Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Bát chính tán

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Bát chính tán – Xuất xứ Hoà tễ cục phương – Công dụng: Thanh nhiệt tả hoả, lợi thuỷ thông lâm, chủ trị chứng Thấp nhiệt lâm

1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị

Hoạt thạch (quân) 16-40g Mộc thông (quân) 4-8g
Bán hạ(thần) 4-8g Hậu phác (thần) 12-20g
Xa tiền tử (thần) 12-20g Biển súc (thần) 12g
Cù mạch (thần) 12g Cam thảo (sứ) 4-12g
Sơn chi tử (tá) 8-12g Đại hoàng (tá) 8-12g

Cách dùng: Tán bột, mỗi lần uống 8-12g với nước sắc Đăng tâm (sứ).

Có thể làm thuốc thang sắc uống.

Tác dụng: Thanh nhiệt tả hoả, lợi tiểu thông lâm. 

Chủ trị: Trị thấp nhiệt hạ chú ở bàng quang, tiểu dắt, tiểu nhỏ giọt, nước tiểu đỏ, tiểu buốt, niệu đạo viêm nóng đau.

Kiêng kỵ: Người âm hư, tân dịch hư không dùng.

2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng

Phân tích bài thuốc

Trong bài thuốc Bát chính tán: Cù mạch có tác dụng lợi thuỷ thông lâm, thanh nhiệt lương huyết; Mộc thông lợi thuỷ giáng hỏa là chủ dược; Biển súc, Xa tiền tử, Hoạt thạch, Đăng tâm thanh nhiệt lợi thấp thông lâm; Chi tử, Đại hoàng thanh nhiệt tả hoả; Cam thảo điều hoà các vị thuốc.

Ứng dụng lâm sàng

Là bài thuốc chính trị các chứng nhiệt lâm, thạch lâm, có các chứng lâm sàng: tiểu dắt, tiểu ít, tiểu buốt, tiểu nhiều lần, bụng dưới đầy, miệng táo, họng khô, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Sác có lực.

Trên lâm sàng dùng bài này trị các bệnh viêm bàng quang, viêm niệu đạo, sỏi đường tiết niệu có hội chứng thấp nhiệt chứng thực.

Có thể dùng trị các bệnh viêm cầu thận cấp, viêm thận, bể thận cấp, có hội chứng thấp nhiệt để thanh nhiệt, lợi tiểu, tiêu phù.

Gia giảm: 

+ Tiểu ra máu, thêm Tiểu kế, Hạn liên thảo, Bạch mao căn để lương huyết, chỉ huyết.

+ Nếu có sạn ở đường tiểu, tiểu đau, thêm hải kim sa, Kim tiền thảo, Kê nội kim để thông lâm, hoá thạch.

+ Tiêu lỏng bỏ Đại hoàng. 

Bài này có chỉ định chính là chứng lâm thực nhiệt, nếu chứng lâm đã lâu ngày cơ thể hư, cần thận trọng chú ý mặt phù chính và gia giảm cho thích hợp.

Lâm sàng hiện nay.

  • Trị viêm đường tiểu: Trị 91 ca. Kết quả: Loại thấp nhiệt khỏi 89.7%, loại nhiệt độc khỏi 76.9% (Hồ Bắc y học viện học báo 3, 1981).
  • Trị bí tiểu: Trị sinh xong bị bí tiểu 32 ca. Kết quả: Sau 4 giờ, tiểu được 15 ca, 4-8 giờ, sau khi uống 2-5 thang, khỏi 17 ca (Xích cước y sinh tạp chí 12, 1976).
  • Trị viêm thận: Trị 25 ca cấp tính. Trung bình uống 2-3 tuần (Cáp Nhĩ Tân trung y 9, 1960).

3. Trích dẫn y văn

> Thông điều đường nước thông xuống bàng quang là chức năng của tam tiêu. Tàng trữ tân dịch, khí hoá ra ỉà chức năng của bàng quang.

Nếu đường nước không xuống thì đọng tại ở trong gây nên suyễn trướng, tràn ra ngoài thành phù thũng, là bệnh của tam tiêu vậy. Nếu nhận chứa mà không hoá thì sinh ra các chứng tiểu dắt, tiểu són mà đau, tiểu tiện không thông là bệnh của bàng quang. Sách ‘Nội kinh’ viết: ‘Âm không có dương thì không lấy gì làm sinh, dương không có âm thì không lấy gì làm hoá cho nên âm dương có chênh lệch đểu không sinh hoá. Dương thịnh âm hư mà khí bàng quang không hoá sinh bệnh là chứng của ‘Thông quan hoàn’. Âm thịnh dương hư, khí bàng quang không hoá mà sinh bệnh là chứng của ‘Thận khí hoàn’. Đó là bệnh do khí hoá âm dương vậy. Sách ‘Nội kinh’ viết: Hạ tiêu hư thì sẽ bị tiểu són, lại cho rằng bàng quang không ước thúc thì sẽ bị tiểu són. Sách ‘Nội kinh’ ghi: Bàng quang không thông lợi thì thành chứng lung (bí tiểu). Cho nên hư hàn thì tàng được mà không giữ chặt được, thực mà nhiệt thì giữ chặt được mà không tiết được. Bàng quang khí hư không có khí để giữ cho kiên cố thì tàng trữ mà không giữ chặt, không tự chủ được, chứng tiểu són sẽ phát ra, là chứng của trung cố chân không. Bàng quang khí nhiệt, ủng kết không thông thì giữ chặt không cho ra, bệnh tiểu gắt, bí tiểu phát sinh, là chứng của ‘Bát chính tán’, ‘Ngũ lâm tán’. Đó không hoàn toàn thuộc về khí hoá, mà lại thuộc về hư hàn thực nhiệt sinh bệnh. ‘Bát chính’, ‘Ngũ lâm’ đều là những bài thuốc trị tiểu dắt, tiểu bí nhưng có phân biệt nặng nhẹ. Nhẹ thì có nhiệt mà chưa kết, tuy thấy các chứng tiểu dắt, nước tiểu đỏ như nước đậu, có sạn, sỏi hoặc đặc như keo, có máu, khó tiểu, nhưng đau còn nhẹ, bệnh không gấp, nên dùng ‘Ngũ lâm tán’ để đơn thuần thanh đường nước, cho nên lấy Chi, Linh thanh nhiệt mà thông đường nước; Quy, Thược ích âm mà hoá dương. Lại thêm Cam thảo làm tá để điều hoà âm dương, mà dùng Thảo tiêu là ý trị tiền âm. Chứng nặng là nhiệt đã kết thực, không những đau nhiều thế gấp mà đại tiện cũng không thông, nên dùng bài thuốc Bát chính tán tả cả tiền âm, hậu âm, cho nên trong đội ngũ thuốc trị tiền âm, thêm Đại hoàng để công thẳng vào hậu âm. Bài của Đan Khê thêm Mộc hương ý cũng là lấy khí hoá chăng? (San bổ danh y phương luận).

> Bài này trị bệnh lâm, là chứng thấp nhiệt dồn xuống. Thấp nhiệt dồn xuống súc tích ở bàng quang thì đường nước không thông lợi, tiểu tiện nóng, dắt, buốt, đau, thậm chí bế tắc không thông, cho nên dùng bài thuốc thanh nhiệt lợi thuỷ làm cho tà khí theo mà đi xuống thì lung bế tự thông. Tà nhiệt đốt bên trên, nung nấu hao tổn tân dịch cho nên cổ họng khô miệng ráo, khát muốn uống nước lạnh. Dùng bài này tả nhiệt ở tiểu trường, làm cho nhiệt tà đi xuống ra ngoài thì âm dịch có thể đi lên, cho nên các chứng đểu hết (Thượng Hải phương tễ học).

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ