung (Đại trường.15) + Kiên Tỉnh (Đ.21) + Phong Trì (Đ.20) + Túc Tam Lý (Vi.36) + Tuyệt Cốt (Đ.39) có tác dụng phòng ngừa trúng phong (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cứu Mệnh Môn trị tiêu chảy do Tỳ Thận bất túc (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối cứu Đại Trường Du + Thần Khuyết + Tỳ Du (Bàng quang.20) trị người già hư nhược bị tiêu chảy (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối Khí Hải (Nh.6) + Mệnh Môn + Thiên Xu (Vi.25) trị chứng Thận tả, tiêu chảy lúc sáng sớm (Thần Cứu Kinh Luân).
- Phối Âm Cốc (Th.10) + Âm Lăng Tuyền (Ty.9) trị tiểu bí (Thần Cứu Kinh Luân)+ Ủy Trung
- Phối cứu Thần Khuyết (Nh.8) 5-7 tráng trị tiêu chảy không cầm (Thế Y Đắc Hiệu Phương).
- Phối Khúc Cốt (Nh.2) trị chuyển bào không tiểu được (Bị Cấp Cứu Pháp).
- Phối Cách Du (Bàng quang.17) + Đại Chùy (Đốc.14) + Khí Hải (Nh.6) trị thương hàn Thiếu âm chứng, âm thịnh dương suy (Thương Hàn Luận Châm Cứu Phối Huyệt Tuyển Chú).
- Phối Thái Xung (C.3) + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị Tỳ Vị dương hư, hàn trệ ở kinh mạch, tay chân quyết lãnh (Thương Hàn Luận Châm Cứu Phối Huyệt Tuyển Chú).
- Phối cứu Đại Đôn (C.1) 7 tráng trị dịch hoàn lệch 1 bên (Châm Cứu Dị Học).
- Phối Khí Hải (Nh.6) + Huyết Hải (Ty.10) + Địa Cơ (Ty.8) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Hành Gian (C.2) trị kinh nguyệt đến trước kỳ (thể hư) (Trung Quốc Châm Cứu Học).
- Phối Liệt Khuyết (P.7) + Khúc Tuyền (C.8) + Tam Âm Giao (Ty.6) trị đường tiểu viêm (Trung Quốc Châm Cứu Học).
- Phối Tiểu Trường Du (Bàng quang.27) + Thiên Xu (Vi.25) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị bụng đau, tiêu chảy (Châm Cứu Học Giản Biên).
- Phối Mệnh Môn (Đốc.4) + Thận Du (Bàng quang.23) + Thái Khê (Th.3) + Bá Hội (Đốc.20) trị liệt dương (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
- Phối Ẩn Bạch (Ty.1) trị băng lậu (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
- Phối Tam Âm Giao (Ty.6) trị giun chỉ, đái ra dưỡng chấp (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Cấp Mạch (C.12) + Chương Môn (C.13) + Trung Cực (Nh.3) trị bàng quang xuất huyết (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Đại Đôn (C.1) + Phục Lưu (Th.7) + Trường Cường (Đốc.1) trị tuyến tiền liệt viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Dũng Tuyền (Th.1) + Khí Hải (Nh.6) trị tiểu khó sau khi sinh (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Đại Hách (Th.12) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Trung Cực (Nh.3) trị liệt dương (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Thạch Môn (Nh.5) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị tiêu chảy (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Trung Cực (Nh.3) trị tiểu nhiều lần (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Tam Âm Giao (Ty.6) + Thạch Môn (Nh.5) trị đẻ ngược, đẻ khó (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Cưu Vĩ (Nh.15) + Thiên Khu (Vi.25) trị thổ tả (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Ẩn Bạch (Ty.1) + Huyết Hải (Ty.10) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị rử cung xuất huyết do chức năng (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Đại Chùy (Đốc.14) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị còi xương.
- Phối Khí Hải (Nh.6) để nâng huyết áp trong trường hợp choáng, ngất (Châm Cứu Học Thượng Hải).
- Phối Địa Cơ (Ty.8) + Huyết Hải (Ty.10) + Tam Âm Giao (Ty.6) trị kinh đến trước kỳ (thực chứng)thống kinh (Trung Hoa Châm Cứu Học).
- Phối cứu Bàng Quang Du (Bàng quang.28) 3 tráng + Dũng Tuyền 5 tráng + Hành Gian (C.2) 3 tráng + Thận Du (Bàng quang.23) 3 tráng trị tiểu nhiều (Trung Hoa Châm Cứu Học).
- Phối Âm Lăng Tuyền (Ty.9) + Quy Lai (Vi.29) + Tam Âm Giao (Ty.6) + Thái Xung (C.3) trị sán khí thể thấp nhiệt (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
- Phối Chiếu Hải, Âm Giao, Khúc Tuyền, Chiếu Hải đều tả trị các chứng đau do thoát vị( Tịch hoằng phú)
- Phối Khúc Cốt, Túc Tam Lý, Tam Âm Giao trị di tinh liệt dương
- Phối Âm Lăng Tuyền, Tam Âm Giao trị nhiễm trùng đường tiểu
- Phối Thận Du, Phi Dương trị rối loạn tiểu tiện
- Phối Phong Long , Đới Mạch trị xích bạch đới
Châm C ứu: Châm th ẳng 0, 3 – 2 thốn. Cứu 10 hơn 20 phút trở lên.
Ghi Chú:
Bảo người bệnh đi tiểu trước khi châm.
Bí tiểu không châm sâu. Có thai không châm sâu.
Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc chạy xuống bộ sinh dục ngoài.
Theo sách Giáp ất, Đồng nhân, Đại thành: đàn bà không châm cứu huyệt này vì sợ cả đời không đẻ. Bí tiểu tiện không châm sâu.
Xem thêm: