Đại kiến trung thang – Xuất xứ Kim quỹ yếu lược – Tác dụng : Ôn trung, bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống.
Mục Lục
1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị
Xuyên tiêu 8g | Can khương 12g |
Nhân sâm 12g | Đường phèn (di đường) 40g |
Cách dùng: sắc, bỏ bã, thêm đường phèn uống nóng.
Tác dụng : Ôn trung, bổ hư, giáng nghịch, chỉ thống.
Chủ trị: Trị các chứng trung tiêu hư hàn, bụng đau, nôn, không thích ăn, có giun đũa, có hiệu quả tốt.
2. Phân tích bài thuốc
Phân tích bài thuốc:
Trong bài Thục tiêu ôn trung, hạ khí, giáng nghịch, giảm đau; Can khương ôn trung trừ hàn, hoà vị chỉ ẩu; Nhân sâm bổ ích Tỳ vị, nâng cao chính khí; Trọng dụng di đường làm mạnh trung tiêu, hoãn cấp; đồng thời còn điều hoà được khí táo nhiệt của Can khương, Thục tiêu. Toàn bài có tác dụng ôn trung bổ hư, giáng nghịch, giảm đau.
3. Điều văn Đại kiến trung thang thang Thương hàn luận
Điều văn:
“Tâm hung trung đại hàn thống, ẩu bất năng ẩm thực, phúc trung hàn, thượng xung bì khởi, xuất kiến hữu đầu túc, thượng hạ thống nhi bất khả xúc (sờ) cận, đại kiến trung thang chủ chi.”
Đại kiến trung thang phương: Thục tiêu 2 hợp (khứ hạn) can khương 4 lượng, nhân sâm 2 lượng.
Dùng 4 thăng nước sắc còn 2 thăng bỏ bã, cho vào 1 thăng giao di sắc nhỏ lửa, còn 1,5 thăng, chia ra uống lúc ấm. Chờ 1 lúc sau uống 2 thăng nước cháo, đắp ấm.
Giải thích:
Thượng xung bì khởi, xuất kiến hữu đầu túc: Hình dung hàn khí công xung trong bụng, da bụng đột nhiên nổi u cục như đầu ngón chân di động lên xuống.
Dịch nghĩa:
Đoạn này nói về chứng trị tỳ vị hư hàn phúc mãn thống. “Tâm hung trung đại hàn thống” là ý nói đau dữ dội và vị trí đau rất rộng, từ bụng tới tâm hung, từ tạng phủ tới kinh lạc đâu đâu cũng tràn đầy hàn khí. Khi hàn khí xung nghịch thì vùng da bụng như có 1 vật nổi u to bằng đầu ngón chân chạy lên xuống công xung gây đau và đau không cho sờ vào bụng. Do hàn khí thượng xung nên ẩu thổ mà không ăn uống được. Bệnh do tỳ vị dương hư trung tiêu hàn thậm gây ra, do đó dùng Đại kiến trung thang điều trị. Thục tiêu, can khương, ôn trung tán hàn; nhân sâm, di đường ôn bổ tỳ vi, các vị hợp dùng có tác dụng đại kiến (xây dựng) trung khí làm cho dương khí vận hành, thì âm hàn tự tán và các chứng tự giải.
Lời bàn:
Ngoài những triệu chứng mà nguyên văn đã nêu, thì còn phải có thủ túc nghịch lãnh mạch trầm phục mới đủ. Ở đoạn 2 đã nói “bệnh phúc mãn ấn không đau là hư chứng, ấn đau là thực chứng”, đoạn này lại nói đau mà không cho đụng chạm thì có vẻ như là thực chứng nhưng kỳ thực đây là hư hàn chứng rất nghiêm trọng, vì tuy có triệu chứng đau mà không cho đụng chạm nhưng đau di chuyển lên xuống, không cố định chỗ nào cả, vả lại mãn lúc giảm, lúc tăng thì lại không giống cái mãn của thực chứng là cố định và mãn không giảm. Căn cứ vào điều này thì đã rõ hư thực.
Phụ tử cánh mễ thang chứng và Đại kiến trung thang chứng tuy đều thuộc tỳ vị hư hàn nhưng cái trước (Phụ tử) thiên về thủy thấp nội đình do đó, trọng dụng bán hạ để hóa thủy thấp, cái sau (Đại kiến…) thiên về hàn thậm (nặng) nên trọng dụng can khương để ôn trung tán hàn. Qua đây ta có thể lý giải cả 2 phương tuy đều có phúc thống nhưng phương trước chủ chứng thiên về phúc trung lôi minh (sôi ruột), phương sau thì hàn tà công xung tương đối nhiều. Đồng thời Đại kiến trung dùng nhân sâm, di đường thì ta có thể đánh giá được mức độ hư suy của bệnh tất nhiên sẽ nặng hơn Phụ tử cánh mễ thang, xét từ tính năng của thuốc, chữa phúc thống do hư hàn thì phụ tử không bằng can khương, chữa ẩu thổ do hư hàn thì bán hạ không bằng thục tiêu, ôn dưỡng tỳ vị thì cam thảo, cánh mễ, đại táo không bằng nhân sâm, di đường.
Thuốc này có tác dụng nhất định với đau bụng hàn tính do Sán hà hoặc giun gây ra hoặc đại tiện không thông do hàn kết gây ra.
4. Trích dẫn y văn
> Chủ chứng của bài này là vùng bụng đau nhiều, do dương khí ở trung tiêu suy yếu, khí âm hàn nghịch lên gây ra. Thiên Tý luận’ (Tố vấn 43) ghi: “Đau là hàn khí nhiều, có hàn thì đau’, Thiên ‘Cử thống luận’ (Tố vấn 39) viết: ‘Hàn khí vào kinh đóng lại lâu, ngưng mà không lưu hành, nếu phạm ở mạch thì huyết ít, phạm vào trong mạch thì khí không thông, cho nên bỗng nhiên sinh đau”. Vì dương khí ở trung tiêu hư cho nên đau mà không ăn được, nặng thì nôn mửa. Do hàn tà nghịch lên nên trong bụng lạnh, xung lên nổi rõ ra ngoài da mà xuất hiện ra từ đầu đến chân mà không sờ vào được. Trong bài trọng dụng những thuốc ôn trung giáng nghịch, kiến trung phù chính, làm cho khí trung tiêu mạnh trở lại, thì đau, các chứng nghịch lên sẽ tự khỏi (Thượng Hải phương tễ học).
> Bài thuốc ‘Đại kiến trung thang’ được ghi chép trong phần ‘mạch chứng’, sách ‘Kim quỹ yếu lược điều trị chứng đầy bụng, hàn sán, tích thực.
Chủ yếu điều trị ngực lạnh đau, nôn mửa không ăn được, khí nghịch, bụng lạnh, nổi lên ngoài da bụng, đầu, chân, trên dưới đau không thể sờ được… Dựa vào nguyên tắc: ‘Bệnh cấp phải trị tiêu, thì bài thuốc trị phải cấp tốc ôn tán hàn tà. Do đó trong bài dùng Can khương, Thục tiêu rất cay, rất nóng làm chủ dược, ôn tán hàn tà, giải trừ âm hàn ngưng trệ.’ Hàn tà giải thì dương khí trung tiêu hồi phục, hết đau bụng, nôn nghịch. Dùng Di đường hoãn cấp giảm đau hỗ trợ Tỳ Vị, đồng thời hạn chế tính cay nóng mãnh liệt của Can khương, Thục tiêu, giảm bớt hao tán dương khí. Trong bài còn dùng Nhân sâm kiện Tỳ ích khí, hưng phấn dương khí trung châu, phù chính khu tả, hạn chế Thục tiêu, Can khương làm hao tán dương khí. Các vị phối hợp trừ tà mà không tổn thương chính khí, giải trừ âm hàn, trừ đau bụng. Bài này tán hàn tà cấp tốc, tuy dùng Nhân sâm so với phương pháp ôn bổ trị hư hàn có sự khác nhau. Nếu chỉ dùng thuốc cay nóng ôn táo, không dùng Nhân sâm sẽ tổn thương dương khí do đó bắt buộc sử dụng Nhân sâm (Trung y vẩn đối).
> Tiểu kiến trung thang’ và ‘Đại kiến trung thang’ điều trị đau bụng do hàn, Nhưng Tiểu kiến trung thang’ trị hư lao lý cấp, đau bụng thích chườm nóng, xoa bóp. Cơ chế bệnh lý chủ yếu là trung tiêu dương hư, không vận hành, âm huyết bất túc, không được dinh dưỡng. Bệnh trung tiêu hư hàn, âm dương đều hư, phải ôn trung bổ hư. ‘Đại kiến trung thang’ chủ trị âm hàn thịnh bôn trong bụng đau dữ dội, da nổi tên như có đầu, chân, đau cự án. Cơ chế bệnh chủ yếu là âm hàn thịnh bên trong, dương khí hư suy, hàn là chính, hư lồ thứ yếu. Đó là điểm khác biệt công dụng chủ trị của hai bài thuốc ( Trung y vấn đối)
Nguồn: Tổng hợp + L/y Hoàng Duy Tân
Xem thêm: