Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Chứng hôi miệng trong Đông y

by Dieu Quang

Chứng Hôi miệng là chứng chỉ hơi thở phả ra từ trong miệng có mùi rất hôi. Tự mình có thể cảm thấy hoặc người khác ngửi thấy.

A Chứng hôi miệng theo quan điểm Tây y

1. Một số nguyên nhân gây hôi miệng

Hôi miệng có nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân gây bệnh có thể kể đến như:

– Vi khuẩn

Các vi khuẩn kỵ khí phân giải các protein Gram âm tạo ra hợp chất sulphur dễ bay hơi, gây miệng có mùi hôi. Những vi khuẩn này thường tồn tại tại những vùng ứ đọng của miệng, như là các túi nha chu, vùng kẽ răng và trong sâu răng.

– Nguyên nhân do ăn uống 

+ Gặp trong những trường hợp khi ăn hoặc uống những đồ có chứa chất gây hôi miệng, như chất lỏng có chứa alcohol, thuốc lá, hay có hàm lượng protein hoặc đường cao. 

+ Một số thực phẩm từ sữa khi phân huỷ trong miệng giải phóng các amino axit chứa rất nhiều sulphur gây hôi miệng. 

+ Một số thực phẩm như hành và tỏi có chứa hàm lượng sulphur cao, cũng gây hôi miệng. 

+ Việc hút thuốc lá cũng gây hôi miệng. Do những hợp chất hoá học trong thuốc lá có mùi hôi rất mạnh, đặc biệt là 2 chất Tar và Nicotine. Khi hút thuốc, chúng sẽ đi qua đường hô hấp, phát tán qua hơi thở, từ đó gây hôi miệng.

Ngoài ra thuốc lá còn gây ra khô miệng do giảm tiết nước bọt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển trong khoang miệng như răng.

+ Do thuốc

Sử dụng một số thuốc như amphetamine, chloral hydrate, dimethyl sulphoxide, disulfiram, nitrate và nitrite … có thể gây hôi miệng.

– Nguyên nhân từ khoang miệng

+ Có thể do gặp các bệnh về nha chu và nướu (lợi) như viêm nướu, viêm nướu hoại tử,viêm nha chu, nướu bị lở loét, viêm quanh thân răng, áp xe.

+ Các vết loét do ác tính, các nguyên nhân tại chỗ

+ Các trường hợp khô miệng do giảm tiết nước bọt

+ Nhiễm khuẩn,  nhiễm nấm candida.

+ Các bệnh về xương như  viêm ổ răng khô, hoại tử xương, viêm tuỷ xương

–  Những nguyên nhân do bệnh lý khác

+ Một số bệnh toàn thân như nhiễm trùng đường mũi họng; rối loạn hô hấp cũng có thể dẫn đến hôi miệng.

+ Bệnh về dạ dày, đường ruột: hôi miệng là triệu chứng thường xuyên của bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Hoặc hôi miệng do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng có thể dẫn đến chứng hơi thở có mùi.

+ Tình trạng ketosisdo đái tháo đường, các bệnh về gan, thận…Đái tháo đường cũng có thể đưa tới nguy cơ cơ thể có mùi ketone trong hơi thở do sự phân huỷ mỡ.

+ Hội chứng mùi cá (trimethylaminuria): đây là hội chứng di truyền hiếm gặp. Nguyên nhân do rối loạn chuyển hóa, cơ thể không chuyển hóa trimethylamine trong các thực phẩm có mùi tanh khi ăn vào. Khiến các hóa chất tích tụ bên trong cơ thể, khi nó được bài tiết ra ngoài thì dù bệnh nhân có dùng mọi biện pháp vệ sinh cũng không giảm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây miệng có mùi hôi.

2. Các phương pháp điều trị theo y học hiện đại

Phương pháp điều trị hôi miệng cần tìm căn nguyên để giải quyết vấn đề tận gốc.

+ Với các nguyên nhân tạm thời do ăn uống, hút thuốc, uống thuốc … Có thể điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng, bỏ thuốc lá và cai rượu. Với thuốc uống cần có sự tư vấn của bác sĩ kê đơn. Không tự ý thay đổi thuốc khác.

+ Với các nguyên nhân từ vi khuẩn, cần vệ sinh răng miệng thường xuyên. Nhất là buổi tối sau khi ăn cần chải răng nhằm tránh tạo các mảng bám thức ăn, làm nơi cho vi khuẩn phát sinh.

Cách tốt nhất vẫn là chải răng và súc miệng nước muối. Tuyệt đối không lạm dụng các loại nước súc miệng, vì nó không thay thế cho việc chải răng hàng ngày mà còn ẩn chứa rất nhiều tác dụng không mong muốn.

Một số loại kẹo ngậm có tác dụng làm giảm hôi miệng bằng cách trung hoà các hợp chất gây mùi, gồm các chất có chứa sulphur. 

+ Với các bệnh lý khoang miệng, cần được xử lý sớm và triệt để. Tránh tình trạng viêm nhiễm thời gian dài

+ Với nhóm bệnh lý do các bệnh dạ dày hoặc chuyển hóa. Đây là nhóm nguyên nhân khó điều trị hơn các nhóm nguyên nhân trên. 

Tuy nhiên có thể sử dụng một số loại thuốc có tác dụng điều trị và ức chế với các bệnh dạ dày như trà ngược dạ dày hoặc viêm dạ dày.

Sử dụng thuốc điều hòa chuyển hóa trong cơ thể, đặc với bệnh tiểu đường. Duy trì lượng đường huyết ổn định giúp giảm thiểu nguy cơ gây hôi miệng.

Nhìn chung đối với tất cả các bệnh lý gây hơi thở có mùi, dù ở khoang miệng hay không đều nên được khám và điều trị sớm.

B Chứng hôi miệng theo Đông y

1. Khái niệm

Chứng Hôi miệng là chứng chỉ hơi thở phả ra từ trong miệng có mùi rất hôi. Tự mình có thể cảm thấy hoặc người khác ngửi thấy. Một số tên gọi khác là Tình xú, Khẩu xú, Khâu khí uế ố… 

2. Những nguyên nhân thường gặp

– Hôi miệng do vị nhiệt hun đốt: 

Thường do nhiệt tà hay ăn đồ cay nóng, uống thuốc tính nóng mà sinh nội nhiệt, hỏa nhiệt bốc lên. Lâm sàng có chứng hôi miệng, khát muốn uống nước lạnh, môi đỏ hồng, miệng lưỡi lở loét, chân răng sưng đỏ, ăn nhiều người gầy mà hay đói, tiểu tiện đỏ, đại tiện táo, lưỡi đỏ, rêu vàng, mạch có lực.

Pháp trị: Thanh Vị tiết nhiệt, Phương trị: Thanh Vị thang.

– Hôi miệng do đờm nhiệt úng tắc Phế: Có chứng hơi từ trong miệng phả ra tanh hôi kiểm chứng ngực đau và đây. khái thấu mửa ra chất đục hoặc ho mửa ra mủ máu, họng khô miệng đắng lưỡi ráo không muốn uống nước, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch Hoạt Sác.

– Hôi miệng do thực tích ở trường vị: 

Do ăn uống không điều độ, tỳ vị mất kiện vận, thức ăn đình trệ hình thành thực tích. Lâm sàng có chứng miệng hôi, bụng đầy, ợ hơi, ợ chua, ăn kém, đại tiện bất điều, hay trung tiện, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt.

Pháp trị: Tiêu tích đạo trệ, Phương trị: Bảo hòa hoàn hoặc Chỉ thực đạo trệ hoàn.

– Chứng hôi miệng do đờm nhiệt úng tắc ở Phế: 

Hay gặp ở chứng Phế nhiệt, Phế ung. Do đờm nhiệt ủng tắc ở Phế, khí huyết kết thành ung, huyết bại thành mủ. 

Lâm sàng có chứng ho mửa ra đờm, mủ máu, miệng có mùi tanh hôi. Pháp trị: Thanh Phế hóa đờm, Phương trị: Tả bạch tán

– Chứng hôi miệng do các hà răng (răng sâu)

Hà răng nằm ở trong mục Xỉ thống. Nguyên nhân do ăn uống nhiều đồ béo ngọt, vệ sinh răng miệng kém. Răng ngả màu xỉ, nặng thì có lỗ sâu răng, miệng có mùi hôi.

Pháp trị: Chữa bên ngoài là chủ yếu. 

Trên lâm sàng còn xuất hiện nhiều nguyên nhân khác, cần tùy theo nguyên nhân mà điều trị.

3. Một số bài thuốc dân gian trị hôi miệng

Chữa hôi miệng bằng nước muối

Pha một ít muối trắng vào một cốc nước ấm, nồng độ loãng. Dùng dung dịch này  để súc miệng 2-3 lần/ngày. Thực hiện đều đặn mỗi ngày để đạt hiệu quả cao.

Mật ong và chanh

Lấy 2 thìa cà phê nước cốt chanh hòa với cùng 1 thìa mật ong vào khoảng 50ml nước lọc. Dùng hỗn hợp này súc miệng vào mỗi sáng.

Chữa hôi miệng nặng bằng trà xanh

Trà xanh có chứa nhiều chất chống oxy hóa polyphenol, có tác dụng ức chế các vi khuẩn gây hôi miệng. 

Chuẩn bị 1 nắm trà xanh, đem rửa sạch, để ráo. Sau đó đem lá trà đun sôi với nửa thìa cafe muối. Dùng dung dịch này súc miệng ngày lần sáng và tối trước khi đi ngủ. Thực hiện hàng ngày không chỉ giúp giảm hôi miệng mà còn tăng độ chắc khỏe cho răng.

Hạt dưa hấu

Lấy hạt dưa hấu, rửa sạch phơi khô, sau đó xay nát, trộn với mật ong làm viên nhỏ. Hàng ngày, sau mỗi lần súc miệng thì lấy một viên để ngậm, cho đến khi tan ra thì nhổ bỏ.

Ngò gai: Lấy một nắm rau ngò gai (mùi tàu) sắc đặc lấy nước, thêm mấy hạt muối vào. Dùng súc miệng hàng ngày.

Quả lê: Quả lê bỏ vỏ và hạt, thái mỏng ngâm nước sôi để nguội khoảng nửa ngày; dùng nước ấy uống thay nước trong 2-3 ngày liền.

4. Trích dẫn y văn

– Nhà họ Triệu có con trai hơn 20 tuổi, mắc bệnh hơi trong miệng thở hôi như phân, chẳng ai dám nói chuyện trực tiếp. Họ Đới nói: “Phế kim vốn chủ về mùi tanh, kim bị hỏa hun đốt, hỏa chủ về mùi hôi và khét cho nên có bệnh ấy. Lâu ngày sẽ thành loét nát, cái loét nát ấy là do Thận, là cực nhiệt nghĩa là lại thêm thủy hóa. Bệnh ở phía trên phải làm cho vọt ra trước hết lấy Trà điều tán làm cho vọt ra được 7 phần, ban đêm lại dùng Chu sa hoàn và Quyên xuyên tán cho bài tiết 5, 7 lần, sớm muộn sẽ hết mùi hôi. Hỡi ôi người ta có bệnh hôi miệng kéo đến tuổi già không hết, người đời nói ngoa là do Phế bị thiên lệch cùng thông với vị cho nên sinh hôi… đây là lời nói sai lầm (Nho môn sự thân – Quyển 6).

– Một nam giới có chứng hôi miệng, chân răng đỏ loét, đùi gối mềm yếu. Dùng các loại thuốc như Hoàng bá thì bệnh càng tăng có khi còn có vị mặn, đó là do Thận kinh suy kiệt uống Lục vị hoàn khỏi ngay.

Có tham khảo tài liệu của Lương Y Nguyễn Thiên Quyến

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ