Banner
Nếu bạn không phải là một thầy thuốc Đông y, bạn không được tùy ý sử dụng các bài thuốc, vị thuốc trên website yhctvn.com để điều trị bệnh cho bản thân và người khác. Hãy đưa bệnh nhân tới khám và điều trị tại các cơ sở y tế, hoặc cá nhân có chuyên môn.

Đại cương thuốc Cố sáp

by BBT Yhctvn

Thuốc cố sáp là những thuốc có tác dụng thu liễm cố sáp khi mồ hôi, máu, nước tiểu, phân, khí hư ra quá nhiều hoặc chữa những người sa trực tràng, sa sính dục, các vết thương lâu ngày không lành.

1. Định nghĩa thuốc Cố sáp

Thuốc cố sáp là những thuốc có tác dụng thu liễm cố sáp khi mồ hôi, máu, nước tiểu, phân, khí hư ra quá nhiều hoặc chữa những người sa trực tràng, sa sính dục, các vết thương lâu ngày không lành.

2. Tác dụng chung

– Cầm mồ hôi: Do biểu hư và công năng của vệ khí giảm sút gây chứng ra mồ hôi không ngừng, tự ra mồ hôi, ra mồ hôi trộm.

– Cầm di tinh và di niệu: Do thận hư  không tàng tinh, gây di tinh, hoạt tinh, phụ nữ ra khí hư không ngừng, người già đi tiểu nhiều lần, trẻ em đái dầm.

– Cầm ỉa chảy: Do tỳ hư gây ỉa chảy kéo dài, lâu ngày co thể gây sa trực tràng

– Cầm máu do các nguyên nhân: Nhiệt chứng, ứ huyết, hư chứng.

– Sinh cơ: Chữa các vết thương lâu lành.

3. Phân loại thuốc cố sáp

– Căn cứ vào tác dụng thuốc cố sáp, người ta chia như sau:

+ Thuốc cầm mồ hôi (liễm hãn):

Nếu dương hư không bảo vệ bên ngoài, âm hư không giữ bên trong, sinh chứng ra mồ hôi trộm, tự ra mồ hôi, nếu mồ hôi ra nhiều có thể gây chứng vong dương (choáng, trụy mạch); phải dùng thuốc cầm mồ hôi để chữa.

+ Thuốc cố tinh, sáp niệu:

Điều trị các chứng xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh, di niệu, tiểu không tự chủ.

Do thận hư không tàng tinh gây chứng di tinh, hoạt tinh; người già do thận hư, bàng quan không tự kiềm chế hay đi tiểu tiện nhiều lần; trẻ em vì tiên thiên kém (thận) hay ngủ mê đái dầm; phụ nữ mạch xung, nhâm yếu (can thận) nên gây ra khí hư, rong huyết. Tất cả các chứng trên nên dùng các loại thuốc cố tinh sáp niệu phối hợp với thuốc bổ thận để chữa.

+ Thuốc sáp trường chỉ tả:

Do tỳ vị hư vận hoá thuỷ cốc thất thường, đình lại thành thấp xuống đại trường gây ỉa chảy mãn tính. Nếu ỉa chảy lâu ngày, tỳ dương hạ hãm, tay chân mệt mỏi, thở ngắn, ngại nói, gây sa trực tràng (thoát giang). Phải dùng thuốc cầm ỉa chảy phối hợp với các thuốc kiện tỳ để chữa.

+ Thuốc cầm máu ( Xem phần Lý huyết)

+ Thuốc sinh cơ.

4. Chú ý khi sử dụng

– Thuốc cố sáp là thuốc chữa triệu chứng, khi dùng phải phối hợp với các thuốc chữa nguyên nhân: Ra mồ hôi nhiều, tự ra mồ hôi do vệ khí hư phải dùng thuốc bổ khí như Hoàng kỳ; di tinh, di niệu do thận hư phải phối hợp với các thuốc bổ thận như ích trí nhân, Đỗ trọng; ỉa chảy kéo dài do tỳ hư thì thêm thuốc kiện tỳ như Đảng sâm, Bạch truật.

– Thuốc cố sáp là những vị thuốc chữa các bệnh thuộc hư chứng, không nên dùng quá sớm cho những bệnh còn thuộc thực chứng, gây hậu quả không tốt.

– Ra mồ hôi nhiều, không ngừng có các triệu chứng chân tay lạnh, hơi thở gấp, mạch vi muốn tuyệt thì phải dùng cac thuốc hồi dương cứu nghịch, bổ khí cứu thoát như: Phụ tử, Quế, Sâm…

– Ỉa chảy kéo dài nhưng thấp nhiệt chưa hết, thì phải kết hợp thuốc cầm ỉa chảy và thuốc thanh nhiệt táo thấp để chữa.

5. Cấm kỵ khi dùng thuốc

– Không được dùng thuốc cầm mồ hôi khi ra mồ hôi do nhiệt chứng.

– Không được dùng thuốc cầm ỉa chảy khi bệnh ỉa chảy gây ra do thực nhiệt (thấp nhiệt).

– Không được dùng thuốc sáp niệu khi đái buốt, đái rắt, đái ra máu do viêm bàng quang, sỏi đường tiết niệu.

6. Các vị thuốc Cố sáp

Ngũ vị tử
Kim anh tử Xích thạch chi
Sơn thù du Kha tử
Sen

Nguồn: Gtyhct

Xem thêm:

Bạn có thể quan tâm

Zalo
Liên Hệ