Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Tổng hợp bệnh án đái tháo nhạt

by BBT Yhctvn

Bệnh đái tháo nhạt (NDI) là tình trạng Thận không có khả năng cô đặc nước tiểu do giảm khả năng đáp ứng với vasopressin (ADH) của ống thận, dẫn đến bài tiết một lượng lớn nước tiểu pha loãng.

Dưới đây là một số bệnh án chữa đái tháo nhạt bằng y học cổ truyền

Bệnh án Đái tháo nhạt 1

Biện chứng đông y: Tinh khí khuyết tổn, hạ tiêu hư nhược, sự thu nạp của thận không giữ được điều hòa, hạn chế vô quyền.

Cách trị: Tư âm bổ thận, ích khí sinh tân. Đơn thuốc: Gia giảm tam nhân lộc nhung hoàn.

Công thức: 

Đại thục địa 15g Chích hoàng kỳ 12g
Ngũ vị tử 6g Hoài sơn dược 30g
Mạch đông 18g Sơn thù nhục 9g
Nguyên sâm 18g Bổ cốt chỉ 9g
Địa cốt bì 6g Nhân sâm 4,5g
Kê nội kim phấn (sao)3g (chia 2 lần uống với nước thuốc) Lộc nhung phấn 1g (chia hai lần uống với nước thuốc)

Mỗi ngày 1 thang, sắc với nước 2 lần lấy 400ml nước thuốc chia uống 2 lần. Mỗi tuần uống 6 thang.

Hiệu quả lâm sàng:

Bàng XX, nam, 34 tuổi. Vào viện điều trị ngày 18-5-1964. Mắc bệnh từ năm 1963, lúc đầu miệng khô khát, uống nhiều, tiểu tiện nhiều, nước tiểu đục, thân thể mỏi mệt, sau đó bệnh tình ngày càng nặng, mỗi ngày uống tới hơn 10 bình nước, đã uống hơn 80 thang thuốc đông y mà bệnh không khỏi. Càng ngày bệnh nhân càng gầy, thể trọng trước đây nặng 65kg, tụt dần xuống 52,5kg. Tháng 3 năm 1963 vào viện điều trị 2 tháng, chẩn đoán là đái tháo nhạt, cho tiêm Pituitrin, lượng nước tiểu giảm rõ rệt, đỡ khát nước, nhưng kết quả điều trị này không được củng cố. Tháng 5 đến khám lại một bệnh viện tỉnh, vẫn chẩn đoán là đái tháo nhạt. Khám thấy bệnh nhân miệng khô cổ khát, lại kèm váng đầu, mệt mỏi, tức ngực, ra mồ hôi trộm, trong quá khứ lại đã bị di tinh, mặt hơi đỏ, chất lưỡi đỏ sẫm, rêu trắng hơi vàng, mạch bên trái tế nhược, mạch bên phải tế huyền. Một ngày uống tới 4,1 lít nước, lượng nước tiểu lên tới hơn 4 lít. Xét nghiệm thành phần máu bình thường, tỷ trọng nước tiểu 1,002, đường niệu âm tính. Hội chẩn cả mạch và chứng có thể thấy bệnh thuộc chứng tinh khí khuyết tổn, hạ tiêu hư nhược, sự thu nạp của thận không giữ được điều hòa, hạn chế vô quyền. Phải trị bằng tư âm bổ thận, ích khí sinh tân. Cho dùng “Gia giảm tam nhân lộc nhung hoàn”. Bệnh nhân uống được 18 thang, đỡ khô miệng, mất các chứng váng đầu, ra mồ hôi trộm, lượng nước tiểu đã giảm xuống 3,6 lít, như vậy là thuốc đã trúng bệnh. Tuy nhiên lượng nước uống mỗi ngày vẫn còn cao tới 4 lýt, lại tái phát di tinh, 4-5 ngày bị một lần. Lại cho dùng bài thuốc trên nhưng giảm Nguyên sâm, Mạch đông xuống còn 12g, bỏ Phục linh, Ngưu tất, thêm Tang phiêu tiêu 12g, Kim tỏa cố tinh hoàn 18g (sắc cùng). Dùng thêm 33 thang, không thấy tái phát di tinh, thể lực tăng cường, lượng nước uống mỗi ngày giảm tới 3,1lít, lượng nước tiểu giảm xuống 2,7 lít. Xét nghiệm nước tiểu thấy tỉ trọng tăng lên 1,020, đường niệu âm tính. Thể trọng cũng tăng lên tới 62kg. Ngừng thuốc để theo dõi, sau 2 tuần không thấy bệnh tái phát, ngày 8 tháng 8 năm 1964 ra viện.

Bàn luận: 

Từ thực tiễn lâm sàng, chúng tôi thấy dùng bài thuốc Tam nhân lộc nhung hoàn làm cơ sở để điều trị đái tháo nhạt thu được kết quả khá lý tưởng. Trong quá trình điều trị bệnh nhân nêu trên, trước tiên dùng thuốc thấy mặc dù có giảm khô cổ, giảm lượng nước tiểu, nhưng không thấy rõ giảm khát nước, không giảm lượng nước uống vào, lại thêm tái phát di tinh, nếu đổi phép trị sợ không tránh khỏi sai một ly đi một dặm. Vì nghĩ rằng Nguyên sâm, Mạch đông dùng quá nhiều có trở ngại thận dương bốc lên trên thủy khí, Phục linh lợi thủy thẩm thấp, Ngưu tất tuyển đạo hạ hành, càng làm thiếu âm không giữ được, hạn chế vô quyền, tinh dịch chảy xuống phía dưới, cho nên vẫn cho dùng bài thuốc này nhưng giảm bớt lượng Nguyên sâm, Mạch đông, không dùng Phục linh, Ngưu tất, cho thêm Tang phiêu tiêu và Kim tỏa cố tinh hoàn, nên thu được hiệu quả tốt. Từ đó chứng minh rằng khi vận dụng các bài thuốc cổ, không được rập khuôn máy móc, cần phải hiểu cho thấu đáo và vận dụng linh hoạt mới thu được kết quả thật tốt.

Bệnh án Đái tháo nhạt 2

Biện chứng đông y: Thấp đục ẩn bên trong, mất chức năng thăng giáng.

Cách trị: Ích khí cố sáp. Đơn thuốc: Co phao phương.

Công thức: 

Hoàng kỳ 30g Thăng ma 6g
Cát căn 20g Thiên hoa phấn 15g
Tang phiêu tiêu 15g Đoạn mẫu lệ 30g
Ngũ vị tử 12g Bạch truật (sao) 10g
Trần bì 6g Cam thảo 6g

Sắc uống, mỗi ngày 1 thang.

Hiệu quả lâm sàng:

Trương XX, nam, 27 tuổi. Ngày 15-8-1976 do đổ nhà bị thương ở gò má phải, chảy ít máu, hôn mê mất khoảng 2 giờ. Một tuần sau xuất hiện uống nhiều đại nhiều, càng ngày càng trầm trọng, cứ 10 phút lại phải tiểu tiện 1 lần, 1 ngày đêm uống tới 10-12 bình nước. Trước đây người khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh mạn tính. Đã điều trị tại một bệnh viện, dùng nhiều loại thuốc nhưng vô hiệu. Ngày 18 tháng 9 tới khám và điều trị. Khám thấy phía dưới đuôi mắt phải còn vết sẹo dài, mi mắt phải bị nứt hẹp, vùng bị thương hơi sưng, ngực và hai chân có những vết xây sát dài trên da. Tỷ trọng nước tiểu 1,005, đường niệu âm tính, đường huyết 92mg %, Kali huyết 22mg%, Clo huyết 600mg%, Natri huyết 306mg% khả năng kết hợp carbonic 61,7 thể tích %, Nitơ không protein 33mg%. Thành phần máu: bạch cầu 6.200/mm3, trung tính 74%, lympho 26%, các xét nghiệm khác không thấy gì khác thường. Mạch tế xác mà yếu, chất lưỡi đỏ, thân lưỡi nhỏ, rêu vàng khô, thuộc chứng phế thận khí âm đều hư. Cho dùng”Cố phao phương”, tùy theo các triệu chứng mà gia giảm, dùng liên tục hơn 30 thang, các chứng đều lui giảm, lượng nước uống vào từ 10-12 bình giảm xuống 1-2 bình một ngày, tinh thần và ăn uống như bình thường, các xét nghiệm đều hồi phụ bình thường, sau khi ngừng thuốc tiếp tục theo dõi đến ngày 8 tháng 11 ra viện. Sau khi ra viện vẫn tham gia lao động bình thường, tình trạng sức khỏe tốt.

Bệnh đái tháo đường

Biện chứng đông y: Tỳ âm không đủ. Cách trị: Tư âm thanh nhiệt, sinh nhuận, chống khát.

Đơn thuốc: Trị tiêu chí khát thang.  

Công thức: 

Sinh địa 30g Hoài sơn 30g
Thiên hoa phấn 20g Thạch hộc 20g
Tri mẫu 20g Sa sâm 15g
Mạch đông 15g Trạch tả 12g
Ngũ vị tử 6g

Sắc uống, mỗi ngày 1 thang. 

+ Nếu thấy rất đói và khát thêm: Thạch cao (sống), Hoàng liên

+ Nếu khí hư nặng thêm Nhân sâm, Hoàng kì; 

+ Âm tổn cập dương thì thêm Phụ phiến, Nhục quế.

Hiệu quả lâm sàng: Dương XX, nam, 50 tuổi, cán bộ, khát nước, uống nhiều, mỗi ngày uống đến 6 bình nước. Ăn nhiều, chóng đói mỗi ngày ăn 1,2kg gạo, nhiều nước tiểu, uống bao nhiêu đi tiểu bấy nhiêu. Bệnh đã hơn một năm. Thể trọng giảm 12kg so với trước khi bị bệnh. Đầu váng, hụt sức, không thể tiếp tục làm việc được, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng màu vàng mạch tế sác. Xét nghiệm: đường niệu (+++). Đã điều trị bằng thuốc tây D860 và insulin, đồng thời hạn chế thức ăn có đường, nhưng bệnh chỉ đỡ tạm thời, ngừng thuốc lại phát. Vì thế phải tìm đến đông y cho bài “Tri tiêu chí khát thang”. Uống gần 40 thang. Kiểm tra đường niệu (+), ăn uống trở lại bình thường, tiếp tục đi làm. Khuyên bệnh nhân mỗi ngày nấu Sinh địa, Hoài sơn mỗi thứ 50g để ăn, kiên trì trong hơn tháng để củng cố hiệu quả điều trị. Về sau hỏi lại, không thấy tái phát bệnh.

Bàn luận: Trương Tích Thuận cho rằng chứng tiêu khát là do tì âm không đủ gây nên. Lại bảo Sinh địa, Hoài sơn dược đại bổ tì âm, nên bài thuốc trên trọng dụng chúng. Thiên hoa phấn tiêu nhiệt tốt cho thượng tiêu, trung tiêu mà lại chống khát. Thạch hộc giáng hòa cho trung tiêu mà ích vị. Trị mẫu làm cứng âm cho hạ tiêu mà trừ nhiệt. Sa sâm, Mạch động để trị phế vị. Trạch tả lợi thủy, dẫn nhiệt trọc. Ngũ vị tử liễm âm mà sinh tân. Nghiên cứu dược lý hiện đại cũng cho rằng các vị thuốc Địa hoàng, Hoài sơn dược, Trạch tả, Nhân sâm ở các mức độ khác nhau đều có tác dụng giảm đường huyết. Bởi vậy phối hợp như trên đã thu được hiệu quả tốt.

Nguồn: Thiên gia diệu phương

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ