Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Kim quỹ yếu lược: điều văn 02

by BBT Yhctvn

Kim quỹ yếu lược phương luận là phần tạp bệnh trong “Thương hàn tạp bệnh luận” do Y gia Trương Trọng Cảnh viết thời Đông Hán. Dưới đây là phân tích chú giải điều văn 02 trong Kim quỹ yếu lược phương luận.

Xem thêm

1. Điều văn 02

Phu nhân (con người) bẩm ngũ thường, nhân (do) phong khí nhi sinh trưởng, phong khí tuy năng sinh vạn vật, diệc năng hại vạn vật, như thủy năng phù châu (làm nổi thuyền), diệc năng phúc châu (lật thuyền). Nhược ngũ tạng nguyên chân thông sướng, nhân (con người) tức an hòa. Khách khí tà phong, trúng nhân đa tử. Thiên ban sấn nạn, bất việt tam điều: nhất giả, kinh lạc thọ tà, nhập tạng phủ, vi nội sở nhân dã; nhị giả tứ chi cửu khiếu, huyết mạnh tương truyền, úng tắc bất thông, vi ngoại bì phu sở trúng dã; tam giả, phòng thất, kim đao, trùng thú sở thương. Dĩ thử tường chi, bệnh do đô (đều) tận.

Nhược nhân năng dưỡng thận (thận trọng), bất lệnh tà phong cán ngỗ (ngang ngược) kinh lạc; thích (nếu) trúng kinh lạc, vị (chưa) lưu truyền tạng phủ, tức y trị chi. Tứ chi tài giác (mới cảm giác) trọng trệ, tức đạo dẫn, thổ nạp, châm cứu, cao ma, vật (đừng) lệnh cửu khiếu bế tắc; cánh năng (càng không thể) vô phạm vương pháp, cầm thú tai thương, phòng thất vật lệnh kiệt chi, phục thực tiết kỳ lãnh, nhiệt, khổ, toan, tân, cam, bất di hình thể hữu suy, bệnh tắc vô do nhập kỳ tấu lý. Tấu giả, thị tam tiêu thông hội nguyên chân chi xứ, vi huyết khí sở chú; lý giả thị bì phu tạng phu chi văn lý dã

2. Giải thích từ

  • Nhân bẩm ngũ thường: Bẩm túc là nhận. Ngũ thường là ngũ hành.
  • Phong khí: Chỉ về khí hậu của tự nhiên.
  • Nguyên chân: Là nguyên khí và chân khí.
  • Sấn nạn: Tức là bệnh tật.
  • Khách khí tà phong: Phía ngoài tới gọi là khách; tà tức là bất chính, tức là nói về khí hậu bất thường có thể gây bệnh cho người.
  • Đạo dẫn: Tự mình xoa bóp co duỗi tay chân để giải trừ mệt mỏi gọi là đạo dẫn. Còn do người khác làm cho mình thì gọi là án ma.
  • Thổ nạp: Một phương pháp dưỡng sinh là điều chỉnh hô hấp.
  • Cao ma: Dùng thuốc cao xoa bên ngoài cơ thể.
  • Vô phạm vương pháp: Vương pháp tức là pháp lệnh của quốc gia, ý là không vi phạm thì không bị hình phạt.
  • Phục thực: Tức là y phục và ẩm thực phải thích hợp hàn ôn.

3. Dịch nghĩa

Điều văn này xuất phát từ quan niệm chỉnh thể con người và tự nhiên có mối quan hệ tương quan đã luận thuật về nguyên nhân phát bệnh, nhấn mạnh phòng bệnh hơn chữa bệnh và có bệnh thì sớm trị.

Đầu tiên nói về khí hậu bình thường có thể thúc đẩy sinh trưởng vạn vật, khí hậu bất thường có thể tổn hại vạn vật, và con người cũng không ngoại lệ, nhưng đồng thời cũng chỉ ra con người có thể cải tạo được tự nhiên và bệnh cũng có thể phòng được, chỉ cần chân khí của ngũ tạng sung thực, dinh vệ thông suốt, khả năng kháng bệnh mạnh thì “Chính khí tồn nội, tà bất khả cán”. Chỉ trong trường hợp chính khí bất túc thì tà khí mới thừa cơ hội hư mà xâm nhập gây nguy hại cho cơ thể thậm chí gây tử vong.

Thứ hai nói lên chủng loại bệnh tuy nhiều nhưng nguyên nhân không ngoài ba thứ. Một là kinh lạc thọ tà sẽ truyền nhập tạng phủ, đây là tà khí thừa hư nhập nội. Hai là bì phu thọ tà chỉ truyền chú trong huyết mạch làm cho tứ chi cửu khiếu bế tắc không thông, đây là bệnh tại ngoại. Thứ ba là do phòng thất, kim dao, trùng thú tổn thương cơ thể khác với hai nhân tố gây bệnh trước.

Đoạn sau nói kỹ về việc khi con người có thể dưỡng sinh phòng bệnh thì tà khí sẽ không xâm nhập kinh lạc được. Nhưng chỉ một chút (lúc) không cẩn thận thì tà cũng sẽ nhập trúng kinh lạc và cần phải trị sớm nhân cơ hội tà chưa truyền tạng phủ. Ví dụ tứ chi mới cảm giác nặng nề thì lập tức phải dùng đạo dẫn, thổ nạp, châm cứu và cao ma… điều trị, đừng bao giờ làm cho cửu khiếu bế tắc không thông mới trị. Lúc bình thường chỉ cần chú ý điều tiết chuyện phòng thất, ăn uống, sinh hoạt hàng ngày, và tránh những tổn hại ngoài ý muốn thì sẽ làm cho thể lực cường tráng thì tất cả nhân tố gây bệnh sẽ không nhập tấu lý. Tấu lý là một dạng tổ chức của cơ thể do tam tiêu chủ, có liên hệ chặt chẽ với bì phu, tạng phủ, nó là nơi tập trung (tương hội) của nguyên chân và cũng là nơi khí huyết lưu chú (chảy vào) khi sức đề kháng giảm thì nó là nơi (môn hộ) để ngoại tà xâm nhập.

4. Lời bàn về điều văn 02

Điều văn trước nói về giữa các tạng phủ có mối liên hệ chỉnh thể hữu cơ. Đoạn này cũng nói lên con người và hoàn cảnh tự nhiên tồn tại mối quan hệ thống nhất không thể phân chia, hai đoạn đã dùng ví dụ giải thích về quan niệm chỉnh thể và dùng nó để luận thuật giữa tạng và phủ bệnh trước sau và quy luật truyền biến trước sau giữa tạng phủ và kinh lạc, nói rõ việc không bệnh thì phải phòng bệnh, có bệnh thì sớm trị.

Đoạn này phân chia nguyên nhân gây bệnh tạng phủ, kinh lạc tạng phủ thành nội ngoại nhân đồng thời với nhấn mạnh chính khí cũng không bỏ qua “khách khí tà phong”, cho là tà từ kinh lạc nhập tạng phủ ở trong thì thuộc nội, tà do bì phu truyền huyết mạch là nông thuộc ngoại. Còn phòng thất, kim đao… không liên quan tới khách khí tà phong và truyền biến kinh lạc tạng phủ. Học thuyết tam nhân của hậu thế Trần Vô Trạch đã nêu lên lục dâm ngoại cảm là ngoại nhân, ngũ tạng tình chí tổn thương là nội nhân, phòng thất kim đao là bất nội bất ngoại nhân, so với căn cứ lập luận ở đoạn này có chỗ không giống do đó ta nên phân biệt.

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ