Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

63 động tác dưỡng sinh (phần 3)- Các động tác tư thế ngồi

by Nguyễn Văn Hưởng

Phương pháp dưỡng sinh là một phương pháp tự luyện tập gồm có 4 mục đích đó là: Bồi bổ sức khỏe. Dự phòng bệnh tật; Điều trị bệnh mạn tính; Kéo dài tuổi thọ. Bốn mục đích này quan hệ hữu cơ với nhau. Dưới đây tôi xin giời thiệu tới quý bạn đọc 63 động tác dưỡng sinh của bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng.

Tiếp theo của phần 2: Các động tác nằm sấp

Phần 3: Các động tác tư thế ngồi

– Động tác 15: Ngồi hoa sen

Kiểu này khó nhất, tác dụng nhất, nhưng lúc đầu đau nhất, máu chảy khô nhất, tê rần nhất; song tập quen thì máu và thần kinh lần lần hoạt động tốt trong bất cứ tư thế nào. Hai bàn tay để lên 2 đầu gối, lưng thật ngay rồi bắt đầu thở : hít vô, thắt lưng ễn càng tốt; giữ hơi, làm dao động qua lại, càng hít vô thêm từ 2 – 6 cái; thở ra bằng cái vặn tréo thân mình ngó ra phía sau bên này, đuổi hết khí trọc trong phổi ra. Rồi ngồi ngay lại như trước, bắt đầu một hơi thở thứ nhì : hít vô, giữ hơi và dao động 2 – 6 cái; thở ra bằng cách vặn tréo người ngó ra phía sau bên kia. Làm như thế từ 2 – 4 hơi thở.

ngồi hoa sen

– Ðộng tác 16: Xoa mặt và đầu

Chuẩn bị: Hai tay chắp lại rất mạnh rồi lăn tròn bàn tay, chung quanh cái trục hai cẳng tay giao nhau, đến mức tối đa phía trên phía dưới từ 2 – 4 lần.

Tác dụng: Làm cho khớp cổ tay khoẻ lên và dẻo dai, bớt nhức mỏi. (Hình 16). Xong xát hai bàn tay vào nhau cho mạnh và nhanh cho hai bàn tay thật nóng.

Ðộng tác: Ðầu ngưỡng về phía sau, hai tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên đến đỉnh đầu, đồng thời đầu dần dần cúi xuống ót, đầu ngưỡng hẳn về phía sau, hai tay xoa hai bên cổ và áp vào cằm. Tiếp tục xoa lại như trước, từ 10 – 20 lần. Trong động tác này, thở tự nhiên.

động tác dương sinh

– Ðộng tác 17 : Xoa hai loa tai

Chuẩn bị: Hai loa tai có những huyệt châm để trị nhiều bệnh của toàn cơ thể, vậy việc xoa hai loa tai rất cần thiết để điều hòa trong cơ thể, phòng bệnh và trị bệnh. Ðể hai tay úp vào 2 bên má trước loa tai.

Ðộng tác: Xoa bàn tay về phía sau áp vào loa tai, khi bàn tay qua khỏi loa tai rồi, thì xoa trở lại áp vào loa tai cho đến má. Xoa từ 10 – 20 lần cho ấm cả loa tai. Thở tự nhiên.

Xoa hai loa ta

– Ðộng tác 18: Áp vào màng nhĩ

Chuẩn bị: Úp hai lòng bàn tay vào 2 loa tai cho sát, cho khít chừng nào tốt chừng nấy, để cho kín hơi.

Ðộng tác: Ấn mạnh vào lỗ tai cho hơi trong lỗ tai tăng áp suất và áp vào màng nhĩ, rồi buông hai tan ra cùng một lúc để cho màng nhĩ trở về chỗ cũ. Làm như thế từ 10 đến 20 lần. Ðộng tác này làm tốt thì nghe có tiếng “chít, chít”, vì khi áp hai bàn tay vào được khít thì hơi thoát ra kêu “chít, chít”.

Tác dụng: Ðộng tác này có tác dụng đến tai giữa và tai trong vì màng nhĩ chuyển rung động đến dây chuyền  xương nhỏ ở tai giữa đến cửa sổ hình bầu dục ở tai trong, làm cho các xương vận động đều, không xơ cứng và làm cho khí huyết lưu thông vào tận đến trong óc có thể làm bớt cứng tai, bớt lùng bùng, lỗ tai nghe rõ hơn.

động tác Áp vào màng nhĩ

– Ðộng tác 19: Ðánh trống trời

Chuẩn bị: Hai lòng bàn tay ốp vào hai lỗ tai cho kín, ngón tay để lên xương chẩm.

Ðộng tác: Lấy ngón tay trỏ để lên ngón tay giữa rồi dùng sức bật cho ngón tay trỏ đánh mạnh vào xương chẩm, như “đánh trống trời” xương chẩm : tiếng vang rất lớn vì chuyền trực tiếp bằng con đường xương vào tai trong. Nếu muốn so sánh tai hai bên thì nên đánh so le coi bên nào tiếng tốt hơn. Ðánh độ 10 – 20 lần.

Tác dụng: Ðộng tác này để phòng bệnh và chữa bệnh ở tai trong.

động tác đánh trống trời

– Ðộng tác 20: Xoa xoang và mắt

a/ Xoa xoang:

Chuẩn bị: Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa của 2 bàn tay đặt lên phía trong lông mày.

Ðộng tác: Xoa vòng tròn từ phía trong lông mày ra phía ngoài  xuống dưới gò má, vỏ mũi, đi lên phía trong lông mày và tiếp tục 10 – 20 lần, xoa các vòng có xoang xương hàm trên và xoang trán, xoa vòng ngược lại 10 – 20 lần.

Tác dụng: Phòng và chữa bệnh viêm xoang.

b/ Xoa mắt:

Chuẩn bị: Nhắm mắt lại và đặt 2 ngón tay giữa lên 2 con mắt .

Ðộng tác: Xoa mi  mắt trong vòng hố mắt vừa sức chịu đựng của mắt, xoa mỗi chiều 10 – 20 lần.

Tác dụng: Ðề phòng và chữa bệnh mắt : viêm mắt, các bệnh già về mắt.

c/ Bấm huyệt chung quanh nhãn cầu :

Dùng ngón cái bấm huyệt phía trong và phía trên hố mắt và dùng ngón trỏ bấm huyệt phía ngoài và phía dưới hố mắt, có tác dụng giúp khí huyết lưu thông trong hố mắt.

xoa xoang và mắt

– Ðộng tác 21: Xoa mũi

 Gồm 5 động tác :

a/ Dùng 2 ngón trỏ và giữa xoa mũi từ dưới lên và từ trên xuống cho ấm đều, đồng thời thở vô ra cho mạnh độ 10 – 20 lần. (Hình 21, 21a).

b/ Ðể ngón tay chỗ giáp giới giữa xương mũi và xương sụn mũi, day huyệt độ 10 – 20 lần.(Hình 21b).

c/ Dùng ngón tay trỏ bên này áp vào cánh mũi bên kia, xoa mạnh độ 10 – 20 lần. (Hình 21c).

d/ Dùng 2 ngón tay trỏ ấn mạnh vào huyệt Nghinh hương (ngoài cánh mũi, trên nếp má – môi) và day huyệt ấy độ 10 – 20 lần.(Hình 21d).

e/ Vuốt để lỗ mũi và bẻ đầu mũi qua lại. (Hình 21e).

Tác dụng: Làm ấm mũi và chữa các bệnh ở mũi.

động tác Xoa mũi

– Ðộng tác 22: Xoa miệng

Chuẩn bị: Xoa miệng để làm cho các cơ miệng, môi, má, cơ nhai, cơ cổ, cơ họng được tăng cường hoạt động, làm cho gương mặt tươi vui, lạc quan, chống gương mặt buồn rầu, bi quan…

Muốn được vậy, điều cần thiết là ta phải căng lên phía các cơ miệng, má, cổ, cơ da (muscle peancier) trước khi xoa thì mới có thể đổi trạng thái của mặt từ bình thường trở thành vui tươi, mà trạng thái vui tươi của mặt sẽ ảnh hưởng đến trạng thái của tâm thần, làm cho tâm thần ngày càng lạc quan. Dĩ nhiên trạng thái tư tưởng và tâm thần quyết định gương mặt, song ảnh hưởng ngược lại cũng cần lưu ý khi tập.

Ðộng tác: Dùng bàn tay bên này xoa miệng và má bên kia, từ miệng đến tai và từ tai đến miệng, 10 – 20 lần rồi đổi bên.

Tác dụng: Phòng và chữa liệt mặt, sữa đổi gương mặt chủ động vui tươi.

xoa miệng

– Ðộng tác 23: Xoa cổ

Chuẩn bị: Căng các cơ như trên, ưỡn cổ và mặt ngó lên trời, một bàn tay xoè ra, ngón cái một bên, 4 ngón kia một bên, đặt lên cổ.

Ðộng tác: Xoa lên xoa xuống từ ngực đến cằm và từ cằm đến ngực cho ấm đều; làm từ 10 – 20 lần. Ðổi tay và xoa như trên.

Tác dụng: Phòng và trị viêm họng, trị ho. Chỗ lõm trên xương ức là huyệt Thiên đột, có thể bấm thêm và day huyệt này.

Muốn bấm huyệt Thiên đột, phải cúi đầu xuống, co ngón trỏ lại thành lưỡi câu rồi móc huyệt Thiên đột về phía dưới dài theo xương ức và day huyệt ấy, không nên chọc thẳng đứng vào cổ, đụng đến khí quản sẽ gây phản xạ ho.

động tác xoa cổ

– Ðộng tác 24: Đảo lưỡi đảo mắt

Ðảo lưỡi trong miệng kết hợp với đảo mắt cùng một hướng, đồng thời dao động thân qua lại.

Ðảo theo vòng tròn từ 5 – 10 lần rồi đảo ngược lại, đồng thời dao động thân qua lại.

động tác đảo lưỡi

– Ðộng tác 25: Súc miệng đảo mắt

Súc miệng kết hợp với đảo mắt qua lại và đánh răng đồng thời dao động thân qua lại.

Ðưa một ngụm hơi vào miệng như một ngụm nước cho má phình lên rồi cho nó đảo từ má bên này sang má bên kia, kết hợp với đảo mắt cùng một hướng, đồng thời đảo xong thì gõ răng một lần. Ăn nhịp với động tác đảo thì dao động thân qua lại. Ðảo từ 10 – 20 lần.

động tác súc miệng

– Ðộng tác 26: Tróc lưỡi

Ðưa lưỡi lên vòm họng và tróc lưỡi. Làm độ 10 – 20 lần.

Tác dụng: Tập cho lưỡi hoạt động linh hoạt, tránh nói năng khó khăn trong lúc tuổi già.

Muốn cho động tác này có tác dụng, thì bụng dưới phải tham gia vào việc tróc lưỡi làm cho nó kêu to. Ðể kiểm tra, đặt tay vào bụng dưới, mỗi lần tróc lưỡi bụng dưới chuyển động rất mạnh.

Chú ý: Trong các động tác lưỡi, thường nước miếng (nước bọt) trào ra, ngừng động tác và nuốt nước miếng cho mạnh để tăng cường tiêu hoá và làm thông tai.

Tác giả: GS-BS Nguyễn Văn Hưởng 

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ