Phương pháp dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập gồm có 4 mục đích đó là: Bồi bổ sức khỏe. Dự phòng bệnh tật; Điều trị bệnh mạn tính; Kéo dài tuổi thọ. Bốn mục đích này quan hệ hữu cơ với nhau. Dưới đây tôi xin giời thiệu tới quý bạn đọc 63 động tác dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng. Phần 7 các động tác với tư thế ngồi thòng chân
Tiếp theo của phần 6: Tư thế ngồi không hoa sen
Mục Lục
– Ðộng tác 48: Xoa tam tiêu
Tam tiêu chia cơ thể làm ba vùng: vùng bụng dưới (hạ tiêu) vùng bụng trên (trung tiêu) và vùng ngực (thượng tiêu).
– Ở vùng bụng dưới có bộ sinh dục, bọng đái, ruột già, ruột non, đảm rối thần kinh hạ vị.
– Ở vùng bụng trên có dạ dày, ruột non, tuy tang (lá mía) đám rối thần kinh, gan và lách.
– Ở vùng ngực có tim, phổi, đám rối thần kinh tim và phổi.
Xoa hạ tiêu: một tay nắm lại, tay kia úp lên trên để giúp sức. Xoa vòng theo một chiều 10 – 20 lần và ngược lại cũng 10 – 20 lần tuỳ sức, thở tự nhiên.
Xoa trung tiêu:
a/ Tay nắm lại, tay kia úp lên trên để giúp sức, xoa 10 -20 lần mỗi chiều. Thở tự nhiên. (Hình 48a).
b/ Vuốt từ vùng xương sườn cụt theo bờ sườn đến vùng mỏm xương ức, thay phiên nhau mỗi bên 10 – 20 lần. (Hình 48b, 48c). Có ảnh hưởng đến gan mật và lá lách.
Xoa thượng tiêu: Ðặt bàn tay ngay ra úp lên ngực, bàn tay kia úp chồng lên, hai cánh tay ốp vào lồng ngực rồi xoa vòng tròn theo một chiều 10 – 20 lần rồi đổi theo chiều ngược lại 10 – 20 lần. Thở tự nhiên.
– Ðộng tác 49 : Xoa vai tới ngực.
Mỗi vùng xoa từ vai tới ngực độ 10 – 20 lần. Bàn tay úp lại, các ngón tay ngay ra mà xoa đi lần lần từ ngoài vai tới trong cổ. Thở tự nhiên.
Chú ý huyệt Ðại chuỳ là một huyệt hội rất quan trọng ở dưới gai đốt sống cổ thứ 7.
– Ðộng tác 50: Xoa vùng bã vai dưới tới ngực
Bàn tay một bên luồn dưới nách ra tới bã vai sau, rồi từ bã vai xoa mạnh rồi kéo qua tới vùng ngực. Thay phiên nhau xoa từ vai tới ngực 10 – 20 lần. Thở tự nhiên.
– Ðộng tác 51: Xoa vòng ngực, thân bên và bụng
Lấy tay bên này luồn dưới nách qua bên kia tới tận phía sau lưng; đầu, thân mình cũng quay hẳn sang phía ấy rồi vuốt ngang qua vùng ngực đến bên này, đồng thời đầu, thân mình cùng quay theo đến cực độ về hướng đó, cổ và mắt cố gắng ngó cực độ phía sau lưng. Ðổi tay và cùng làm động tác y như vậy, dần dần từ trên ngực hạ thấp từng mức đến bụng dưới, mỗi chỗ từ 5 – 10 lần. . Cuối cùng vuốt bụng từ dưới lên trên 5 – 10 lần. Thở tự nhiên.
– Ðộng tác 52: Xoa chi trên, phía ngoài và trong
Tư thế ngồi như trước, xoa phía ngoài vùng vai, vùng cánh tay, cẳng tay và bàn tay, trong lúc bàn tay để úp, xong lật ngửa bàn tay, tiếp tục xoa phía trong từ bàn tay lên cẳng tay, cánh tay, vai độ 10 – 20 lần rồi đổi tay xoa bên kia. Thở tự nhiên.
– Ðộng tác 53: Xoa chi dưới, phía trên và dưới
Hai tay để lên 4 bên đùi, xoa từ trên xuống dưới của phía trước đùi và cẳng chân tới mắt cá, trong lúc chân dần dần giơ cao.
Rồi hai tay vòng ra phía sau cổ chân, tiếp tục xoa phía sau từ dưới lên tới đùi, trong lúc chân từ từ hạ xuống. Tay trong vòng lên phía trên đùi, tay ngoài vòng ra phía sau, xoa vùng mông để rồi vòng lên phía trên cùng với bàn tay trong tiếp tục xoa như trên từ 10 – 20 lần. Bên kia cũng xoa như thế. Thở tự nhiên.
– Ðộng tác 54: Xoa bàn chân
a/ Xoa lòng bàn chân; hai lòng bàn chân xoa mạnh cha sát với nhau độ 10 – 20 lần. Thở tự nhiên.
b/ Xoa phía trong bàn chân; phía trong bàn chân bên này để lên phía trong của bàn chân bên kia, chà xát từ trên xuống và từ sau ra trước, tự nhiên bàn chân bên kia nằm trên phía trong bàn chân này, chà xát như trên và thay đổi nhau từ 10 – 20 lần.
c/ Phía ngoài bàn chân bên này chà lên mu bàn chân bên kia chà tới chà lui 10 – 20 lần rồi đổi chân chà như trên 10 – 20 lần. Thở tự nhiên.
Tới đây đã xoa xong chi trên và chi dưới.
Trên đây ta tập xong ở tư thế ngồi thông chân và đã xoa khắp cơ thể trừ vùng đáy chậu. Bây giờ ta đứng dậy để tiếp tục tập.
Tác giả: GS-BS Nguyễn Văn Hưởng
Xem thêm:
- Các động tác nằm sấp
- Các động tác nằm ngửa
- Các động tác tư thế ngồi
- Động tác tập đốt sống trên
- Tập cột sống thắt lưng
- Các động tác tư thế đứng