Vị trí huyệt Thiên trụ – Huyệt ở 2 bên cơ thang, giống hình 2 cây cột (trụ) ở bên trên (tượng trưng cho trời là thiên), vì vậy gọi là Thiên Trụ
Mục Lục
1. Đại cương
Tên Huyệt: Huyệt ở 2 bên cơ thang, giống hình 2 cây cột (trụ) ở bên trên (tượng trưng cho trời là thiên), vì vậy gọi là Thiên Trụ (Trung Y Cương Mục).
Cách giải thích khác:
– “Thiên” có nghĩa là trời, ở đây có nghĩa là đầu.
– “Trụ” có nghĩa là cột chống đỡ củ. một ngôi nhà. Huyệt ở bên cơ thang, cơ thang giống nâng đỡ bộ sọ. Do đó mà có tên là Thiên trụ (cột trời).
Có sách giải thích rằng: “Huyệt nằm ở chỗ trí “Thiên” ứng với tên gọi “Thiên trụ tinh” nên gọi là Thiên trụ”.
Xuất Xứ : Thiên ‘Khí Phủ Luận’ (TVấn.59).
Đặc Tính:
+ Huyệt thứ 10 của kinh Bàng Quang.
+ Thuộc nhóm huyệt Thiên Dũ (‘Thiên Dũ Ngũ Bộ’ gồm Nhân Nghênh (Vi.9) + Phù Đột (Đtr.18) + Thiên Dũ (Ttu.16) + Thiên Phủ (P.3) + Thiên Trụ (Bq.12).
2. Vị trí huyệt Thiên trụ
Xưa: Bờ ngoài gân lớn, nơi chỗ hõm giáp chân tóc gáy (Giáp ai, Đồng nhân. Phát huy, Đại thành)
Nay: Ở vùng gáy, dưới u lồi chẩm phía ngoài, ngang huyệt Á Môn ( Đc.15) ra 1,3 thốn, ở bờ ngoài cơ thang.
Giải Phẫu : Dưới da là bờ ngoài cơ thang, cơ bán gai của đầu, cơ thẳng sau nhỏ và to của đầu, cơ chéo dưới của đầu.
Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh sọ não số XI, các nhánh của dây thần kinh chẩm lớn và đám rối cổ.
Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C3.
3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt
Chủ Trị : Trị sau đầu đau, gáy đau, cổ vẹo, mất ngủ, thanh quản viêm, Ít-te-ri, viêm thanh quản, viêm họng, thần kinh suy nhược.
Phối Huyệt :
- Phối Đại Trữ (Bq.11) + Đào Đạo (Đc.13) + Hậu Khê (Ttr.3) + Khổng Tối (P.6) trị đầu đau (Thiên Kim Phương).
- Phối Dưỡng Lão (Ttr.6) trị vai đau như gẫy (Thiên Kim Phương ).
- Phối Côn Lôn (Bq. 60) + Đào Đạo (Đc.13) trị hoa mắt (Tư Sinh Kinh).
- Phối Thiếu Thương (P.11) trị ho mạn tính, viêm họng, viêm thanh quản.
- Phối Dịch Môn (Ttu.2) + Đại Trữ (Bq.11) + Ngư Tế (P.10) trị amydale viêm mạn tính (Trung Quốc Châm Cứu Học).
- Phối Phong Trì, Bách Hội, Thái Dương, Hợp Cốc trị đau đầu đau vai gáy.
- Phối Kiên Trung Du (Ttr.15) + Lạc Chẩm + Liệt Khuyết (P.7) trị cổ vẹo (Châm Cứu Học Thượng Hải). + Hậu Khê, Huyền Chung
- Phối Kiên Tỉnh (Đ.21) + Phong Trì (Đ.20) + Tân Thức + Thiên Dũ (Ttu.16) + Thiên Song (Ttr.16) trị vùng gáy đau (Tân Châm Cứu Học)
Châm Cứu: Châm thẳng sâu 0,5 – 1 thốn, tại chỗ có cảm giác căng tức hoặc hướng lan ra ở đỉnh đầu – Ôn cứu 3-5 phút.
Ghi Chú :
+ Không châm sâu quá hoặc hướng mũi kim lên trên vì có thể làm tổn thương hành tủy.
+ Khi cần cứu không được gây bỏng.
+ Châm đắc khí thấy căng tức tại chỗ hoặc lan rộng ra chung quanh.
4. Trích dẫn y văn
+ <<Linh khu – Hàn nhiệt bệnh>> ghi rằng: “Co quắp động kinh nhanh chóng mạnh bạo, choáng váng làm cho chân không còn tuân theo thân mình nữa, nên thủ huyệt Thiên trụ”.
+ <<Linh khu – Quyết bệnh>> ghi rằng: “Chứng quyết đầu thống, trước trên cổ gáy đau ứng với cột sống thắt lưng, trước hết thủ huyệt Thiên tru, sau đó thủ huyệt ở kinh Túc Thái-dương”.
+ <<Giáp Ất>> quyển thứ 10 ghi rằng: “Hoa mắt choáng đầu, đau nặng đầu, mắt như muốn ra ngoài, gáy như muốn rời, nổi cuồng thấy ma quỷ, mắt trợn ngược, cứng gáy không quay được, co giật dữ tợn choáng vàng làm chân không còn tuân theo thân mình nữa, đau như muốn gãy, chọn huyệt Thiên trụ làm chủ”.
+ <<Thiên kim>> ghi rằng: “Thiên trụ, Hành gian, chủ trị về chân như không còn tuân theo mình nữa”.
+ <<Đại thành>> quyển thứ 6 ghi rằng: “Thiên trụ chủ về chân như không còn tuân theo mình nữa, vai lưng đau như muốn gãy, mắt mờ tối sầm, đầu xoay đau nhức trong não, đầu phong, mũi mất khứu giác không biết thơm thối, nặng trong đầu như muốn ra ngoài, đỉnh như muốn toát, cổ gáy không quay qua lại được”.
+ <<Bách chúng phú>> ghi rằng: “Mắt lờ mờ dùng Dưỡng lão, Thiên trụ, … gáy cứng phần nhiều sợ gió, dùng Thúc cốt với Thiên trụ” (Mục giác hoang hoang, cấp thủ Dưỡng lão, Thiên trụ, … Hạng cường đa ố phong, Thúc cốt tương liên ư Thiên trụ).
+ <<Phối huyệt khái luận giảng nghĩa>>: Thường kết hợp Thiên tru, Đại trữ và Côn lên, vì Thiên trụ là nơi phát ra mạch khí của Túc Thái dương Bàng quang kinh, châm vào sẽ có tác dụng khai khiếu tỉnh não. Đại trừ là hội huyệt của Thủ Thái-dương và Túc Thái dương. Cốt hội ở Đại trừ. Cốt là do tủy nuôi dưỡng, tủy do não chảy xuống huyệt đại trừ rồi từ đây thâm nhập vào giữa cột sống, đi xuống dưới xuyên tới xương cùng rồi thấm vào các xương. Cho nên châm vào huyệt này sẽ bổ tủy và làm cho tỉnh táo lại đầu và mắt. Côn lôn là kinh huyệt của Túc Thái-dương Bàng quang kinh, châm vào đó để xua đuổi phong và tán được hàn, có tác dụng thư cân hóa thấp. Kinh Thái dương thống nhiếp toàn bộ dương khí của toàn thân. Các du huyệt của ngũ tạng lục phủ đều nằm ở vùng lưng, khí của ngũ tạng đều thông với thái dương. Cho nên châm vào ba huyệt này có tác dụng thông dương hóa thấp tán hàn, giáng nghịch khí xuống, khai khiếu tỉnh não, điều hòa âm dương.
Đông Viên ghi rằng cách này không dùng phép bổ và cũng như phép tả, bởi lẽ khí cơ đang bị rối loạn xung ngược lên các khiếu ở đầu, nếu dùng phép bổ tả sẽ làm cho nghịch khí loạn thêm, đợi khi kinh khí điều hòa, thuận hành thì khí nghịch lên sẽ tự đi xuống. Cần phải theo dõi cái thế của khí, không nên vội vàng. Ngoài ra phép này cũng trị được các chứng do tà khí của phong hàn bám ở kinh Thái dương, các triệu chứng chính là cứng và đau nhức đầu cổ, sống lưng, nếu như nghịch khí vào sâu rồi không đi nữa có thể suy tính để tả.
+ Thiên ‘Khẩu Vấn’ ghi: “Chứng chảy nước mắt, nước mũi là do bi ai, ưu sầu làm động đến tâm, làm cho khí ngũ tạng lục phủ dao động theo. Sự dao động sẽ làm cho tông mạch bị cảm, mà mắt là nơi tụ của tông mạch, là con đường tuần hành của thượng dịch, nên tông mạch bị Cảm thì con đường của thượng dịch sẽ mở ra làm cho nước mắt, nước mũi chảy ra. Châm bổ huyệt Thiên Trụ (Bq.12) “ (LKhu.28, 22).
+ Thiên ‘Thích Nhiệt’ ghi : “Bệnh nhiệt, lúc đầu phát ở vùng đầu, thích huyệt của kinh Thái dương ở cổ, mồ hôi (đang ra) sẽ cầm lại” (T.Vấn 32, 32).
+ “Châm Thiên Trụ (Bq.12) để trị gân gáy không di chuyển được” (Tư Sinh Kinh).
Nguồn: tổng hợp ( có sử dụng tài liệu của L/Y Lê Quý Ngưu)
Xem thêm: