Kim quỹ yếu lược phương luận là phần tạp bệnh trong “Thương hàn tạp bệnh luận” do Y gia Trương Trọng Cảnh viết thời Đông Hán. Dưới đây là phân tích chú giải điều văn 01 trong Kim quỹ yếu lược phương luận.
- Xem thêm: Kim quỹ yếu lược: điều văn 02
Mục Lục
1. Điều văn 01
Vấn viết: Thượng công trị vị bệnh, hà dã?
Sư viết: phu trị vị bệnh giả, kiến can chi bệnh, tri can chuyển tỳ, đương tiên thực tỳ, tứ quý tỳ vượng bất thọ tà, tức vật bổ chi; trung công bất hiểu tương truyền, kiến can chi bệnh, bất giải thực tỳ, duy trị can dã.
Phu can chi bệnh, bổ dụng toan, trợ dụng tiêu khổ, ích dụng cam vị chi dược điều chi, toan nhập can, tiêu khổ nhập tâm, cam nhập tỳ. Tỳ năng thương thận, thận khí vi nhược, tắc thủy bất hành; thủy bất hành, tắc tâm hỏa khí thịnh; tâm hỏa khí thịnh, tắc thương phế, phế bị thương, tắc kim khí bất hành; kim khí bất hành, tắc can khí thịnh. Cố thực tỳ, tắc can tự dũ. Thử trị can bổ tỳ chi yếu diệu dã. Can hư tắc dụng thử pháp, thực tắc bất tái dụng chi.
Kinh viết: “Hư hư thực thực, bổ bất túc, tổn hữu dư”, thị kỳ ý dã. Dư tạng chuẩn thử.
2. Khảo đính và giải thích từ
“Toan nhập can… bổ tỳ chi yếu diệu dã”: theo cuốn Nhật Bản bảo lịch lục niên (1756) thì chữ thương ghi là chế.
“Hư hư thực thực” bốn chữ theo Vương Băng nên ghi là vô hư hư, vô thực thực.
- Thượng công: Chỉ người thầy thuốc cao minh
- Trị vị bệnh: Ở đây là chỉ trị tạng phủ chưa bệnh
- Thực tỳ: Điều bổ tỳ tạng
- Tứ quý tỳ vượng: Tỳ thuộc thổ, thổ ký (gởi) vượng ở tứ quý do đó nói vậy. “Tố Vấn – Thái dương minh luận” nói: Tỳ thổ chủ (trị) trung ương, thường dĩ tứ thời trưởng tứ tạng, các thập bát nhật ký trị, bất đắc độc chủ vu thời dã. Tức là 18 ngày cuối các tháng 3, 6, 9, 12 là lúc tỳ vượng. Ở đây có thể lý giải là một năm 4 bốn mùa lúc nào tỳ cũng vượng.
- Thận khí vi nhược: Chỉ về âm hàn thủy khí của thận không vượng mà gây bệnh. Thận khí ở đây và Thận khí thượng xung trong thiên Thủy khí bệnh điều 12 đều là chỉ tà khí của thận (Thận chi tà khí).
3. Dịch nghĩa
Điều văn này xuất phát từ quan niệm chỉnh thể đã luận thuật về pháp tắc điều trị tạp bệnh.
Đầu tiên nói về tác dụng tương hỗ chế ước, tương hỗ tư sinh giữa các tạng phủ, khi một tạng có bệnh có thể ảnh hưởng tới các tạng khác. Khi điều trị cần phải chiếu cố tới chỉnh thể, trị tạng phủ chưa bệnh để đề phòng bệnh truyền biến. Ví dụ thấy can tạng bệnh thì cần phải biết rất dễ chuyển tới tỳ. (Tố Vấn. Ngũ vận hành đại luận nói: Khí hữu dư, tắc chế (ức chế) kỳ sở thắng, nhi vũ kỳ sở bất thắng). Đồng thời nói việc trị can phải chú ý tới điều bổ tỳ tạng, đây là trị vị bệnh. Mục đích là làm cho tỳ tạng chính khí sung thực đề phòng can bệnh chuyển tỳ. Nếu tỳ tạng khí vốn vượng thịnh thì không cần thực (bổ) tỳ, điều này nói lên bất kỳ phương pháp điều trị nào cũng cần phải linh hoạt sử dụng chứ không phải trước sau bất biến. Ngược lại nếu thấy can bệnh mà không thực tỳ mà chỉ đi chữa can thì là đã bỏ đi quan niệm chỉnh thể trong phương pháp điều trị, tất sẽ không đạt được kết quả mong muốn.
Thứ hai đã chỉ ra khi chữa bệnh phải phân biệt hư thực, vẫn lấy can bệnh làm ví dụ để giải thích. Can bệnh thì khi muốn bổ cần dùng toan, muốn trị can dùng tiêu khổ, muốn ích can thì dùng cam dược, đây là phương pháp điều trị can hư. Vị toan (chua) nhập can, can hư thì dùng thuốc có vị toan để bổ can. Thuốc có vị tiêu (cháy) khó có thể nhập tâm, tâm vi can chi tử, tử năng lệnh mẫu thực (can là mẹ tâm là con, tạng con có thể làm khỏe tạng mẹ). Do đó muốn trợ can dùng thuốc có vị tiêu khổ. Thuốc có vị cam có thể điều hòa trung khí cho nên ích can dùng thuốc có vị cam. Nói về can thực bệnh chứng thì phải tả can cố (chiếu cố) tỳ chứ không dùng phương pháp trên. “Toan nhập can… chi yếu diệu dã”, 17 chữ, là giải thích phương pháp chữa can hư dùng toan cam tiêu khổ pháp. Khi can mộc hư thì phế kim sẽ vũ kỳ sở thắng, đây là quy luật ngũ hành chế hóa. Do đó trước khi phế kim chưa vũ can mộc thì dùng thuốc có vị toan để bổ can mộc, dùng vị thuốc tiêu khổ để trợ tâm hỏa.
Trợ tâm hỏa có 3 ý nghĩa:
- Thứ nhất tâm vượng có thể cảm khí vu can (nhận khí từ can).
- Thứ hai tâm vượng có thể bất tiết (không làm tiết) can khí.
- Thứ ba tâm hỏa vượng có thể chế ước phế kim, phế kim bị ước chế thì mộc không bị khắc nên can bệnh sẽ tự khỏi. Trong phương pháp này còn dùng thuốc có vị cam để điều hòa tỳ thổ, mục đích là bổ thổ chế thủy làm cho âm hàn thủy khí của thận không kháng gây hại thì thủy không lăng tâm, khi thiếu hỏa của tâm vượng thịnh sẽ ước chế phế kim và can mộc không bị thừa vũ bởi phế kim mà tự khỏi: Vả lại thổ còn có thể vinh (nuôi) mộc, tỳ khí thịnh vượng sẽ giúp cải thiện bệnh biến can hư. Qua đó có thể thấy 17 chữ này của Trọng Cảnh xuất phát từ quan niệm chỉnh thể, sự tương liên các tạng phủ, căn cứ vào nguyên lý ngũ hành sinh khắc chế hóa, dùng điều bổ trợ ích pháp chữa bệnh từ nhiều tạng phủ để đạt mục tiêu điều chỉnh can hư. Nhưng cũng cần chú ý chữ “thương” ở đây không thể giải thích là thương tổn hại mà phải lý giải nó là chế ước.
Đoạn cuối dẫn dụng kinh văn để kết luận trị pháp hư và thực. Không thể hư chứng dùng tả pháp, thực chứng dùng bổ pháp sẽ làm hư càng hư thêm, thực càng thực thêm. Tất phải hư giả bổ chi, thực giả tả chi; bổ kỳ bất túc, tổn kỳ hữu dư, mới là chính trị. Can bệnh thì như vậy, các tạng khác cũng làm giống vậy nên có câu “Dư tạng chuẩn thử”.
4. Lời bàn về điều văn 01
Luận thuật của điều văn này rất có giá trị chỉ đạo trên lâm sàng. Trên. lâm sàng khi gặp can bệnh thì thường thấy trước nhất là: chóng mặt, đau sườn, tức ngực, mạch huyền sau đó mới xuất hiện ăn uống giảm, mệt mỏi, uể oải (phạt lực), tiêu chảy, rêu lưỡi trắng… (chứng của tỳ), khi điều trị nếu có thể chiếu cố tới tỳ thì sẽ nhận được kết quả như ý.
Tỳ là hậu thiên chi bản là nguồn sinh hóa của dinh vệ khí huyết, chức năng tạng tỳ tốt hay xấu trực tiếp ảnh hưởng bệnh bình phục hoặc ác hóa. Đối với chứng can thực nếu có kèm tỳ hư thì tất nhiên phải thực tỳ, nhưng nếu khi tỳ không hư thì khi tả can cũng phải chiếu cố tỳ tạng. Ví dụ dùng khổ hàn tả can cũng cần chú ý đừng thái quá sẽ tổn thương tỳ khí, tất phải nắm kỹ liều lượng. Ví dụ khác về bài Tiêu dao tán sơ can giải uất của hậu thế thì trong phương có dùng bạch truật, chích thảo… là tả can mà kiêm cố tỳ. Đối với chứng can hư thì càng phải đặc biệt củng cố tỳ vì “Bồi thổ để vinh mộc”. Hậu thế căn cứ vào tinh thần điều văn này với nguyên tắc toan cam tiêu khổ hợp dùng mà chọn bạch thược, ngũ vị tử, sơn thù nhục, toan táo nhân, đương quy, đan sâm, địa hoàng… phối ngũ với chính cam thảo, hoài tiểu mạch, đại táo để chữa hoa mắt chóng mặt, thị lực giảm, mất ngủ mơ nhiều, lưỡi quang đỏ, mạch huyền tế… của can hư chứng, đây cũng là bổ can cố tỳ chi pháp. Nhưng cũng cần nói rõ cố tỳ không chỉ dùng thuốc bổ mà cũng cần dùng thêm thuốc kiện tỳ trợ vận hóa mới đủ ý chữ cố tỳ.
5. Tiểu kết
Tóm lại can hư thì bổ can cố tỳ; can thực thì tả can cố tỳ. Can bệnh suy có hư có thực nhưng kiêm cố tỳ tạng thì đều giống nhau. Phương pháp điều trị can của hậu thế là trị can hư dùng tư thủy hàm mộc, dưỡng huyết nhu can. Trị can thực dùng thanh can ninh phế, sơ can thực tỳ pháp… Khi cụ thể vận dụng những pháp này đều nên chú ý cố tỳ, đó là một khâu quan trọng trong nguyên tắc điều trị.