Kim quỹ yếu lược phương luận là phần tạp bệnh trong “Thương hàn tạp bệnh luận” do Y gia Trương Trọng Cảnh viết thời Đông Hán. Dưới đây là phân tích chú giải điều văn 04 – 05 trong Kim quỹ yếu lược phương luận.
Xem thêm
1. Điều văn 04
Sư viết: Bệnh nhân ngữ thanh tịch (yên lặng) nhiên hỷ kinh (sợ) hô giả, cốt tiết gian bệnh; ngữ thanh âm âm nhiên bất triệt giả, tâm cách gian bệnh; ngữ thanh thu thu nhiên tế nhi trường giả, đầu trung bệnh (4).
Giải thích:
– Ngữ thanh tịch nhiên: Bệnh nhân yên tĩnh không nói năng.
– Âm âm nhiên: Hình dung âm thanh thấp nhỏ mà không rõ.
– Thu thu nhiên: Âm thanh nhỏ mà dài.
Dịch nghĩa:
Đoạn này nói về ứng dụng văn chẩn trên lâm sàng. Cốt tiết gian bệnh là chỉ về đau khớp. Do bệnh tại khớp nên chuyển động khó khăn, vận động là đau nên bệnh nhân thường thích yên tĩnh nhưng khi đột nhiên di chuyển thì sẽ gây đau do đó hỷ kinh hu. Tâm cách gian thống là chỉ về bệnh chứng kết hung, tâm bị áo não… Do khí đạo không thông nên phát âm nhỏ mà không rõ. Đầu trung bệnh là chỉ đau đầu, nếu nói to tiếng thì sẽ đau tăng do đó không dám nói lớn, nhưng do hung cách khí đạo bình thường nên nói nhỏ nhưng tiếng rõ và dài.
2. Điều văn 05
Sư viết: tức (hơi thở) dao kiên (vai) giả, tâm trung kiên; tức dẫn hung trung thượng khí giả, khái; tức trương khẩu đoản khí giả, phế nuy thoá mạt. (5)
Dịch nghĩa:
Phương pháp thông qua hô hấp và hình thái để chẩn đoán bệnh. Tức có nghĩa là hô hấp. Tức dao kiên là hô hấp khó khăn phải nhô hai vai mà thở, là bệnh có hư có thực. Tâm trung kiên (cứng) là thực chứng là do thực tà úng tắc tại hung gây khí tắc tại hung trung, khó thở thường kèm theo phập phồng hai cánh mũi, tức ngực và ho, đây là thuộc đàm nhiệt nội uẩn phế khí không thông nên gây ra “Tâm trung kiên”. Nhưng cũng có thể do thận bất nạp khí, nguyên khí hao tán ở phía trên mà dẫn đến “tức dao kiên” chứ không nhất định phải có tâm trung kiên và thường kèm chi lạnh hạn xuất. Tức dẫn hung trung thượng khí giả, khái là hung trung có tà trở tắc khí đạo làm cho phế khí bất giáng, khi hô hấp thì khí thượng nghịch gây ho, trường hợp này đa số gặp ở cảm mạo ho. Tức trương khẩu khí đoản giả: do phế tạng suy nhược không thể chủ (tư) hô hấp cho nên phải há miệng mà thở mà vẫn cảm thấy thiếu khí nên lại tiếp tục há miệng thở và cảm giác khí đoản.
Khái thổ diên mạt: Nguyên nhân gây phế nuy thường do thượng tiêu hữu nhiệt thêm vào đó có ho lâu ngày nên phế khí suy nhược bất chấn, không thể phân bố tân dịch, tân dịch bị tà hỏa bức bách nên khạc ra đàm bọt rất nhiều