Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Bài thuốc Tư âm thanh phế thang

by Hoàng Duy Tân

Bài thuốc Tư âm thanh phế thang – Xuất xứ Trọng lâu ngọc thược – Công dụng: Dưỡng âm thanh Phế, giải độc lợi hầu.

1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị

Sinh địa (quân) 12-20g Huyền sâm (thần) 8- 16g
Mạch môn (thần) 8- 16g Đơn bì 8- 16g
Xích thược (thần) 8- 12g Bối mẫu (thần) 8- 12g
Cam thảo (tá) 6-8g Bạc hà (tá) 6-8g

Cách dùng: sắc uống.

Tác dụng: Dưỡng âm thanh Phế, lương huyết giải độc. 

Chủ trị: Trị bạch hầu, trong họng sùi trắng như lồ loét, sốt, mũi khô, môi khô, thở nghe có tiếng như suyễn mà không phải là suyễn.

2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng

Phân tích bài thuốc

Đông y cho rằng bạch hầu thuộc tà táo nhiệt, dễ tổn thương âm dịch, vì vậy phép trị chính là dưỡng âm thanh Phế, lương huyết giải độc. Sinh địa, Huyền sâm, Mạch môn có tác dụng dưỡng âm lương huyết, thanh nhiệt giải độc là chủ dược; Bạch thược hỗ trợ Sinh địa dưỡng âm; Đơn bì hỗ trợ Huyền sâm, Sinh địa lương huyết giải độc; Bối mẫu nhuận Phế, chỉ khái, hóa đờm, thanh nhiệt; Sinh Cam thảo thanh nhiệt giải độc; Bạc hà tuyên Phế lợi yết. Các vị thuốc cùng dùng có tác dụng dưỡng âm thanh Phế lương huyết, giải độc.

Ứng dụng lâm sàng:

Bài thuốc thường dùng trị các chứng bệnh viêm amiđan cấp, viêm họng sưng đau, bạch hầu, có triệu chứng sốt, Phế âm hư, ung thư mũi, họng (do âm hư).

+ Trường hợp thận âm hư, thêm Thục địa để tư bổ thận âm.

+ Nhiệt độc nặng, thêm Kim ngân hoa, Liên kiều để thanh nhiệt giải độc.

+ Trường hợp có biểu chứng, thêm Tang diệp, Cát căn.

3. Nghiên cứu lâm sàng Tư âm thanh phế thang

  • Trị amiđan viêm cấp: Trị 50 ca. Táo bón, thêm Nguyên hồ phấn 3g; Tiểu ít, nước tiểu vàng, thêm Xa tiền tử. Miệng khô, thêm Thiên hoa phấn. Kết quả: Khỏi 45, đỡ 3, không khỏi 2 (Trung Hoa y học tạp chí 3, 1962).
  • Trị amidan viêm cấp: Trị 42 ca, đều khỏi (Liêu Ninh trung cấp y san 1, 1981).
  • Trị họng viêm mạn: Trị 50 ca. Thời gian bệnh ngắn nhất là 1 tháng, nhiều nhất là 7 năm. 10 thang là 1 liệu trình, uống 3 liệu trình. Kết quả: Khỏi 20, đỡ 27, không khỏi 3 (An Huy trung y học viện học báo 3, 1982).
  • Trị khoang miệng lở loét: Trị 36 trẻ nhỏ. Nhiệt chưa hết, thêm Kim ngân hoa 5g, Đạm trúc diệp 3g. Táo bón, thêm Đại hoàng 3-5g. Kết quả: Đều khỏi hết. Từ 2- 4 ngày có 31 ca khỏi, 5-7 ngày có 5 ca khỏi (Giang Tô trung y tạp chí 4, 1988).

4. Trích dẫn y văn

Chứng bạch hầu phần nhiều do người bệnh vốn có nhiệt ẩn nấp ở thượng tiêu làm hao tổn âm dịch trước rồi lại cảm phải độc khí của thời dịch mà thành bệnh. Sách Trọng lâu ngọc thược’ viết: “Chứng này phát nơi người Phế thận bản chất vốn hư hoặc gặp khi táo khí lưu hành, hoặc uống nhiều thứ cay nóng gây thành bệnh”. Vì thế, phép trị nên nặng vế dưỡng âm thanh Phế, nhưng nếu lúc mới đầu có kèm biểu chứng thì nên thêm ít vị tuyên thông, phát tán nhẹ. Nhiệt nặng, có thể thêm những vị thanh nhiệt giải độc. Nếu tiếng nói ngọng, thở gấp, phần nhiều thuộc chứng nguy. (Thượng Hải phương tễ học).

Nguồn: L/y Hoàng Duy Tân

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ