Bài thuốc Bạch đầu ông thang – Xuất xứ Thương hàn luận – Công dụng Thanh nhiệt giải độc, lương huyết trị lỵ.
Mục Lục
1. Thành phần bài thuốc – Tác dụng chủ trị
Bạch đầu ống 16-20g | Hoàng bá 12-16g |
Hoàng liên 18- 12g | Tần bì 18- 12g |
Cách dùng: Sắc uống ấm.
Tác dụng : Thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, chỉ lỵ. Trị nhiệt lỵ mót rặn, bụng đau, đại tiện có máu mủ, khát nước, hậu môn nóng, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch Huyền Sác.
2. Phân tích bài thuốc – Ứng dụng lâm sàng
Phân tích bài thuốc:
Bạch đầu ông thanh nhiệt giải độc lương can và có tác dụng tốt trong điều trị lỵ. Tần bì thanh can lương huyết giải độc cũng có thể chữa lỵ. Hoàng cầm, hoàng liên thanh nhiệt giải độc táo thấp là thuốc chủ yếu chữa lỵ. Bốn vị thuốc trên hợp lại trở thành phương tễ chữa thấp nhiệt nhiệt độc hạ lợi rất kết quả. Khổ hàn thanh nhiệt cùng dùng. Khổ hàn thanh nhiệt giải độc cùng dùng là muốn tập trung binh lực để giải quyết mâu thuẫn chủ yếu và đây cũng là phương pháp phối ngũ thường dùng trong “Thương hàn luận” như Đế đương thang, Tam hoàng tả tâm thang đều là phương pháp phối ngũ này.
Ứng dụng lâm sàng:
Bài này cũng có thể dùng đối với các trường hợp huyết hư, âm hư kèm nhiệt lỵ. Bạch đầu ông thang không chỉ có thể chữa kiết lỵ mà còn có thể chữa viêm tiết niệu. Phàm thấy trường đạo thấp nhiệt hoặc hạ tiêu thấp nhiệt đều có thể dùng phương này gia giảm điều trị.
Thực nghiệm dược lý chứng minh Bạch đầu ông có tác dụng kháng khuẩn, kháng amip và trùng roi. Hoàng liên, hoàng cầm có tác dụng trong ức khuẩn tiêu viêm. Tần bì có tác dụng chỉ lý thu liễm, ức chế trực khuẩn lý, thanh nhiệt. Do đó Bạch đầu ông thang là phương tễ tiêu viêm, giải độc, thu liễm.
Gia giảm :
– Nếu có triệu chứng ở biểu như sốt, sợ lạnh, thêm Cát căn, Kinh giới, Ngân hoa, Liên kiều để giải biểu thanh nhiệt.
– Bụng đau, mót rặn nhiều, thêm Mộc hương, Binh lang, Bạch thược để hành khí, chỉ thống, giảm mót rặn.
– Xích lỵ, thêm Xích thược, Đơn bì, Địa du dể hoạt huyết, lương huyết, chỉ huyết.
Bài này có thể trị lỵ a míp, lỵ trực trùng, nhiệt độc thịnh.
Phụ nữ sau khi đẻ huyết hư mà bị nhiệt lỵ, tiêu ra máu mủ, bụng đau, mót rặn, thêm A giao, Cam thảo, gọi là ‘Bạch dầu ông gia cam thảo a giao thang’ (Kim quỹ yếu lược).
Nhiệt lỵ đã hết mà lưỡi đỏ thẫm, khô, không thích ăn uống, ăn vào khó nuốt, gọi là ‘cấm khẩu lỵ\ có thể dùng bài này bỏ Hoàng bá, thêm Hài nhi sâm, Mạch môn, Thạch hộc, Cam thảo, hạt Sen để bổ Vị âm; thêm Thạch xương bồ, Thạch liên tử để hoá trọc.
3. Trích dẫn y văn
Lời bàn: Cổ đại gọi chứng này là “trường tịch” hay “trệ hạ”, hậu thế gọi là lỵ tật tương đương với kiết lỵ ngày nay, thuộc dạng bệnh truyền nhiễm.
+ Ba kinh âm đều có chứng đại tiện lỏng. Chứng đại tiện lỏng, không khát, là thuộc Thái âm, chỉ có quyết âm đại tiện lỏng thuộc hàn thì quyết lạnh mà không khát; đại tiện lỏng ra nguyên thức ăn, thuộc nhiệt thì tiêu khát, mót rặn, đại tiện ra máu mủ.
Chứng đại tiện lỏng mót rặn thuộc nhiệt này là hoả uất thấp chưng, khí ô uế bốc lên kết trường ngang, phách môn, trọng trệ khó ra giống như mô tả trong sách ‘Nội kinh’:“Đại tiện ra như xối, bức bách ở dưới”. Lấy Bạch đầu ông làm vị chủ lực (quân), tính hàn mà cay đắng, lấy Tần bì làm thần, tính hàn mà đắng chát, hàn hay thắng nhiệt, đắng hay ráo thấp, cay hay tán hoả uất, chát để thu đại tiện lỏng mót rặn. Hoàng liên làm tá, thanh hoả ở thượng tiêu, thì khát có thể cầm lại được. Hoàng bá làm sứ tả nhiệt ô hạ tiêu thì đại tiện lỏng tự hết. Trị chứng quyết âm nhiệt lợi có hai cách: Mới đại tiện lỏng, dùng bài này, lấy vị đắng để ráo thấp, vị cay để tán uất, vị chát để cố sáp, đó là phép lấy thuốc hàn trị bệnh nhiệt. Đại tiện lỏng đã lâu thì dùng ‘ô mai hoàn’, lấy vị chua để thu hoả, các vị đắng hàn làm tá, lại thêm các vị ôn bổ, như vậy là nghịch trị, tòng trị, tuỳ chứng lợi mà cho đi, điều hoà khí làm cho hoả bình (Sán bổ danh y phương luận).
+ Thiên ‘Quyết âm’ sách Thương hàn luận’ viết: “Nhiệt lỵ mót rặn, dùng ‘Bạch đầu ông thang’ là chủ”. Và: “Tiêu chảy muốn uống nước là có nhiệt, dùng ‘Bạch đầu ông thang’ làm chủ”. ‘Nhiệt lỵ’ nói ở đây, là chỉ vào chứng đi lỵ ra máu mủ, mót rặn, kiêm có chứng nóng khắp toàn thân, có
thể biết không phải là chứng tiêu chảy nói chung, mà là chứng nhiệt độc đi sâu vào huyết khiến cho đi ly ra toàn máu. Cho nên phép trị chú trọng vào thanh nhiệt giải độc, lương huyết, làm cho nhiệt độc hết thì chứng lỵ, mót rặn tự hết (Thượng Hải phương tễ học).
+ ‘Bạch đầu ông thang’ và Hoàng cầm thang’ đều là thuốc thanh nhiệt, lý huyết, cầm lỵ, trị chứng nhiệt lỵ, nhưng ‘Bạch đầu ông thang’ kiêm lương huyết giải độc. Thương hàn luận’ viết: ‘Chứng nhiệt lỵ hạ trọng, dùng ‘Bạch đầu ông thang’. Chứng lỵ muốn uống nước, nhiệt chứng, dùng ‘Bạch đầu ông thang’. Như vậy ‘Bạch đầu ông thang’ trị các chứng thấp nhiệt tà nhiệt nặng, nhiệt độc xâm phạm huyết phận thuộc chứng nặng. Do tà nhiệt uất trệ nung đốt trường vị, khí huyết, làm cho máu thối rữa, hóa thành mủ phát sinh lỵ ra máu, xích bạch lỵ. ‘Hoàng cầm thang’ trị Thái dương, Thiếu dương hợp bệnh, thanh nhiệt cầm lỵ, điều hòa trung khí, giảm đau. Do nhiệt ở Thiếu dương hãm vào lý, phát sinh chứng lỵ, bài thuốc tác dụng thanh giải lý nhiệt là chính, kiêm thanh nhiệt Thiếu dương… Nói chung hai bài trên đều trị chứng nhiệt lỵ, nhưng ‘Hoàng cầm thang’ trị bệnh nhẹ, tà nhiệt ở can, thiên về khí phận, ‘Bạch đầu ông thang’ trị bệnh lỵ nặng, nhiệt độc vào sâu, thiên về huyết phận. Trên lâm sàng sử đụng cần phải phân biệt (Trung y vấn đối).
+ Hạ tiêu do can thận chủ quản, can chủ sơ tiết nhưng nay xuất hiện hạ trọng thì đó là do tà nhiệt úng ứ, khí trệ bất hành gây ra. (Uông Linh Hữu)
+ Nói về khát hoặc không khát tức là có nhiệt hoặc không có nhiệt. Lý không tà nhiệt miệng tất không khát, hoặc là miệng khô cũng là hạ tiêu vô hỏa. Khí dịch không được chưng đằng nên miệng cũng không có tân dịch. Do đó khát mà không thể uống nhiều. Nếu vị có nhiệt táo thì tự nhiên khát sẽ muốn uống là lẽ đương nhiên. Nay lý không nhiệt tà thì có thể khát muốn uống không? Trọng Cảnh sợ mọi người không thể hiện rõ điều này nên viết ra điều văn này để mọi người hiểu rõ, hạ lợi mà muốn uống nước tức là có nhiệt dùng Bạch đầu ông thang thôi. (Thiết Thiên Lai)
Nguồn: Tổng hợp – L/y Hoàng Duy Tân
Xem thêm: