Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Vị trí huyệt Liệt Khuyết 列 缺  ( 24 phương phối hợp)

by Lê Quý Ngưu

Vị trí huyệt Liệt Khuyết – Liệt = tách ra. Khuyết = chỗ lõm, chỗ bị thiếu. Huyệt ở trên cổ tay, nơi có chỗ lõm. Huyệt là Lạc huyệt của kinh Phế, từ chỗ này có 1 nhánh tách ra để nối với kinh Đại Trường, vì vậy, gọi là Liệt Khuyết (Trung Y Cương Mục) .

1. Đại cương

Tên Huyệt:

Liệt = tách ra. Khuyết = chỗ lõm, chỗ bị thiếu. Huyệt ở trên cổ tay, nơi có chỗ lõm. Huyệt là Lạc huyệt của kinh Phế, từ chỗ này có 1 nhánh tách ra để nối với kinh Đại Trường, vì vậy, gọi là Liệt Khuyết (Trung Y Cương Mục) .

Tên Khác: Đồng Huyền, Uyển Lao.

Xuất Xứ: Thiên ‘Kinh Mạch’ (L.Khu 10).

Đặc Tính:

+ Huyệt thứ 7 của kinh Phế.

+ Huyệt Lạc, nơi phát xuất Lạc dọc, Lạc ngang.

+ Huyệt Giao hội với Nhâm Mạch.

+ 1 trong Lục Tổng Huyệt trị đau vùng đầu, gáy (Càn Khôn Sinh Ý).

2. Vị trí huyệt Liệt Khuyết

Xưa: Dưới đầu xương quay nối với thân xương, cách lằn chỉ ngang cổ tay 1, 5 thốn. Hoặc chéo 2  ngón tay tr ỏ và ngón tay cái   của 2 bàn tay v ới nhau, huyệt ở chỗ lõm ngay dưới đầu ngón tay tr ỏ.

Nay: Dưới xương quay nối với thân xương, trên khớp cổ tay 1,5th. Khi điểm huyệt làm đọng tác gấp ngửa bàn tay để tìm gân cơ ngửa dài.

Huyệt liệt khuyết

Vị trí huyệt Liệt Khuyết

Giải Phẫu:

Dưới da là bờ trong – trước của gân cơ ngửa dài, cơ gấp dài ngón cái, chỗ bám của cơ sấp vuông vào xương quay.

Thần kinh vận động cơ là nhánh của dây thần kinh giữa. Da vùng huyệt chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6.

3. Tác dụng chủ trị và phối hợp huyệt

Tác Dụng: Tuyên Phế, khu phong, thông điều Nhâm M ạch.

Chủ Trị: Trị cổ tay đau sưng, đầu đau, cổ gáy c ứng, ho, suyễn, liệt mặt.

Phối Huyệt:

  1. Phối Khúc Trì (Đtr.11) trị nhiệt bệnh, tâm phiền, cánh tay và cơ thể nóng trước, co rút, môi miệng cắn chặt, mắt nhìn xuống, đổ mồ hôi (Bị Cấp Thiên Kim Phương).
  2. Phối Địa Thương (Vi.4) trị miệng khát (Tư Sinh Kinh).
  3. Phối Khuyết Bồn (Vi.12) + Ngư Tế (P.10) + Thiếu Trạch (Ttr.1) trị ho (Tư Sinh Kinh).
  4. Phối Đản Trung (Nh.17) + Phế Du (Bq.13) + (Túc) Tam Lý(Vi.36) trị ho đờm do hàn, ngực đầy đau (Châm Cứu Đại Toàn).
  5. Phối Chiếu Hải (Th.6) + Quan Xung (Tb.1) + Trung Quản (Nh.12) + Túc Tam Lý (Vi.36) + Tỳ Du (Bq.20) trị tiêu khát (Châm Cứu Đại Toàn).
  6. Châm Liệt Khuyết trước, phối Du Phủ (Th.27) + Đản Trung (Nh.17) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Khuyết Bồn (Vi.12) + Phù Đột (Đtr.18) + Thập Tuyên + Thiên Đột (Nh.22) + Thiên Song (Ttr.16) + Trung Phủ (P.1) trị ngũ anh [bướu cổ] (Châm Cứu Đại Toàn).
  1. Phối Thái Uyên (P.9) trị nửa đầu đau (Châm Cứu Đại Thành), trị ho phong đờm (Ngọc Long Ca).(+ Phong Long)
  2. Phối Hậu Khê (Ttr.3) trị ngực và cổ đau (Thiên Kim Thập Nhất Huyệt).
  3. Phối Cách Du (Bq.17) + Chương Môn (C.13) + Đại Đôn (C.1) + Tam Tiêu Du (Bq.22) + Thận Du (Bq.23) trị tiểu ra máu (Loại Kinh Đồ Dực).
  4. Phối Giải Khê (Vi.41) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Não Không (Đ.19) + Phong Trì (Đ.20) trị đầu đau, nửa đầu đau (Thần Cứu Kinh Luân).
  5. Phối Phong Long (Vi.40) + Phục Lưu (Th.7) trị tay chân bị phù thũng (Thần Cứu Kinh Luân).
  6. Phối Cao Hoang (Bq.43) + Chí Dương (Đc.10) + Hợp Cốc (Đtr.4) + Linh Đài (Đc.10) + Phế Du (Bq.13) + Thiên Đột (Nh.22) + Túc Tam Lý (Vi.36) trị ho do phong hàn (Thần Cứu Kinh Luân).
  7. Phối Cách Du (Bq.17) + Can Du (Bq.18) + Khí Hải (Nh.6) + Thận Du (Bq.23) + Trung Phong (C.5) + Tỳ Du (Bq.20), đều cứu, trị tiểu buốt, tiểu gắt (Thần Cứu Kinh Luân)
  1. Phối Túc Tam Lý (Vi.36) trị suyễn cấp (Tạp Bệnh Huyệt Pháp Ca).
  2. Phối Hợp Cốc (Đtr.4) + Nghênh Hương (Đtr.20) + Ấn Đường trị xoang mũi viêm (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).
  3. Phối Hậu Khê (Ttr.3) trị đầu và cổ đau (Châm Cứu Học Thượng Hải).
  4. Phối Dương Khê (Đtr.5) trị gân cơ dạng dài và gân cơ duỗi ngón tay cái bị viêm (Châm Cứu Học Thượng Hải). (+ áp thống điểm).
  5. Phối Phong Môn (Bq.12) + Phong Trì (Đ.20) + Hợp Cốc (Đtr.4) trị cảm phong hàn (Tứ Bản Giáo Tài Châm Cứu Học).
  6. Phối Thái Uyên trị nóng trong long bàn tay cái.
  7. Phối Hợp Cốc trị đau răng.
  8. Phối Thiếu Thương, Hợp Cốc, Ngư Tế trị viêm sưng tắc họng.
  9. Phơi Chiếu Hải trị ho mạn tính.
  10. Phối Uyển Cốt trị cổ gáy cứng đau.
  11. Phối Côn Luân trị tiểu máu.

Châm Cứu: 

Châm Xiên, hướng mũi kim vào khớp khuỷu tay, sâu 0,5 – 1 thốn, có cảm giác căng tức tại chỗ, đồng thời hướng lan tới khớp khuỷu tay. Khi trị viêm gân cơ dạng dài có thể hướng mũi kim ra ngoài, sâu 0,5 – 1 thốn, có cảm giác căng tức tại chỗ.

Cứu 3 – 5 lửa.

Ôn cứu 5 – 15 phút.

4. Tham Khảo 

1. <<Giáp ất>> quyển thứ 7 ghi rằng: “Nhiệt bệnh trước tiên thấy tay co giật, môi khô, mũi phập phồng, dưới mắt mồ hôi rịn ra như hạt châu, dưới rốn hai thốn cứng, đầy tức sườn hông, hồi hộp, dùng huyệt Liệt khuyết làm chủ”,

2. <<Giáp ất>> quyển thứ 12 ghi rằng: “Trẻ con động kinh, dùng huyệt Liệt khuyết, đồng thời chọn Dương-minh lạc”.

3. <<Thiên kim>> quyển thứ 19 ghi rằng: “Nam giới đau trong dịch hoàn, tiểu ra máu ra tinh, cứu Liệt khuyết 50 lửa”.

4. <<Đại thành>> quyển thứ 6 ghi rằng: Liệt khuyết chủ về trúng phong làm miệng méo mắt xếch, tay khuỷu yếu sức, bán thân bất toại, nóng trong lòng bàn tay, cấm khẩu, sốt rét khi nóng khi lạnh, nôn ra bọt dãi, ho, thích cười, môi miệng há mở, hay quên, tiểu ra máu, tinh xuất đau đớn ở dương vật, tiểu tiện nóng, động kinh, tứ chi mặt mắt phù húp, đau nhức khớp vai, lưng ngực lạnh run, không đủ khí để thở, lạnh toát cả người. Thực thì ngực lưng nóng, ra mồ hôi, tay chân thũng húp nhanh dữ. Hư thì ngực lưng lạnh run, khí thiếu không đủ để thở.

5. <<Trửu hậu ca>> ghi rằng: “Thương hàn nhiệt chưa lui, răng ngậm chặt, cứng cổ gáy, nảy ngược, mắt trợn ngược, nên châm huyệt Liệt khuyết”.

6. <<Thông huyền chỉ yếu phú>> ghi rằng: “Ho hàn đàm, châm huyệt Liệt khuyết” (Khái thấu hàn đàm, Liệt khuyết kham trị).

7. <<Tạp bệnh huyệt pháp ca>> ghi rằng: “Suyễn gấp dùng huyệt Liệt khuyết, Túc Tam-lý” (Suyễn cấp Liệt khuyết, Túc Tam-lý).

8. <<Tứ tổng huyệt ca>> ghi rằng: “Bệnh ở đầu cổ nên dùng huyệt Liệt khuyết” (Đầu hạng tầm Liệt khuyết).

9. <<Linh quang phú>> ghi rằng: “Đau đầu chính giữa hoặc một bên đầu tả Liệt khuyết” (Thiên chính đầu thống tả Liệt khuyết).

10. Căn cứ theo “Linh khu – Kinh mạch” ghi huyệt này là “Lạc huyệt” của Thủ Thái-âm. Liệt khuyết cũng là một trong giao hội của Bát mạch thông với Nhâm mạch.

11. <<Tố vấn – Thích cấm luận thiên>> ghi rằng: “Châm vào Thái-âm mạch ở tay ra huyết nhiều làm người chết ngay”. Khi châm ở Thủ Thái âm trên cánh tay lở nhằm mạch máu làm chảy nhiều, nên xử trí cầm máu.

12. <<Châm cứu đại thành>> ghi trong “Tứ tổng huyệt ca” rằng: “Đỗ phúc Tam lý lưu, Yêu bối Ủy trung cầu, Đầu hạng tầm Liệt khuyết, Diện khẩu Hợp cốc thâu”, tại sao bệnh ở đầu cổ lại dùng tới huyệt Liệt khuyết ? – Phế kinh tuy chưa tuần hành lên đến đầu cổ, nhưng nó có quan hệ biểu lý với đường kinh Đại trường. Liệt khuyết là “Lạc huyệt” của Phế kinh thông với Đại trường kinh, mà Đại trường kinh chạy từ tay lên đến đầu, chạy lên trên đến cổ gáy miệng răng. Vì thế, Liệt khuyết chuyên trị các bệnh chứng ở đầu cổ. Mặt khác, Phế chủ bì mao của toàn thân, khi ngoại cảm phong hàn cũng thường xuất hiện chứng đau cứng đầu gáy. Huyệt Liệt khuyết nhờ tác dụng sơ phong giải biểu tuyên Phế thông lạc, nên cũng có thể thiện trị ở cổ gáy.

13. “ Kinh Dương Minh Đại Trường chạy dọc theo lỗ mũi, mặt đau, răng đau, má sưng, mắt vàng, miệng khô, mũi chảy nước, mũi chảy máu, họng sưng đau, phía trước vai đau chịu không nổi. Châm huyệt Hợp Cốc + Liệt Khuyết” (Thập Nhị Kinh Trị Chứng Chủ Khách Nguyên Lạc Quyết).

14. “Liệt Khuyết phối hợp Hợp Cốc là theo phương pháp ‘Phối Hợp Nguyên – Lạc’, ‘Phối Hợp Chủ – Khách’, lấy phối hợp theo Tạng Phủ, Kinh Lạc. Dùng phép tả 2 huyệt này, thường để trị ngoại cảm biểu chứng [phong hàn, phong nhiệt nhập Phế hoặc bệnh ở Phế vệ] (Thường Dụng Du Huyệt Lâm Sàng Phát Huy).

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ