Bài thuốc Bảo nguyên thang – Xuất xứ Truyền thụ tâm giám – Tác dụng Bổ khí ôn dương.
Mục Lục
1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị
Hoàng kỳ 12g | Nhân sâm 12g |
Cam thảo 4g | Nhục quế 2g |
Cách dùng: Thêm Sinh khương 1 lát, sắc nước uống ấm.
Tác dụng: Bổ khí ôn dương.
Chủ trị: Trị các chứng hư tổn, lao khiếp, nguyên khí không đủ, và mụn đậu vì dương hư đậu mụn hãm xuống, huyết hư nước trong, không mưng mủ được.
Kiêng kỵ: Âm hư không dùng
2. Phân tích bài thuốc
Bảo nguyên ý chỉ bảo trì nguyên khí. Bài này là tổng phương trị khí hư. Dùng Hoàng kỳ giữ khí ở phần biểu; Cam thảo giữ khí ở phần lý; Nhân sâm giữ tất cả khí trên dưới, trong ngoài. Trong đó Sâm, Kỳ dược sự dẫn đạo của Quế thì tác dụng ích khí càng rõ. Quế được tính hòa bình của Cam thảo thì ôn dương mà điều khí lý huyết. Người xưa thường nói khí hư không khỏi, dùng các thuốc không công hiệu, thì chỉ có cách ích Tỳ bổ thận, bài này dùng Nhân sâm, Hoàng kỳ, Cam thảo bổ trung tiêu ích khí, khôi phục công năng của Tỳ vị, phối hợp với Nhục quế làm ấm nguyên đương ở hạ tiêu, điều chỉnh cả Tỳ Thận cho nên có thể trị chứng chân nguyên không đủ, dương khí thiếu hư.
Khí được giữ thì nguyên khí tự đủ. Nhưng để bổ khí thuộc hậu thiên, thủy cốc thì có thừa nhưng để sinh khí của tiên thiên tại mệnh môn thì chưa đủ, vì vậy, thêm Nhục quế để cổ vũ cho mệnh môn, kích thích thận khí.
Khí chân nguyên trong nhân thể chứa ở thận, mà khí cơm nước của Tỳ vị, hợp hoá với khí hô hấp của Phố, nuôi khắp thân thể, ba thứ ấy là gốc sinh mệnh. Nếu nguyên khí không đủ gây ra hư tổn, lao kiếp. Dùng bài này để ôn bổ nguyên khí, khí đầy đủ, thân thể mạnh thì hư tổn tự nhiên hồi phục. Tuy nhiên công dụng của bài này thiên về ôn bổ, người âm hư huyết kém không nên dùng.
3. Trích dẫn y văn
Bài này là do Nguỵ Quế Nham theo bài ‘Hoàng kỳ thang’ của Lý Đông Viên, dùng trị đậu mùa mà lập ra. Bài ‘Hoàng kỳ thang’ của Lý Đông Viên chỉ dùng ba vị: Sâm, Kỳ, Cam thảo. Nguỵ Quế Nham từ trong thực tiễn mà hiểu được dùng Tứ quân tử thang’ thêm Hoàng kỳ, Tử thảo, cố nhiên có thể làm cho đậu mọc ra đầy đủ mà giải được, nhưng nếu gặp khí đã mọc ra nhiều rồi mà dùng bài này thì đậu không thể thành ‘tương’ được, đến nỗi khô kiệt róc đi mà chết cũng có. Xét sâu vào nghĩa đó, thì biết Bạch truật táo thấp, Phục linh vị đạm, thấm thấp, không có lợi cho người khí huyết không đủ, bỏ bớt Linh, Truật đi thì dùng có công hiệu, nhưng sợ rằng tính thuốc rất hoãn, phát ra không nhanh, cho nên thêm Quan quế để giúp cho sức thuốc, vì thế công hiệu càng rõ rệt, do đó Ngụy Quế Nham chế ra bài thuốc mới này, gọi tên là “Bảo nguyên”. Qua đó đủ biết biết cách lập phương của họ Ngụy đã hấp thu được kinh nghiệm của tiền nhân, lại kết hợp với sự linh hoạt trong thực tiễn của mình mà đặt ra (Thượng Hải phương tễ học).
Nguồn: L/y Hoàng Duy Tân
Xem thêm: